Những ai hay xem phim cung đấu có lẽ đã quá quen thuộc với những từ “hiền, lương, thục, đức”. Đây là những từ chỉ tiêu chuẩn đánh giá, cũng là yêu cầu và kỳ vọng đối với phụ nữ. Và là người phụ nữ tôn quý nhất trong thiên hạ, Hoàng hậu và Thái hậu cũng khó tránh được những tiêu chuẩn, yêu cầu này. Nhưng “hiền minh” lại có sự khác biệt với “hiền”, chỉ có những người phụ nữ vừa có đức vừa có tài, có bản lĩnh mới xứng đáng được gọi là “hiền minh”.
(Ảnh minh họa)
Trong lịch sử Trung Quốc, phụ nữ đa phần chỉ đóng vai trò là “vai phụ”. Nhưng Phụ Hảo, Âm Lệ Hoa và Võ Tắc Thiên lại đều là những người phụ nữ vừa có tài đức vừa thấu tình đạt lý hiếm có trong lịch sử Trung Quốc.
Phụ Hảo
Là vợ của Thương Vương Vũ Đinh, cũng là Quốc mẫu văn võ song toàn hiếm có trong lịch sử Trung Quốc. Ngày nay, trong những tấm giáp cốt còn sót lại của thời kỳ Vũ Đinh, người ta đã phát hiện hơn 200 tấm ghi chép về Phụ Hảo. Kết hợp với những vật như tấm rìu đồng đen được khai quật từ trong mộ của Phụ Hảo, có thể thấy một Vương Hậu đã giúp Vũ Đinh dẹp yên thiên hạ với bản lĩnh của mình.
(Ảnh minh họa)
Phụ Hảo đã nuôi dưỡng, dạy dỗ đời sau cho Vũ Đinh, quản lý tốt hậu cung, làm tròn bổn phận của một mẫu nghi thiên hạ. Bà còn tham dự vào triều chính, đích thân chỉ huy quân đội, quản lý tốt phong quốc của mình, sánh bước cùng Vũ Đinh. Có thể nói, tài đức của Phụ Hảo chưa từng bị giới hạn chỉ ở chốn hậu cung mà còn mở rộng ra khắp thiên hạ rộng lớn. Có một tiền bối xuất sắc như Phụ Hảo, Âm Lệ Hoa và Võ Tắc Thiên sau này cũng như có thêm mục tiêu phấn đấu.
(Ảnh minh họa)
Âm Lệ Hoa
Là vị hoàng hậu đầu tiên có ích hiệu trong lịch sử Trung Quốc. Âm Lệ Hoa xuất thân con nhà giàu, tổ tiên của bà chính là danh tướng Quản Trọng. Là khuê nữ đài các, Âm Lệ Hoa từ nhỏ đã được tiếp nhận nền giáo dục ưu việt, nuôi dưỡng tính cách nhân hậu ôn hòa.
(Ảnh minh họa)
Chữ “đức” của Âm Lệ Hoa càng được thể hiện rõ hơn trong sự hy sinh dành cho chồng bà là Lưu Tú. Sau khi bà và Lưu Tú thành hôn được khoảng 3 tháng, Lưu Tú bị điều về quê nhà ở xa giữa thế cục loạn lạc, Lưu Tú và Âm Lệ Hoa phải cách xa nhau hơn 2 năm. Việc lưu truyền thông tin thời cổ đại cực kỳ bất tiện, thêm vào đó chiến loạn khắp nơi, Âm Lệ Hoa bị mất liên lạc với chồng trong thời gian dài, còn tưởng rằng ông đã gặp nạn.
(Ảnh minh họa)
Khi ấy đã có phong tục nữ nhi tái giá. Âm Lệ Hoa tuổi đời còn trẻ, lại xuất thân hào môn, hoàn toàn có điều kiện để tái giá nhưng bà lại chuẩn bị sẵn sàng để thủ tiết vì Lưu Tú cả đời. Với sự trọng tình trọng nghĩa, giữ lễ nghi của Âm Lệ Hoa đã thể hiện được “đức” của bà.
Còn về “tài” lại được thể hiện trong việc xử lý và tranh giành ngôi vị hoàng hậu với Quách Thánh Thông. Trong khoảng thời gian chia cách với Âm Lệ Hoa, vì cân nhắc vấn đề chính trị, Lưu Tú lại lấy Quách Thánh Thông. Đây là một cuộc hôn nhân vì chính trị, Lưu Tú quả thực đã có được cơ hội phát triển thế lực của mình nhờ Quách Thánh Thông, cuối cùng có cơ hội xưng đế. Và sau khi Lưu Tú xưng đế, khắp nơi vẫn có không ít lời phản đối. Mọi người vẫn giương mắt nhìn xem Lưu Tú sẽ đối xử với Quách Thánh Thông như thế nào sau khi xưng đế. Nếu như Lưu Tú tệ bạc với Quách Thánh Thông thì sẽ làm mất lòng người khác, sẽ mất đi sự ủng hộ.
(Ảnh minh họa)
Âm Lệ Hoa cũng hiểu rõ điều này. Âm Lệ Hoa nói Quách Thánh Thông đã sinh con cho Lưu Tú, có tư cách để ngồi lên ngôi vị hoàng hậu. Hơn nữa, bản thân mình cũng không có năng lực quản lý tốt hậu cung, không thích hợp để trở thành hoàng hậu. Nhưng từ 24 năm làm hoàng hậu và thái hậu sau này của Âm Lệ Hoa có thể thấy, bà đâu có phải là người không có năng lực quản lý hậu cung?
(Ảnh minh họa)
Ban đầu, bà chẳng qua chỉ là nhìn rõ thế cục của đất nước mới thành lập, Quách Thánh Thông vẫn là người có khả năng giúp đỡ chồng mình hơn, thế nên mới tạm thời chịu khổ. Một người phụ nữ thấu tình đạt lý, nhìn nhận rõ thời thế, biết hy sinh, biết suy nghĩ cho chồng và đại cục như vậy, đương nhiên xứng đáng với câu nói của Lưu Tú: “Lấy vợ thì phải lấy Âm Lệ Hoa”.
(Ảnh minh họa)
Võ Tắc Thiên
Còn về Võ Tắc Thiên, có lẽ sẽ có người nghĩ rằng bà âm mưu đoạt quyền soán ngôi thì không xứng với hai chữ hiền minh. Nhưng triều Đường rơi vào tay bà lại hoàn toàn có cơ hội phát triển, tiếp nối sự huy hoàng, thịnh vượng của nhà Lý Đường. Trên thực tế, từ thời của Đường Cao Tông, Võ Tắc Thiên đã được tôn xưng là Thiên Hậu, sánh đôi cùng Đường Cao Tông và được gọi là “Nhị Thánh”. Trong thời Đường Trung Tông, Đường Duệ Tông, Võ Tắc Thiên cũng thông qua việc buông rèm nhiếp chính để kiểm soát quyền lực quốc gia.
(Ảnh minh họa)
Cho đến khi Võ Tắc Thiên tự mình đăng cơ làm hoàng đế, lo lắng chính sự trong 15 năm ấy, vùng đất Đại Đường phát triển một cách nhanh chóng, người dân được an sinh. Chính bởi có “mắt xích” Võ Tắc Thiên, sự hưng thịnh của Đại Đường mới không bị ngắt quãng, nền chính trị thời kỳ đầu lập quốc mới có nền tảng vững chắc như vậy. Nếu nói về công lao cá nhân thì Võ Tắc Thiên có lẽ là người đứng đầu trong các vị vua thời cổ đại Trung Quốc.
(Ảnh minh họa)
Từ xưa tới nay, quan niệm “nữ tử bất tài mới là đức” đã ăn sâu vào trong tiềm thức của nhiều người phương đông. Nhưng “có áp bức thì sẽ có phản kháng”, luôn có những người phụ nữ giống như Phụ Hảo, Âm Lệ Hoa và Võ Tắc Thiên, họ dùng sự cố gắng của mình để cuối cùng trở thành những người hiền minh sánh ngang với đấng mày râu.
Theo Bảo Vệ Công Lý