Tào Tháo, Lưu Bị, Tôn Quyền cả đời tranh đấu ngược xuôi tranh giành thiên hạ nhưng cuối cùng tất cả thiên hạ lại phải rơi vào tay nhà Tư Mã Ý.
Trong số những nhân vật nổi tiếng vào thời Tam Quốc, Tư Mã Ý từng được không ít người xem như "kẻ chiến thắng sau cùng" của thời đại này. Bởi lẽ, ông chính là người đặt nền móng giúp gia tộc của mình thâu tóm chính quyền Tào Ngụy và thống nhất Tam Quốc.
Có thể nói, tài năng, dã tâm và năng lực ẩn nhẫn là những đặc điểm nổi bật làm nên thành công của của một người như Tư Mã Trọng Đạt (tên tự của Tư Mã Ý).
Tuy nhiên cũng bởi vậy mà người đứng đầu của Tào Ngụy là Tào Tháo từ sớm đem lòng đề phòng đối với nhân vật này. Ông thậm chí còn nhiều lần dặn dò người kế thừa của mình phải đặc biệt cảnh giác với Tư Mã Ý.
Bí quyết để Tư Mã Ý dù bị Tào Tháo nghi ngờ, nhưng vẫn có thể âm thầm tạo dựng thành công nằm trong 3 câu nói để đời sau đây:
1. Chim khôn không chỉ chọn chỗ mà đậu, mà càng phải biết lúc nào nên hy sinh
Tào Tháo nổi danh là người "Thà ta phụ cả thiên hạ chứ không bao giờ để thiên hạ phụ ta". Cho nên, với những kẻ không thể dùng được hoặc mang lòng nghi ngờ, Tào Tháo không hề ngần ngại mà giết chết chứ quyết không cho đối phương cơ hội để hãm hại lại mình. Chính vì thế, là quần thần dưới trướng Tào Tháo, Tư Mã Ý phải thấu hiểu sâu sắc đạo lý giấu tài và giữ mình.
Ngay từ lần đầu tiên, khi Tào Tháo cử người tới, Tư Mã Ý không tiếc giả ốm để từ chối mọi lời mời. Tào Tháo không tin lý do này, nửa đêm đã phái người âm thầm lẻn vào nhà ông để kiểm tra. Biết trước điều đó, Tư Mã Ý cố tình nằm trên giường không động đậy suốt cả đêm.
Mãi đến năm 208, Tào Tháo ra lệnh: "Nếu còn lẩn tránh, hãy bắt giữ!" khiến Tư Mã Ý bị buộc phải vào triều tham chính, chính thức theo phe Tào Ngụy.
Hành động này của Tư Mã Ý cho thấy: Muốn thoát khỏi một tình huống bất lợi, nhất định phải có đủ can đảm để chấp nhận sự hy sinh. Tư Mã Ý Luôn biết cách hy sinh một cái giá rất nhỏ để nhận được những thành tựu lớn hơn. Chính vì thế, ông giấu tài trở thành một vị quan tầm thường dưới trướng Tào Tháo đa nghi, nhưng sau đó vẫn đủ bản lĩnh để chiếm được sự tin tưởng của Tào Phi, rồi chiếm cả thiên hạ của Tào Ngụy.
Trong môi trường làm việc, chúng ta cũng phải thấu hiểu đạo lý như vậy. Khi không được thể hiện tài năng, không được cống hiến sức lực của mình cho thành tựu chung, bạn có thể cảm thấy bị chèn ép, áp bức. Nhưng đó chính là thời điểm tốt nhất để dồn sức chuẩn bị cho một bước tạo đà chất lượng hơn. Đừng vì ánh mắt của người khác mà đánh mất cơ hội chính mình. Hãy suy xét những mặt lợi và hại trong trước mắt và trong lâu dài để có thể đưa ra những phán đoán, quyết định và hành vi đúng đắn nhất, có thể đem lại thành công trong tương lai.
2. Không sợ hãi kẻ mạnh, không coi thường kẻ yếu
Quan điểm này của Tư Mã Ý càng được thể hiện rõ ràng khi so sánh với Dương Tu, là một mưu sĩ của Tào Ngụy, phục vụ dưới trướng của Tào Tháo, về sau đi theo trợ giúp con thứ tư của Tào Tháo là Tào Thực trong giai đoạn tranh ngôi vị Thế tử..
Dương Tu vốn là người nổi tiếng thông minh, nắm trong tay quyền lực nổi bật thời bấy giờ nhưng do tham danh lợi, phô trương hấp tấp mà cũng phải chịu nhiều người căm ghét, trong số đó có cả Tào Tháo. Ông vừa được trọng dụng, lại vừa bị vị "gian hùng" nghi kỵ không ít lần.
Trong một lần đại bại dưới tay Lưu Bị, quân Tào bị buộc phải rút lui để bảo toàn quân sĩ, Tào Tháo ra quân lệnh "Kê lặc" (gân gà). Chư quân không ai hiểu lời này có ý gì, nhưng chính lúc đó, Dương Tu lại rành mạch giải thích tâm trạng của Tào Tháo vừa muốn đi vừa không muốn bỏ, nơi này giống như miếng gân gà vậy, ăn thì không có thịt, bỏ đi thì thấy tiếc. Sự việc truyền đến tai Tào Tháo khiến ông vô cùng tức giận vì bị người khác đọc được suy nghĩ bèn tìm cớ để giết chết Dương Tu. Trước khi bước lên ngọn đầu đại, Dương Tu đã nói với Tư Mã Ý câu cuối cùng: "Ta với ông khác nhau ở chỗ, ông có thể Nhẫn, còn ta thì không".
Có thể thấy rằng, Dương Tu đã đánh giá quá cao tài trí của mình trong khi coi thường sự nhẫn tâm của Tào Tháo. Ngược lại, Tư Mã Ý năm lần bảy lượt nhẫn nhịn, biết giữ mình mới thoát khỏi sát ý của Tào Tháo hết sức đa nghi. Ông hiểu được sự mạnh mẽ của đối thủ, không xem nhẹ bất cứ nhân tố nào, luôn hành xử thận trọng từ lời nói đến việc làm để chờ cơ hội.
3. Biết cúi đầu trước những kẻ ngu ngốc
Giai đoạn Tào Duệ lên nắm trọng binh, tước đoạt hết quyền lực của gia tộc Tư Mã khiến Tư Mã Chiêu vô cùng tức giận. Thế nhưng, Tư Mã Ý thì vẫn bình tĩnh, ông chỉ hỏi con một câu: "Tào Thích so với Gia Cát Lượng thì thế nào?"
Tư Mã Chiêu trả lời: "Bằng con kiến".
Tư Mã Ý mới cười và nói: "Lấy đá chọi đá với kẻ ngu xuẩn không phải là hành động càng ngu xuẩn hay sao? Đôi khi, con phải học cách cúi đầu trước những kẻ đó".
Đặt vào môi trường làm việc, chỉ vì một hai câu nói không hợp, có rất nhiều người sẵn sàng khắc khẩu và cãi nhau không ngừng. Đến cuối cùng, cuộc tranh luận không còn xoay quanh vấn đề đúng sai, mà mục đích chỉ để duy trì sĩ diện, mặt mũi của chính mình. Cho dù bản thân không đúng cũng nhất quyết phải cãi cho bằng được. Vì vậy, nếu gặp phải người thích chèn ép kẻ khác như Tào Thích, tốt hơn hết, chúng ta nên học cách cúi đầu như Tư Mã Ý, vừa có thể tiết kiệm sức lực, vừa có thời gian phán đoán tình huống và chờ cơ hội phản công thích hợp.
Theo PV/ Thể thao & Văn hóa