Một số nhân vật thời Tam Quốc đã được đưa ra bình luận từ nhiều góc cạnh khác nhau tại tọa đàm "Phẩm Tam Quốc: Lịch sử từ góc nhìn của Dịch Trung Thiên” trong năm 2022. Trong đó, nhân vật được quan tâm nhất là Tào Tháo.
Dựa vào nội dung Phẩm Tam Quốc của GS Dịch Trung Thiên, hai vị diễn giả có nhiều năm tìm hiểu, nghiên cứu lịch sử Trung Hoa thời Tam Quốc là thạc sĩ Nguyễn Đỗ Thuyên và thạc sĩ Lê Huy Hoàng đã đưa ra những nhìn nhận về nhân vật này, từ con người, tính cách Tào Tháo, cũng như vai trò của ông đối với cục diện Tam Quốc và những nghi án có liên quan.
Nhân vật gây tranh luận
Theo thạc sĩ Nguyễn Đỗ Thuyên, Tào Tháo là một nhân vật gây tranh cãi. Bình luận về ông luôn là một thách thức lớn đối với bất kỳ học giả nghiên cứu Tam Quốc nào.
Trong 48 chương của Phẩm Tam Quốc, có tới 4 chương đầu nói về Tào Tháo, phân tích tính cách con người dựa trên hành trạng của ông.
Ông Thuyên cho rằng điểm thú vị của GS Dịch Trung Thiên khi phân tích về Tào Tháo là đã xem xét nhân vật trên nhiều khía cạnh khác nhau, luôn xen kẽ theo trục thời gian, cả bề ngang lẫn trục dọc, đi vào các chi tiết làm nổi bật tính cách của Tào Tháo.
Ở chương 11, 12, GS Dịch Trung Thiên cũng nói về “đạo dùng người” của Tào Tháo. Đây là một trong những điểm sáng lớn nhất của nhân vật này.
Theo ông Thuyên, không phải GS Dịch Trung Thiên “thiên vị” Tào Tháo hơn những nhân vật khác, nhưng rõ ràng Tào Tháo có xuất phát điểm trước, hành xử được coi là “lập ra những chuẩn mực trong việc dùng người”.
Thạc sĩ Nguyễn Đỗ Thuyên cho rằng việc Dịch Trung Thiên phân tích Tào Tháo là cách ông lập ra các chuẩn mực để sau đó so sánh với những nhân vật khác. Chẳng hạn như nhắc đến Viên Thiệu thì ông so sánh với cách dùng người của nhân vật này. Hay như đoạn muốn tìm người kế nghiệp, ông so sánh cách Tào Tháo làm với Viên Thiệu, Lưu Biểu.
Tào Tháo được xem là nhân vật “bàn luận cả ngày không hết”, nhưng trong Phẩm Tam Quốc, Dịch Trung Thiên đã tóm tắt tính cách Tào Tháo thành 24 chữ với 3 cụm từ đối lập: “Tính khí thì Diêm Vương, tâm địa thì Bồ Tát”, “Khí độ thì phóng khoáng, nhưng tướng mạo thì tiểu nhân”.
“Những cụm từ thể hiện sự đối lập đó tồn tại trong cùng một con người. Nhưng để nhận xét súc tích nhất, GS Dịch Trung Thiên dùng 4 từ: “Gian hùng đáng yêu”, ông Thuyên nói.
Nghi án thả Lưu Bị khỏi Tào doanh
Cũng tại buổi tọa đàm, các diễn giả đã làm rõ một số nghi án lớn thời Tam Quốc. Một trong số đó là nghi án tại sao Tào Tháo dễ dàng thả cho Lưu Bị rời khỏi Tào doanh, mặc dù đã uống rượu luận anh hùng với nhau.
Tào Tháo nói: “Thiên hạ này anh hùng chỉ có ta với sứ quân mà thôi” nhưng cuối cùng lại thả cho Lưu Bị đi. Khi ấy, Trình Dục và Quách Gia là những mưu sĩ thân thiết cũng đều đưa ra lời khuyên.
Về vấn đề này, GS Dịch Trung Thiên cũng có những lý giải riêng. Không hẳn là Tào Tháo không biết Lưu Bị nguy hiểm, không chịu đứng dưới người khác, mà thứ nhất, ở thời điểm đó, có thể Tào Tháo chưa là một gian hùng đúng nghĩa như thời kỳ sau này. Thứ hai, Tào Tháo tin Lưu Bị khó làm nên chuyện, vì Lưu Bị chưa có gì trong tay.
Hay những đề nghị từ Trình Dục, Quách Gia cũng không quá rõ ràng. Trình Dục có đề nghị thẳng thắn, nhưng Quách Gia lại rất mơ hồ. Lúc Tào Tháo định giết Lưu Bị, thì Quách Gia nói: “Chúa công đang trong quá trình thu phục nhân tâm, giết bừa bãi anh hùng, trong khi Lưu Bị là anh hùng lúc đó thì không nên”.
Đến khi Lưu Bị đi rồi, Quách Gia lại phê bình Tào Tháo. Như vậy, chứng tỏ chính kiến của Quách Gia là không giết được nhưng cũng không thả đi mà chỉ giam lỏng.
Trước câu hỏi "Sai lầm lớn nhất của Tào Tháo ảnh hưởng đến việc thống nhất Trung Quốc là gì?", thạc sĩ Nguyễn Đỗ Thuyên cho đó là quyết định “xuôi nam đánh Tôn Quyền sau khi chiếm được Kinh Châu". Nếu không có sự quyết liệt của Tào Tháo, thì liên minh Lưu Bị - Tôn quyền có thể không được thành lập, và mọi chuyện có thể đã khác.
Ông Thuyên cũng cho biết chính lá thư Tào Tháo gửi cho Tôn Quyền về việc hẹn nhau cùng đi săn ở Giang Nam là một trong những yếu tố thúc đẩy Tôn Quyền liên hệ với Lưu Bị.
Đồng tình với ý kiến đó, thạc sĩ Lê Huy Hoàng cũng cho rằng sai lầm của Tào Tháo chính là những quyết định trong quá trình tiến đến trận Xích Bích.
Ông Hoàng còn bổ sung một sai lầm tương đối hy hữu của Tào Tháo. Sai lầm này có liên quan đến sở thích “quái đản” của ông, đó là thích chiếm hữu vợ của kẻ thù, sau khi đánh bại họ.
Ông Hoàng cho biết sau khi hạ Uyển Thành (Trương Tú hàng), Tào Tháo vì mê người vợ góa của Trương Tế (người chú của Tú) nên đã làm liều.
Thấy thím mình bị cướp đi trắng trợn, Trương Tú không thể chấp nhận được hành động của chủ mới nên đã dấy binh làm phản ngay trong đêm. Con trai Tào Ngang, cháu và ái tướng đều mất mạng để bảo vệ Tào Tháo. Chính Tào Tháo cũng bị thương nặng trên đường chạy thoát thân.
Sau trận chiến ấy, Tào Tháo còn bị người vợ cả từ mặt vì để con trai bỏ mạng bởi lý do hoang đường. Đến lúc gần chết, vị “gian hùng đáng yêu” vẫn còn ân hận vì chuyện này.
Theo danviet.vn