Liên quan đến trường hợp của anh Lê Thiện Trung bị nhà mạng MobiFone chặn tin nhắn, chặn 3G và đòi hủy sim vì có hộ khẩu cùng với người chú Lê Quốc Tuấn – người còn nợ tiền cước nhà mạng trước đó, được đăng tải trên báo Tuổi trẻ - PV báo Kiến Thức đã có cuộc trao đổi với Luật sư Chu Văn Tiến – Công ty Luật TNHH An Nam - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội.
Theo luật sư Tiến, việc tự ý chặn tin nhắn, chặn 3G và có ý định hủy sim của anh Trung, nhà mạng MobiFone có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng.
Luật sư Tiến cho biết, hiện nay, nhu cầu sử dụng dịch vụ số thuê bao di động trả sau cho mục đích cá nhân hoặc công ty ngày càng tăng do các nhà mạng đã tạo ra nhiều chương trình ưu đãi, nhất là về giá cước cuộc gọi của thuê bao di động trả sau. Việc đăng ký sử dụng dịch vụ thuê bao di động trả sau cũng khá là dễ dàng, khách hàng có thể mua trực tiếp sim trả sau tại các điểm giao dịch, đại lý của nhà mạng hoặc đăng ký chuyển đổi từ thuê bao di động trả trước sang trả sau tại các điểm giao dịch của nhà mạng thông qua các hợp đồng dịch vụ.
Về bản chất, các hợp đồng dịch vụ này chính là các hợp đồng thương mại, do đó nếu hợp đồng được ký kết, tuân thủ theo đúng quy định pháp luật thì các bên sẽ phải có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ được quy định trong hợp đồng.
|
Hợp đồng của anh Trung đã ký, nhưng sau đó bị chặn tin nhắn và 3G vì có hộ khẩu chung với người chú của mình - Ảnh nguồn: Tuổi trẻ. |
Xét về trường hợp của anh Lê Thiện Trung, việc nhà mạng MobiFone tự ý “chặn tin nhắn, chặn 3G và đòi hủy sim” có thể được xem là một hành vi đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật. Bởi lẽ, căn cứ theo quy định tại Điều 26 Luật Viễn thông 2009 về việc từ chối cung cấp dịch vụ viễn thông thì:
“Doanh nghiệp viễn thông không được từ chối giao kết hợp đồng hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng với người sử dụng dịch vụ viễn thông, trừ các trường hợp sau đây:
1. Người sử dụng dịch vụ viễn thông vi phạm hợp đồng đã giao kết;
2. Người sử dụng dịch vụ viễn thông vi phạm nghĩa vụ thanh toán giá cước đã bị các doanh nghiệp viễn thông thỏa thuận từ chối cung cấp dịch vụ;
3. Việc cung cấp dịch vụ viễn thông được cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông xác nhận bằng văn bản là không khả thi về kinh tế - kỹ thuật;
4. Có yêu cầu bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.”
Như vậy có thể thấy, pháp luật hiện nay chỉ cho phép doanh nghiệp viễn thông được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng với người sử dụng dịch vụ viễn thông trong 4 trường hợp cụ thể, quy định tại Điều 26 nêu trên. Việc đơn phương chấm dứt hợp đồng không thuộc các trường hợp nêu trên sẽ bị coi là vi phạm pháp luật nếu như không có sự thỏa thuận trước trong hợp đồng của cả hai bên.
Mặt khác, Điều 26 cũng quy định rõ trường hợp doanh nghiệp được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng nếu như “Người sử dụng dịch vụ viễn thông vi phạm nghĩa vụ thanh toán giá cước đã bị các doanh nghiệp viễn thông thỏa thuận từ chối cung cấp dịch vụ;”.
Mà trong trường hợp này, anh Trung không phải là người vi phạm nghĩa vụ thanh toán giá cước. Hợp đồng giữa chú anh Trung với nhà mạng MobiFone và hợp đồng của anh Trung với nhà mạng MobiFone là hai hợp đồng hoàn toàn riêng biệt. Do đó, việc MobiFone đơn phương chấm dứt hợp đồng trong trường hợp này là không đúng với quy định của pháp luật.
Căn cứ theo quy định tại Điểm e Khoản 1 Điều 73 Nghị định 158/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng về hành vi vi phạm về cung cấp dịch vụ liên tục:
“Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với thương nhân kinh doanh cung cấp dịch vụ liên tục tới người tiêu dùng có một trong các hành vi vi phạm sau đây:….
e) Đơn phương chấm dứt hợp đồng, ngừng cung cấp dịch vụ mà không có lý do chính đáng;”
Như vậy, với hành vi đơn phương chấm dứt hợp đồng, tự ý chặn tin nhắn, chặn 3G và có ý định hủy sim của anh Trung, nhà mạng MobiFone có thể sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng.
Nội dung phản ánh của anh Lê Quốc Tuấn:
Năm 2012, anh Lê Quốc Tuấn đăng ký số điện thoại 0907656974 của mình để sử dụng gói dịch vụ 1.500 phút miễn phí của MobiFone, mỗi tháng tiền cước hơn 300.000 đồng.
Khoảng tháng 1/2015, nhà mạng thay đổi chương trình, giảm từ 1.500 phút còn 700 phút nhưng anh Tuấn không hề hay biết. Đến khi được thông báo cước lên đến hơn 1 triệu đồng anh Tuấn mới tá hỏa rồi khiếu nại với Mobifone.
Các nhân viên của Mobifone có giải thích trước khi thay đổi gói dịch vụ có nhắn tin thông báo cho anh biết, nên việc sử dụng quá số phút rồi phát sinh cước phí anh Tuấn phải chịu.
Anh Tuấn đề nghị cứ lấy lần nào anh Tuấn dùng nhiều nhất (hơn 300.000 đồng/tháng) để tính, anh Tuấn sẽ trả nhưng nhà mạng không đồng ý. Quá bực mình, anh Tuấn đã bỏ không dùng số điện thoại này nữa.
Đầu tháng 12/2015, cháu anh Tuấn là Lê Thiện Trung có chuyển số điện thoại 0907.61.66.xx từ thuê bao trả trước sang trả sau. Sau khi hợp đồng anh Trung ký với MobiFone hoàn tất, nhà mạng đã đến xác minh.
Do phát hiện anh Trung cùng hộ khẩu với anh Tuấn và do anh Tuấn còn nợ tiền cước nên nhà mạng đã chặn tin nhắn, chặn 3G và đòi hủy luôn sim của anh Trung. Anh Trung đề nghị được chuyển lại hình thức trả trước nhà mạng cũng không chịu.
"Ai làm thì người đó chịu, sao tôi nợ cước mà MobiFone lại chặn thuê bao của cháu tôi?" - anh Tuấn bức xúc nói.
Hồng Liên