“Chuyện tôi nợ cước và thôi dùng số điện thoại đã xảy ra cách nay gần một năm, tôi cũng đã dùng số khác và muốn bỏ qua hết mọi chuyện, nhưng cách hành xử của nhà mạng với cháu tôi đã khiến tôi vô cùng bức xúc” - Lê Quốc Tuấn (Q.Ninh Kiều,
TP Cần Thơ) kể.
|
Hợp đồng của cháu anh Tuấn đã ký, nhưng sau đó bị chặn tin nhắn và 3G vì có hộ khẩu chung với anh Tuấn - Ảnh: C.Quốc |
Năm 2012, tôi có đăng ký số điện thoại 0907656974 bằng tên của tôi là Lê Quốc Tuấn. Tôi hợp đồng sử dụng gói dịch vụ 1.500 phút miễn phí của MobiFone, mỗi tháng tiền cước hơn 300.000 đồng, tôi đóng đầy đủ.
Sau đó khoảng tháng 1/2015 nhà mạng thay đổi chương trình, giảm từ 1.500 phút còn 700 phút mà tôi không hề hay biết. Vì vậy tôi vẫn gọi bình thường như những tháng trước đó, đến khi được thông báo cước lên đến hơn 1 triệu đồng tôi mới tá hỏa rồi khiếu nại với Mobifone.
Các nhân viên của Mobifone có giải thích trước khi thay đổi gói dịch vụ có nhắn tin thông báo cho tôi biết, nên việc sử dụng quá số phút rồi phát sinh cước phí tôi phải chịu.
Tôi đề nghị cứ lấy lần nào tôi dùng nhiều nhất (hơn 300.000 đồng/tháng) để tính, tôi sẽ trả nhưng họ không chịu. Quá bực mình, tôi đã bỏ không dùng số điện thoại này nữa.
Đầu tháng 12/2015, cháu tôi là Lê Thiện Trung (cùng hộ khẩu với tôi) có chuyển số điện thoại 0907.61.66.xx từ thuê bao trả trước sang trả sau. Sau khi hợp đồng cháu tôi ký với nhà mạng hoàn tất thì họ đến nhà tôi xác minh.
Do phát hiện cháu tôi cùng hộ khẩu với tôi và do tôi còn nợ tiền cước nên họ chặn thuê bao, chặn tin nhắn, chặn 3G và đòi hủy luôn sim của cháu tôi. Cháu tôi đề nghị được chuyển lại hình thức trả trước họ cũng không chịu.
Ai làm thì người đó chịu, sao tôi nợ cước mà MobiFone lại chặn thuê bao của cháu tôi?
Không có quy định
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện MobiFone cho biết theo quy định hiện hành, khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ thuê bao trả sau cần có chứng minh nhân dân hoặc chứng minh nhân dân và hộ khẩu (áp dụng tại một số công ty khu vực) để ký hợp đồng sử dụng dịch vụ thuê bao trả sau.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, các nhà mạng hiện đều không đề cập đến việc một địa chỉ hộ khẩu đã có thuê bao đăng ký và đang nợ cước chưa thanh toán thì thuê bao khác ở cùng địa chỉ hộ khẩu không được đăng ký dịch vụ trả sau.
ĐỨC THIỆN
Có thể khiếu nại
Việc Mobifone cho rằng đã thông báo cho anh Tuấn về việc thay đổi hợp đồng bằng hình thức tin nhắn là không hợp lý. Bởi đây chỉ là hành vi đơn phương của MobiFone và không được sự đồng ý, cũng không đủ chứng cứ chứng minh anh Tuấn đã biết về việc này.
Việc tự động thay đổi nội dung hợp đồng của Mobifone đã ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích của anh Tuấn, Mobifone có nghĩa vụ phải thực hiện đúng các nội dung hợp đồng đã được ký kết.
Đối với trường hợp của cháu anh Tuấn, tôi cho rằng cần phải xác định rõ ràng về tư cách cá nhân của anh Tuấn và cháu anh Tuấn. Mobifone nên xác định rằng mối quan hệ giữa anh Tuấn và Mobifone là mối quan hệ tách biệt với quan hệ giữa cháu anh Tuấn và Mobifone.
Việc cháu anh Tuấn cùng hộ khẩu với anh Tuấn không phải là điều kiện để Mobifone từ chối ký kết hợp đồng dịch vụ.
Để giải quyết vấn đề này, anh Tuấn cũng như cháu anh Tuấn có thể khiếu nại đến người có thẩm quyền tại Tổng công ty viễn thông Mobifone đề nghị giải quyết.
Ngoài ra, cũng có thể gửi văn bản đến cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để bảo vệ quyền và lợi ích của mình.
Luật sư NGUYỄN HỮU THẾ TRẠCH (Đoàn luật sư TP.HCM)
Theo Tuổi trẻ