Vụ việc 12 con dê hỗ trợ người nghèo ở Thanh Hóa được chuyển nhầm vào trang trại của ông bí thư huyện ủy huyện Thạch Thành nhưng phải hơn nửa năm sau, ông này mới “phát hiện” ra và trả lại cho dân sau khi bị tố cáo đang khiến dư luận bàn tán xôn xao. Nhiều người bức xúc trước việc làm này và càng bức xúc hơn trước cách giải thích “hồn nhiên”, coi thường chính sách của một số cán bộ liên quan. Mặc dù ông Bí thư huyện Thạch Thành Đỗ Minh Quý đã trả lại số dê “cầm nhầm” trên cho các hộ nghèo, song dư luận vẫn cho rằng không thể để sự việc “trôi đi vào yên lặng” như vậy được. Các cơ quan chức năng cần điều tra, làm rõ vụ việc trên và xử lý đúng người, đúng tội. Nhiều độc giả còn đặt vấn đề ông Quý phải bị xem xét về hành vi tham nhũng.
Vậy, trong
sự việc này, ông bí thư huyện ủy Thạch Thành có thể vi phạm điều gì và sẽ bị xử phạt như thế nào?
Trao đổi với Kiến Thức về vấn đề trên, Luật sư Đoàn Thế Phương, Văn phòng Luật sư Công Lý, Đoàn Luật sư TP HCM, nhận định, vụ việc trên khó có thể quy tội một cách đơn giản. Cần phải tìm hiểu ai là đối tượng thực hiện dự án, ai là người nhận trực tiếp số dê trên và yêu cầu chuyển về trang trại của ông bí thư huyện... Trong sự việc này, dù ông bí thư huyện có chủ ý hay không thì ông cũng có rất nhiều cách để chối tội, và rất khó để buộc tội ông này.
|
Những con dê "đi nhầm" vào trang trại nhà ông bí thư huyện Thạch Thành đã được ông này trao lại cho các hộ nghèo khác. |
Còn xét về lý thuyết, trong trường hợp nếu cơ quan chức năng điều tra và chứng minh được việc ông bí thư huyện ủy huyện Thạch Thành chiếm dụng 12 con dê dành cho người nghèo trên thì hành vi của ông này sẽ bị quy vào hành vi tham nhũng.
Hiện theo luật, các hành vi tham nhũng được quy định cụ thể tại Điều 3 của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005, gồm 12 hành vi sau: 1. Tham ô tài sản, 2. Nhận hối lộ, 3. Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, 4. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi, 5. Lạm quyền trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi, 6. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng với người khác để trục lợi, 7. Giả mạo trong công tác vì vụ lợi, 8. Đưa hối lộ, môi giới hối lộ được thực hiện bởi người có chức vụ, quyền hạn để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương vì vụ lợi, 9. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản của Nhà nước vì vụ lợi, 10. Nhũng nhiễu vì vụ lợi, 11. Không thực hiện nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi, 12. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật vì vụ lợi; cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án vì vụ lợi.
Trong 12 hành vi tham nhũng trên, nếu số dê dành hỗ trợ các hộ nghèo do ông bí thư huyện ủy quản lý và ông chiếm dụng 12 con dê trong số đó thì sẽ bị xem xét về tội Tham ô tài sản hoặc Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.
Theo đó, tội Tham ô tài sản được quy định tại Điều 278 Bộ luật Hình sự 1999 có nội dung:
1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Gây hậu quả nghiêm trọng;
b) Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm;
c) Đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục A Chương này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Có tổ chức;
b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;
c) Phạm tội nhiều lần;
d) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;
đ) Gây hậu quả nghiêm trọng khác.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười lăm năm đến hai mươi năm:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng khác.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác.
5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm, có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Còn tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 280 Bộ luật Hình sự 1999 có nội dung:
1. Người nào lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng, đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này hoặc đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục A Chương này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ một năm đến sáu năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ sáu năm đến mười ba năm:
a) Có tổ chức;
b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;
c) Phạm tội nhiều lần;
d) Tái phạm nguy hiểm;
đ) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;
e ) Gây hậu quả nghiêm trọng khác.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười ba năm đến hai mươi năm:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng khác.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù hai mươi năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác.
5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm, có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến năm mươi triệu đồng.
Tuy nhiên, Luật sư Đoàn Thế Phương cho rằng, sự việc không đơn giản như vậy và thực tế để quy tội được cho ông bí thư huyện ủy là rất khó.
Theo như tờ báo đầu tiên đưa tin về vụ việc này là báo Lao Động, đợt trao dê lần thứ nhất, ngày 3/6/2014, thị xã Bỉm Sơn bàn giao cho huyện Thạch Thành 24 con dê cho 6 hộ ở xã Thành Yên. Đối tượng nhận dê được lãnh đạo 2 đơn vị quy định phải là hộ nghèo theo chuẩn. Tuy nhiên, chỉ có 3 hộ là đúng đối tượng được trao gồm: Ông Đinh Văn Liên (thôn Thành Tân), ông Đinh Văn Phú (thôn Yên Sơn 1) và ông Đinh Văn Phước (thôn Yên Sơn 2). Ba hộ ký nhận không đúng đối tượng gồm: Ông Đỗ Quang Phê, Đỗ Văn Thi và Nguyễn Văn Quý. 3 hộ này thuộc xã Thành Yên, nhưng theo xác nhận của ông Trương Văn Gương - Chủ tịch UBND xã Thành Yên - cả 3 hộ trên đều không phải là hộ nghèo trong xã.
Thực tế, ông Phê còn có cả trang trại lớn nuôi dê, gà, lợn rừng. Sau đó, 12 con dê được trao cho 3 hộ không phải là hộ nghèo trên được đưa vào trang trại của ông Đỗ Minh Quý ngay trên địa bàn xã, 3 hộ sai đối tượng chỉ ký xác nhận. Ông Gương lý giải việc đưa số dê trên vào trang trại của ông Quý: “Thì đưa vào đó có điều kiện chăm sóc vì trang trại của bác ấy đã có hơn 70 con dê”. Ông Gương cũng cho biết: "Tại anh Ngọc (Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Thạch Thành - PV) anh ấy phân bổ như thế, xã thấy cũng chẳng đáng là bao nên đã ký xác nhận”.
Luật sư Phương cho rằng, nếu thông tin ở báo Lao Động đưa là đúng thì khó mà quy trách nhiệm cho ông Quý, bởi người phân bổ dê là ông Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Thạch Thành, và khi biết đàn dê “đi nhầm” vào trang trại nhà mình, ông Quý đã trao trả lại cho các hộ nghèo. Còn nếu ông Quý là người ký cho 3 hộ không phải hộ nghèo theo chuẩn nhận dê thì hành vi này không bị quy vào hành vi tham nhũng, trừ khi cơ quan chức năng chứng minh được rằng đây là kế hoạch do ông Quý vạch ra để sau đó lấy lại số dê này vì trao sai đối tượng, rồi cho người hợp thức hóa đưa vào trang trại của mình. Nhưng việc chứng minh này không phải dễ.
"Nói tóm lại, rất khó để có thể quy tội cho ông bí thư huyện ủy trên trong vụ 12 con dê "đi nhầm" vào trang trại nhà ông. Có chăng ông này chỉ bị mất đi uy tín, danh dự. Mà với người lãnh đạo, đây là cái mất mát rất lớn, không dễ gì lấy lại được", Luật sư Phương nhận định.
Tại Điều 4 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 quy định về Nguyên tắc xử lý tham nhũng:
1. Mọi hành vi tham nhũng đều phải được phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời, nghiêm minh.
2. Người có hành vi tham nhũng ở bất kỳ cương vị, chức vụ nào cũng phải bị xử lý theo quy định của pháp luật.
3. Tài sản tham nhũng phải được thu hồi, tịch thu; người có hành vi tham nhũng gây thiệt hại thì phải bồi thường, bồi hoàn theo quy định của pháp luật.
4. Người có hành vi tham nhũng đã chủ động khai báo trước khi bị phát hiện, tích cực hạn chế thiệt hại do hành vi trái pháp luật của mình gây ra, tự giác nộp lại tài sản tham nhũng thì có thể được xem xét giảm nhẹ hình thức kỷ luật, giảm nhẹ hình phạt hoặc miễn truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. 5. Việc xử lý tham nhũng phải được thực hiện công khai theo quy định của pháp luật. 6. Người có hành vi tham nhũng đã nghỉ hưu, thôi việc, chuyển công tác vẫn phải bị xử lý về hành vi tham nhũng do mình đã thực hiện.
Minh Hiếu