- Cho em hỏi ngành logistics đào tạo những gì và cơ hội việc làm của ngành này thế nào? Làm việc ở đâu? (Một học sinh tỉnh Bình Thuận).
- PGS-TS Nguyễn Văn Thư - hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải TP HCM, trả lời: Hiện nay Việt Nam có hơn 1.500 doanh nghiệp về dịch vụ logistics nhưng hằng năm mới chỉ có khoảng 200 sinh viên ra trường.
Hiện khu vực phía Nam có hai trường đào tạo ngành này đó là ĐH Giao thông vận tải TP HCM và ĐH Quốc tế (ĐHQG TP HCM). Các trường ĐH Kinh tế TP HCM và ĐH Ngoại thương (cơ sở 2, TP HCM) có đào tạo ngành học này lồng ghép trong các ngành kinh doanh quốc tế, ngoại thương.
|
Theo thống kê, trung bình mỗi năm, ngành logistics đóng góp khoảng 20% GDP cho kinh tế đất nước. |
Logistics là lĩnh vực tối ưu hóa dịch vụ vận chuyển hàng hóa từ nơi sản xuất đến tay người tiêu dùng. Logistics là quá trình lên kế hoạch, áp dụng và kiểm soát các luồng chuyển dịch của hàng hóa hay thông tin liên quan tới nguyên nhiên liệu vật tư (đầu vào) và sản phẩm cuối cùng (đầu ra) từ điểm xuất phát tới điểm tiêu thụ.
Quá trình này bao gồm nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, giao hàng hoặc các dịch vụ khác có liên quan đến hàng hóa.
Sinh viên ngành quản trị logistics và vận tải đa phương thức được học chuyên sâu về quản lý chuỗi cung ứng vận chuyển trọn gói từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ hàng hóa, bao gồm nhiều phương thức vận tải khác nhau như đường bộ, đường sắt và đường biển.
Bên cạnh đó, sinh viên ngành này cũng được học kiến thức marketing quốc tế, chuỗi cung ứng, hệ thống phân phối, giao nhận vận tải, quản trị chiến lược, xây dựng - quản lý hệ thống các chuỗi bố trí kho bãi và các điểm kết nối kho bãi, các phương thức vận tải nhằm tiết kiệm chi phí và thời gian trong cung ứng hàng hóa.
Về kiến thức chuyên ngành, sinh viên được cung cấp kiến thức chuyên sâu về kinh tế logistics, quản trị nhân sự, luật vận tải, quản trị logistics, quản trị chuỗi cung ứng, quản trị hệ thống phân phối, giao nhận vận tải, khai thác vận tải đa phương thức, nghiệp vụ tài chính, kế toán trong các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics và vận tải đa phương thức.
Sau khi ra trường, sinh viên có thể công tác tại các doanh nghiệp làm dịch vụ logistics, doanh nghiệp làm dịch vụ vận tải đa phương thức nói riêng và các doanh nghiệp dịch vụ vận tải, giao nhận nói chung…
Ngoài ra, còn có các vị trí làm việc khác như các phòng ban nghiệp vụ phù hợp chuyên môn gồm: kế hoạch, khai thác, marketing, dịch vụ khách hàng, kinh doanh quốc tế, kho vận, cung ứng vật tư, kế toán…
Theo Tuổi Trẻ