Tại ngày hội Tư vấn Xét tuyển 2016 tổ chức ngày 24/7 tại ĐH Bách khoa ĐH Quốc gia TP HCM, PGS TS Trần Văn Nghĩa, Phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng (Bộ GD&ĐT), đã chia sẻ những điểm mới mà thí sinh phải lưu ý trong cách xét tuyển đại học, cao đẳng năm nay.
Đăng ký hồ sơ xét tuyển thế nào?
Ông Nghĩa cho biết năm nay, theo quy chế tuyển sinh 2016, sau khi có kết quả thi THPT quốc gia thí sinh chỉ được cấp một giấy chứng nhận kết quả thi (giấy báo điểm) do trường ĐH chủ trì cung cấp. Thí sinh nào có đăng ký dùng kết quả thi để xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ mới được cụm thi cấp giấy chứng nhận kết quả thi với mã số xác định duy nhất có mã vạch.
Hồ sơ đăng ký xét tuyển cũng đơn giản hơn. Thí sinh chỉ nộp phiếu đăng ký xét tuyển, trong đó cần điền đầy đủ thông tin gồm: tên thí sinh, điểm thi và nguyện vọng vào học ngành, trường nào. Thí sinh có thể nộp qua bưu điện chuyển phát nhanh, hoặc nộp trực tiếp tại phòng đào tạo trường ĐH, CĐ (nếu trường cho phép).
|
PGS TS Trần Văn Nghĩa, phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Bộ GD&ĐT. Ảnh: Phước Tuần. |
Thí sinh cũng có thể đăng ký xét tuyển trực tuyến (online). Nếu muốn đăng ký xét tuyển trực tuyến bắt buộc thí sinh phải khai số điện thoại di động lúc làm hồ sơ đăng ký dự thi. Bộ GD&ĐT cho biết đã phối hợp với ngành bưu điện để đảm bảo hạn chế những tình huống có thể phát sinh ảnh hưởng đến việc xét tuyển của các trường cũng như quyền lợi của thí sinh. Khi đăng ký xét tuyển qua đường bưu điện, các bưu cục sẽ yêu cầu thí sinh khai bản đăng ký, trong đó có số báo danh của thí sinh, mã trường đăng ký xét tuyển…
Mốc thời gian đăng ký xét tuyển?
Thời gian nhận đăng ký xét tuyển đợt 1 từ ngày 1/8 đến 12/8. Các trường công bố kết quả trúng tuyển trước ngày 14/8. Thí sinh nộp giấy chứng nhận kết quả thi đến hết ngày 19/8 (tính theo dấu bưu điện nếu nộp bằng thư chuyển phát nhanh).
Xét tuyển bổ sung đợt 1 từ ngày 21/8 đến hết ngày 31/8. Trường công bố kết quả trúng tuyển trước ngày 4/9; thí sinh nộp giấy chứng nhận kết quả thi đến hết ngày 9/9 (tính theo dấu bưu điện nếu nộp bằng thư chuyển phát nhanh).
Xét tuyển bổ sung đợt 2 từ ngày 11/9 đến hết ngày 21/9. Trường công bố kết quả trúng tuyển trước ngày 23/9; thí sinh nộp giấy chứng nhận kết quả thi đến hết ngày 28/9 (tính theo dấu bưu điện nếu nộp bằng thư chuyển phát nhanh).
Các trường ĐH, CĐ chủ động công bố lịch xét tuyển tuyển nguyện vọng bổ sung tiếp theo (nếu có). Kết thúc xét tuyển trước ngày 20/10 đối với bậc ĐH và 15/11 đối với bậc CĐ.
Xét tuyển năm 2016 khác gì so với năm 2015?
Thí sinh có bốn giấy chứng nhận kết quả thi, trong đó một giấy dùng cho đợt xét tuyển 1 và ba giấy dùng để xét tuyển các nguyện vọng bổ sung.
Trong đợt 1, thí sinh được đăng ký xét tuyển vào một trường với bốn nguyện vọng. Bốn nguyện vọng xét bình đẳng như nhau. Nếu thí sinh nào đã trúng tuyển nguyện vọng 1 thì không được đăng ký xét tuyển các đợt tiếp theo. Còn đối với xét tuyển nguyện vọng bổ sung thí sinh có thể đồng thời dùng ba phiếu để nộp tối đa ba trường. Trong quá trình đăng ký xét tuyển thí sinh được rút hồ sơ hoặc thay đổi nguyện vọng.
Tuy nhiên, năm 2016, Bộ GD&ĐT có sự điều chỉnh thời gian như sau: Thời gian đăng ký ở các đợt xét tuyển 12 ngày đợt 1 và 10 ngày ở các đợt bổ sung. Thí sinh lưu ý, trong các đợt xét tuyển, thí sinh không được rút lại hồ sơ đã nộp.
|
PGS TS Trần Văn Nghĩa giải thích thêm cách xét tuyển năm 2016 cho phụ huynh, thí sinh. Ảnh: Phước Tuần. |
Năm 2016, thí sinh có thể đăng ký vào tối đa hai trường, dẫn đến việc thí sinh có thể trúng tuyển cả hai trường. Do nhiều trường hợp trúng tuyển cùng lúc hai trường như vậy, các trường ĐH không thể xác định được có bao nhiêu thí sinh học ở trường mình để có thể công bố chỉ tiêu cho đợt xét tuyển tiếp theo.
Vì vậy trong lịch xét tuyển năm 2016, sau khi các trường công bố kết quả xét tuyển, thí sinh phải xác nhận với trường mình trúng tuyển là có nguyện vọng học bằng cách nộp cho trường bản chính của giấy chứng nhận kết quả thi (mỗi thí sinh chỉ được cụm thi cấp 1 bản chính). Các thí sinh chỉ trúng tuyển một trường cũng phải đăng ký xác nhận nhập học.
Kết quả trúng tuyển đợt I được công bố trước ngày 14/8. Thí sinh trúng tuyển đợt I nộp giấy chứng nhận kết quả thi cho trường nhập học trước 17h ngày 19/8 (theo dấu bưu điện nếu nộp qua bưu điện). Nếu thí sinh nào không nộp giấy báo điểm thì nhà trường coi như không học và sẽ hủy kết quả trúng tuyển.
Đối với thí sinh đăng ký xét tuyển trực tuyến cần truy cập địa chỉ trang thông tin điện tử đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ trực tuyến năm 2016: http://thisinh.thithptquocgia.edu.vn. Thí sinh cần lưu ý địa chỉ đăng ký trực tuyến này để tránh nhầm lẫn khi thực hiện đăng ký xét tuyển trực tuyến vì hiện nay có nhiều trang giả mạo Bộ GĐ&ĐT vừa phát hiện.
Hai nguyện vọng cùng 1 trường khi xét tuyển có bình đẳng điểm?
Năm nay thí sinh đăng ký xét tuyển 1 lúc 2 trường, mỗi trường tối đa 2 nguyện vọng. Về cách xét tuyển, nhiều trường đại học quyết định lấy điểm chuẩn của 2 nguyện vọng bình đẳng. Tuy nhiên cũng có trường sẽ lấy điểm chuẩn của các bạn đăng ký nguyện vọng 2 cao hơn 1 chút so với các bạn đăng ký nguyện vọng 1.
|
Một phụ huynh đặt câu hỏi trong chương trình tư vấn xét tuyển sáng 24/7. Ảnh: Phước Tuần. |
Khi có kết quả xét tuyển, các trường công bố danh sách trúng tuyển, thí sinh lấy phiếu kết quả thi nộp xác nhận nhập học vào trường nào đó rồi thì không thể rút ra nộp vào trường khác. Khi có kết quả trúng tuyển, nếu thí sinh không nộp phiếu kết quả thi xem như hủy danh sách trúng tuyển.
Thí sinh có thể đăng ký 3 trường ở lần xét tuyển đầu tiên?
Theo quy chế mỗi thí sinh chỉ có thể đăng ký 2 trường đại học, mỗi trường tối đa hai ngành học. Nếu thí sinh đăng ký 3 trường thì Bộ GD&ĐT sẽ ngẫu nhiên gạt bỏ 1 trường bất kỳ.
Xét trường hợp thí sinh đăng ký 2 trường đại học dân sự và 1 trường đại học khối ngành công an hoặc quân đội Bộ GD&ĐT sẽ tự động gạt nguyện vọng đăng ký khối ngành công an và quân sự, giữ lại 2 trường khối ngành dân sự.
Những thí sinh có danh sách trúng tuyển theo diện chuyển thẳng đại học vẫn có thể đăng ký nguyện vọng bình thường vào các trường như thí sinh khác.
Theo Zing