Nguyên nhân thất bại của Hồng quân Liên Xô một phần là do ưu thế của quân Đức về quân số, vũ khí và chiến thuật “đánh nhanh thắng nhanh”.
|
Chiến sĩ Hồng quân trong phim "Pháo đài Brest".
|
Nguyên nhân chủ quan là Hồng quân vẫn còn áp dụng học thuyết quân sự lỗi thời, trình độ tác chiến và trang bị vũ khí quá lạc hậu so với quân Đức. Các cấp chỉ huy của Hồng quân Liên Xô - từ sĩ quan cấp thấp đến Tổng Tham mưu trưởng, Bộ trưởng Quốc phòng đến Tổng Tư lệnh tối cao Stalin - đều không dự đoán nổi chiến thuật, cường độ, mật độ tấn công mãnh liệt ngay từ giờ phút đầu chiến tranh của quân Đức.
Liên Xô đã chuẩn bị đối phó từ lâu
Ban lãnh đạo Liên Xô biết rằng chiến tranh với Đức chẳng sớm thì muộn sẽ nổ ra nhưng lại dự đoán không thể sớm hơn năm 1942. Khi được Thủ tướng Anh Winston Churchill cảnh báo về việc Đức tấn công Liên Xô, Tổng Tư lệnh tối cao Stalin chỉ trả lời ngắn gọn: "Tôi biết chiến tranh sẽ nổ ra, nhưng tôi tin sẽ có thể làm nó chậm lại nửa năm nữa".
Việc Anh, Pháp từ chối liên minh với Liên Xô và còn ký với Đức Hiệp ước München (tháng 9/1938) bỏ mặc đồng minh Tiệp Khắc cho Đức Quốc xã tiêu diệt khiến Liên Xô thấy rằng phương Tây không hề thực tâm trong việc ngăn chặn Hitler, mà chỉ tìm cách lợi dụng cỗ máy chiến tranh Đức để tiêu diệt Liên Xô.
|
Bộ trưởng Ngoại giao Liên Xô Molotov ký Hiệp ước không xâm lược lẫn nhau Xô-Đức (Hiệp ước Molotov-Ribbentrop).
|
Chính vì vậy Liên Xô phải tìm cách hòa hoãn ký kết với Đức Quốc xã Hiệp ước không xâm lược lẫn nhau Xô-Đức, còn gọi là Hiệp ước Molotov-Ribbentrop (tên của hai Ngoại trưởng Xô-Đức thời đó).
Đây chỉ là sự lợi dụng lẫn nhau nhất thời giữa hai kẻ thù không đội trời chung. Liên Xô muốn tranh thủ hòa hoãn để có thêm thời gian củng cố quân đội và công nghiệp quốc phòng. Trong giai đoạn hai năm hòa hoãn với Đức Quốc xã, công nghiệp quốc phòng của Liên Xô có bước phát triển vượt bậc. Kể từ 1/1/1939 tới 22/6/1941, Hồng quân Liên Xô đã được trang bị hơn 7.000 xe tăng, tăng quân số 2,3 lần, pháo và súng cối tăng 2,1 lần và máy bay chiến đấu tăng 2,4 lần.
Biết trước thời điểm quân Đức tấn công
Tháng 12/1940, Richard Sorge - điệp viên lừng danh thế giới được cài cắm ở thủ đô Tokyo - báo về một thông tin chấn động: phát xít Đức đã lên kế hoạch tấn công Liên Xô sau khi kết thúc chiến sự ở Tây Âu. Giám đốc Cục tình báo Bộ Tổng tham mưu Hồng quân Liên Xô (GRU), Đô đốc Filipp Golikov, vội vàng báo cáo Stalin. Tuy nhiên, tin tình báo chiến lược này lại không được Đại nguyên soái Stalin tin tưởng.
|
"Nhà tình báo vĩ đại" Richard Sorge, Anh hùng Liên Xô.
|
Đến ngày 15/6/1941, “nhà tình báo vĩ đại” Richard Sorge lại báo cáo thời điểm cụ thể là quân Đức sẽ mở màn chiến dịch Barbarossa tấn công Liên Xô vào ngày 22/6/1941. Thông tin này ngay lập tức được cấp báo về Moscow. Ngày 17/6/1941, điệp viên mật danh "Rado" cũng gửi về Mátxcơva một tin tình báo có nội dung tương tự.
Ngày 21/6/1941, tại hội nghị do Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô triệu tập, Đô đốc Golikov báo cáo tình hình tập hợp lực lượng của quân đội phát xít Đức ở khu vực biên giới Xô-Đức. Lúc này, Đô đốc Golikov đã có trong tay không chỉ phiên hiệu, mà cả tên của từng viên chỉ huy những đơn vị quân Đức tập kết tại khu vực sát biên giới Liên Xô. Tuy nhiên, Đô đốc Golikov lại khẳng định rằng quân Đức chưa chuẩn bị đầy đủ để tấn công Liên Xô vì còn thiếu…6 triệu áo lông cừu để đối phó với mùa đông nước Nga.
Chưa đầy 10 tiếng đồng hồ sau tuyên bố của Đô đốc Golikov, quân Đức đã mở màn chiến dịch tấn công Liên Xô.
Chỉ trong vòng một tuần lễ sau khi Đức mở màn tấn công Liên Xô ngày 22/6/1941, cụm Tập đoàn quân Trung tâm của Đức đã bao vây và tiêu diệt gần hết lực lượng của Phương diện quân Tây của Hồng quân Liên Xô.
Phương diện quân Tây đã rơi vào hai vòng vây lớn và mau chóng bị tiêu diệt. Ngày 29/6/1941 thủ đô Minsk của Belarus thất thủ. Ngày 30/6 phần lớn lực lượng Hồng quân Liên Xô bị bao vây đã bị tiêu diệt hoặc bị bắt làm tù binh. Trong một tuần chiến tranh đầu tiên, Phương diện quân Tây đã mất 42 vạn binh sĩ tại Belarus, chỉ còn hơn 20 vạn thoát khỏi vòng vây lui về phía sau lập tuyến phòng thủ mới.
Nguyên nhân thất bại
Thất bại nặng nề của Hồng quân Liên Xô ở Belarus trước hết là do Bộ chỉ huy Đức xác định đây là mũi tấn công chính và đã tập trung binh lực dày đặc. Trên mặt trận này ưu thế về quân số và vũ khí của Đức đều quá vượt trội so với Hồng quân Liên Xô. Hai tập đoàn quân xe tăng Đức như hai gọng kìm thép đã tiến hành tiến công thọc sâu vũ bão, chia cắt và bao vây gây cho Hồng quân Liên Xô những tổn thất cực kỳ to lớn. Ngoài ra, Hồng quân Liên Xô còn bộc lộ nhiều nhược điểm chết người trước chiến thuật “đánh nhanh thắng nhanh” hiện đại của đối phương.
• Thứ nhất, Kế hoạch Barbarossa tấn công tiêu diệt Liên Xô được Hitler phê chuẩn ngày 18/12/1940 đã huy động 3/4 quân số của quân đội Đức Quốc xã (cùng với quân đội nhiều nước đồng minh tại Châu Âu), chỉ để lại 1/4 quân số ở Tây Âu và Bắc Phi. Tổng cộng, phía Đức và đồng minh có khoảng 5 triệu binh sĩ, 190 sư đoàn, 5.000 xe tăng và 4.950 máy bay. Nhiệm vụ đặt ra của quân Đức Quốc xã là trong năm 1941 phải bao vây và tiêu diệt quân chủ lực Hồng quân Liên Xô, không cho rút sâu vào nước Nga. Đến trước mùa đông năm 1941, quân đội Đức phải hoàn tất việc đánh bại Liên Xô trong vòng bốn tháng.
• Thứ hai, trình độ tác chiến và trang bị vũ khí của Hồng quân Liên Xô quá lạc hậu so với quân Đức. Lớp sĩ quan chỉ huy Hồng quân Liên Xô sau đợt thanh trừng hồi những năm 1930 chưa tích lũy đủ kinh nghiệm, kiến thức và bản lĩnh chỉ huy. Trong báo cáo mật trình bày trước Đại hội 22 ĐCS Liên Xô năm 1956, Tổng Bí thư Nikita Khrushchev cho biết 3 trong 5 vị Nguyên soái đầu tiên của Hồng quân Liên Xô, 12/15 tư lệnh Tập đoàn quân, 57/85 tư lệnh quân đoàn và 110/195 sư đoàn trưởng đã bị thanh trừng trong những năm 1930.
• Thứ ba, các cấp chỉ huy của Hồng quân Liên Xô từ sĩ quan cấp thấp đến Tổng tham mưu trưởng, Bộ trưởng Quốc phòng, đến Tổng tư lệnh tối cao đều không thể dự đoán nổi tính chất, cường độ, mật độ tấn công mãnh liệt ngay từ giờ phút đầu của quân Đức Quốc xã… và vẫn nghiêng về trận địa chiến.
• Thứ tư, quan điểm sai lầm trong việc xây dựng các khu vực phòng thủ: Các khu phòng thủ quá sát biên giới, dàn hàng ngang không có chiều sâu nên rất dễ dàng bị đối phương đánh thọc sâu bọc sườn và bao vây ngay từ đầu. Hình thế chiến dịch bất lợi này đã được Bộ Tổng tham mưu Hồng quân Liên Xô nhiều lần khuyến cáo, nhưng Tổng Tư lệnh tối cao Stalin và đặc biệt Bộ trưởng Quốc phòng Kliment Voroshilov đã không ra lệnh bố trí lại.
• Thứ năm, học thuyết quân sự của Liên Xô thời đó đề cao quá mức yếu tố tinh thần-chính trị, không đánh giá đúng vai trò cực kỳ quan trọng của chiến thuật-vũ khí hiện đại. Học thuyết quân sự này đòi hỏi Hồng quân Liên Xô “đánh trực diện” thay vì tiến hành các mũi thọc sâu bao vây chia cắt tiến tới tiêu diệt quân địch như quân Đức Quốc xã đã thực hiện rất thành công trong Kế hoạch Babarossa.
Minh Châu (TH)