Bộ phim có sự tham gia của siêu sao Hollywood, Tom Cruise, trong vai đại tá Claus von Stauffenberg, một trong những nhân vật chủ mưu chính... Cho tới nay, đây vẫn là một bộ phim thu hút được sự quan tâm của khán giả không chỉ vì những gương mặt nghệ sĩ nổi bật mà vì cốt truyện li kỳ và những huyền tích liên quan tới trùm phát xít Adolf Hitler.
Nổi lên trên chính trường Đức hơn hai chục năm, nhưng thủ lĩnh Đức Quốc xã đã phải đối mặt với không chỉ một vụ mưu sát...
|
Từ trái sang: Claus Von Stauffenberg, một người không rõ tên, Adolf Hitler và thống chế Keitel ngày 15/7/1944. |
Suýt chết tại nhà hàng bia
Nhà hàng bia Burgerbraukeller ở Munich từng là chỗ giải trí ưa thích của các thành viên đảng Quốc xã từ thưở hàn vi. Và chính tại đó ngày 8/11/1923 đã diễn ra cuộc “đảo chính nhà hàng bia” do Hitler và đại tướng Erich Ludendorff đứng đầu nhằm lật đổ chính quyền bang Bayern để từ đó tiến tới lật đổ chính phủ Cộng hòa Weimar.
Câu chuyện như sau: thời đó, bang Bayern nằm dưới quyền điều hành của một tam đầu chế gồm có thủ hiến bang Gustav Von Kahr, tư lệnh quân đội bang, đại tướng Otto Von Lossow và chỉ huy trưởng cảnh sát bang, đại tá Hans Von Seisser. Mặc dầu có những mâu thuẫn nhất định đối với chính quyền trung ương nhưng nhìn chung, tam đầu chế này vẫn thận trọng không phạm phải những lỗi cực đoan.
Trong khi đó thủ lĩnh của đảng quốc xã Hitler lại muốn tạo ra tình huống đục nước để béo cò. Thêm vào đó, y còn sợ, lỡ đâu tam đầu chế sẽ tự gây ra một cuộc đảo chính, tách Bayern ra khỏi nước Đức mà không cần có đảng quốc xã...
Tham vọng lớn nhưng ở thời điểm đó, Hitler không thể tự thân tiếm quyền trung ương mà y rất cần tới sự hậu thuẫn của bang Bayern. Và y rắp tâm gây nên một sự kiện để đặt tam đầu chế Kahr, Lossov và Seisser vào thế tiến thoái lưỡng nan, ngoài cách phải lựa chọn việc đi cùng với y trong những kế hoạch phiêu lưu và táo tợn.
Chính vì thế y đã quyết định bắt cóc tam đầu chế để ép buộc họ hành xử theo ý của y. Tuy nhiên, một vài âm mưu lật đổ của Hitler đã chỉ là công dã tràng.
Buồn ngủ gặp chiếu manh, đúng vào tháng 11/1939, Thủ hiến Kahr theo yêu cầu của vài tổ chức kinh doanh trong thành phố Munich dự định đến phát biểu tại một buổi mít tinh ở nhà hàng bia Burgerbraukeller. Tướng Von Lossow, đại tá Von Seisser và nhiều nhân vật cao cấp khác của chính quyền bang Bayern sẽ có mặt trong buổi mít tinh đó. Hitler đã quyết định lợi dụng vụ việc này.
Thế là tối 8/11/1923, đúng vào hồi 21h45, sau khi thủ hiến Kahr đã phát biểu được nửa giờ trước đám đông khoảng 3000 người, thì lực lượng bán quân sự SA của đảng quốc xã kéo đến bao vây Burgerbraukeller. Trong khi một số thuộc hạ bố trí một khẩu súng máy ở cổng, Hitler nhảy lên một chiếc bàn và bắn một phát súng lục để gây sự chú ý của đám đông rồi đẩy Kahr xuống dưới. Hitler đã tung ra những lời bịa đặt như thể đảng quốc xã đã lật đổ được chính quyền bang Bayern và cả chính quyền trung ương…
Rồi y hạ lệnh cho tam đầu chế theo y vào một căn phòng riêng. Tại đó, Hitler lớn giọng đe dọa: "Không ai được rời khỏi phòng này nếu tôi không cho phép". Rồi y thông báo rằng họ sẽ giữ chức vụ trọng yếu hoặc là trong chính quyền Bayern hoặc trong chính phủ Đức mà ông đang thành lập cùng với Đại tướng Erich Ludendorff.
Trong khi đó, thực ra vị đại tướng lừng danh này không hề hay biết gì về âm mưu của đảng quốc xã. Tam đầu chế đã tỏ rõ khí phách và cương quyết không làm theo những gì mà Hitler nói. Hitler cực chẳng đã phải bầy trò chĩa khẩu súng về phía họ: "Tôi có bốn viên đạn trong khẩu súng. Ba viên cho những người cộng sự, nếu họ bỏ rơi tôi. Viên đạn cuối cùng dành cho tôi!".
Rồi chĩa súng vào mang tai mình, Hitler thốt lên: “Nếu đến chiều mai tôi không đạt chiến thắng, tôi sẽ chịu chết.” Thủ hiến Kahr trả lời: “Ông Hitler, ông có thể ra lệnh cho người ta bắn tôi hoặc tự ông bắn tôi. Tôi chết hoặc sống cũng không hề gì”. Thế là Hitler chùn tay không dám tự sát nữa. Và y cũng đã không đạt được những gì mà y muốn. Sau nhiều đụng độ, y đã bị bắt, phải ra tòa và bị xử 5 năm tù…
Những vụ mưu sát bất thành
Ngày 8/11/1939, cũng tại Burgerbraukeller (Munich), một người làm đồ gỗ quý tên là Georg Elser từ Berlin tới định ám sát Hitler bằng một quả bom tự tạo khi trùm phát xít tới đó để dự lễ kỷ niệm chính biến nhà hàng bia. Vụ nổ đã làm 8 người chết và 63 người bị thương. Tuy nhiên, đối tượng chính của vụ mưu sát này Hitler thì lại kịp thời rời khỏi nhà hàng bia này trước khi bom nổ khoảng 13 phút.
Cơ quan an ninh Gestapo của lực lượng phát xít đã mau chóng tìm ra dấu vết của người đã tiến hành vụ mưu sát Hitler này. Elser đã bị bắt ở vùng biên giới sát Thụy Sĩ. Và tòa án quân sự của bọn phát xít đã kết án đưa ông vào trại tập trung. Ngày 9/4/1945, theo lệnh của Himmler, Elser đã bị tử hình ở Dachau...
Cũng phải chịu số phận đau đớn như thế là một sĩ quan Đức, đã đặt mìn nổ chậm tại nhà hàng bia này ngày 8/11/1940. Tuy nhiên, lần ấy, do bận việc nên Hitler đã không tới Burgerbraukeller. Vì quả mìn đó mà gần 30 người đã bị chết, trong đó có tới 7 người tan như xác pháo…
Chính vụ mưu sát không thành này đã khiến Hitler, kẻ mắc chứng huyễn tưởng nặng nề, càng khuếch khoác về cái số đỏ “bất khả chết” của mình. Tất cả các đài phát thanh của nước Đức quốc xã khi ấy đã truyền đi giọng nói khàn khàn của y; “Giờ thì tôi hoàn toàn yên tâm. Tôi sẽ chỉ chết khi nào sứ mệnh của tôi trên cõi thế được hoàn tất”.
Tuy nhiên, những người Đức chân chính vẫn không từ bỏ những cố gắng loại bỏ tai họa lớn nhất của tổ quốc mình và vẫn tìm cách để ám sát Hitler. Năm 1943, một nhóm sĩ quan cao cấp và tướng lĩnh Đức đã tổ chức một phong trào chống đối nhằm thủ tiêu tên trùm phát xít. Chỉ trong một năm mà đã có tới 7 vụ mưu sát Hitler.
Nhưng chỉ tới khi bá tước Claus Von Stauffenberg gia nhập phong trào này thì dường như việc ám sát Hitler mới có thể trở thành một nhiệm vụ khả thi. Và chính vụ mưu sát này đã trở thành cốt truyện cho bộ phim Mỹ ăn khách từ năm 2008 Valkyrie với nhân vật chính (đại tá Von Stauffenberg) do Cruise đóng.
Claus von Stauffenberg sinh tháng 1/1907 trong một gia đình quý tộc cổ kính vào bậc nhất miền Nam Đức, có mối quan hệ mật thiết với hoàng gia Wuttenberg (người cha của bá tước đã giữ một vị trí trọng yếu trong triều đình của vị vua cuối cùng thuộc dòng họ Wuttenberg). Bá tước Von Stauffenberg là người con trai thứ ba trong gia đình. Hai người anh trai của ông về sau cũng tham gia vào vụ mưu sát Hitler năm 1944...
Ngày 1/4/1926, Claus von Stauffenberg đã được sung vào trung đoàn kỵ binh số 17 ở Bamberg thuộc Bayern. Tới thời điểm bùng nổ chiến tranh thế giới thứ hai tháng 9/1939, Von Stauffenberg đã tham gia lực lượng thiết giáp tấn công Ba Lan. Đến thời điểm này, bá tước đã nhiễm khá nặng những tư tưởng sát nhân coi người Đức là thượng đẳng mà Hitler gieo rắc.
Từ Ba Lan, ông đã viết thư về cho vợ, trong đó có đoạn: “Dân chúng ở đây là một đám hỗn độn không thể tưởng tượng được. Rất nhiều người Do Thái và lai máu. Những kẻ này chỉ tốt khi bị sai khiến bằng roi. Hàng chục nghìn tù nhân rất hữu ích cho nền nông nghiệp của nước Đức. Chúng chăm chỉ, ngoan ngoãn và ít đòi hỏi"...
Cho tới tháng 11/1941, Von Stauffenberg vẫn ủng hộ việc tập trung quyền chỉ huy quân đội Đức vào trong tay Hitler và từ chối mọi sự rủ rê của những người Đức bất mãn với chính quyền Quốc xã. Tuy nhiên, thực tế chiến tranh đã dần dà mở mắt cho Von Stauffenberg. Năm 1942, công phẫn trước những vụ thảm sát hàng loạt người Do Thái, Ba Lan và người Nga, lại trực tiếp được chứng kiến cách điều binh khiển tướng vô nghĩa lý của trùm phát xít, Claus von Stauffenberg đã dần dà thay đổi thái độ đối với Hitler.
Năm 1942, ông được điều về sư đoàn tăng số 10, có nhiệm vụ hỗ trợ cho việc rút quân của tướng Erwin Rommel tại Bắc Phi. Trong một trận đối phương ném bom, Von Stauffenberg đã bị thương nặng, mất mắt trái, bàn tay phải và hai ngón tay trái. Sau khi hồi phục, ông lại trở về quân ngũ và nhận thức được rất rõ là Hitler đang đưa nước Đức tới thảm họa.
Chính vì thế nên ông đã cùng một nhóm tướng lĩnh và sĩ quan Đức âm mưu tổ chức đảo chính với hy vọng rằng, nếu loại bỏ được Hitler thì họ có thể ký được thỏa ước hòa bình và giúp nước Đức thoát khỏi nỗi ô nhục thất bại hoàn toàn. Cơ hội độc nhất vô nhị để đảo chính thành công là việc tại nơi phục vụ mới, Von Stauffenberg được phân công chuẩn bị cho kế hoạch mang mật danh Valkyrie.
Kế hoạch này được xây dựng một cách chính thức với sự bật đèn xanh của chính Hitler, nhằm chuẩn bị các biện pháp để chuyển việc điều hành quốc gia sang cho Bộ Tham mưu lục quân dự bị nếu xảy ra chuyện do hỗn loạn nội bộ mà liên lạc với Bộ Tổng Chỉ huy tối cao bị sụp đổ.
Theo ý đồ của những người tham gia đảo chính, đại tá Von Stauffenberg sẽ phải là người khôi phục lại liên lạc với chỉ huy các đơn vị quân đội Đức Quốc xã ở khắp cả nước để sau khi hạ sát được Hitler rồi thì họ sẽ tiến hành truy bắt các lãnh đạo các cơ sở Quốc xã ở các địa phương cũng như bắt các sĩ quan Gestapo. Ở thời điểm đó, Von Stauffenberg là người duy nhất trong đội ngũ âm mưu đảo chính có được sự tiếp xúc thường xuyên với Hitler nên chính ông đã phải nhận trách nhiệm đích thân ám sát Hitler.
Ngày 20/7/1944, Bộ Tổng chỉ huy Tối cao của Hitler có kế hoạch họp thường kỳ về tình hình các chiến trường. Thiếu tướng Henning von Treskow và một viên thiếu tá thuộc quyền, một kỹ sư quân sự, cùng tham gia nhóm âm mưu đảo chính, đã chế tạo hai quả nổ cho Von Stauffenberg giấu vào cặp. Đại tá sẽ phải đích thân nhấn ngòi nổ để hạ sát Hitler.
Von Stauffenberg được gọi lên cơ sở dã chiến của Bộ Tổng chỉ huy Tối cao quân độ Đức “Wehrwol” (Hang sói) gần thành phố Rastenburg ở miền Đông Phổ (nay là thành phố Ketrzyn thuộc Ba Lan) để báo cáo về việc thành lập các đơn vị dự bị. Đích thân thống chế Wilhelm Keitel, người đứng đầu Bộ Tổng chỉ huy Tối cao quân độ Đức, cố vấn quân sự chính của Hitler, đã gửi tới yêu cầu đó.
Von Stauffenberg tính toán rằng cuộc họp sẽ diễn ra tại một trong số hai hầm ngầm ở “Wehrwol”. Việc hai quả nổ nặng tới hai ký thuốc phát nổ trong một hầm kín sẽ không để cơ hội sống sót nào cho quốc trưởng...
Thật không may là vụ mưu sát, được chuẩn bị rất kỹ lưỡng và được tiến hành vào ngày 20/7/1944 lại vẫn thất bại. Nguyên do là vì trước khi quả nổ do đại tá Claus von Stauffenberg gài sẵn phát nổ thì Hitler bỗng nhiên lại vô cớ chuyển sang phía bên kia của cái bàn gỗ sồi mà quanh đó đang tiến hành cuộc họp tại sở chỉ huy của y “Wehrwol” (Hang sói) nằm ở vùng Đông Phổ. Việc chuyển chỗ này đã giúp Hitler thoát hiểm. Trong số 24 người có mặt trong hầm ngầm hôm đó, chỉ có 4 người chết. Gần hai chục người còn lại bị thương ở những mức độ khác nhau. Hitler cũng chỉ bị thương nhẹ…
Đó đã là một sự kiện gây chấn động mạnh nước Đức quốc xã. Gần 200 người tham gia vụ mưu sát năm 1944 đã bị bắt và tử hình… Cho tới giữa những năm 60 của thế kỷ trước, tại Tây Đức nhiều người vẫn cho rằng nhóm âm mưu đảo chính là những kẻ phản bội. Hiện nay, họ được coi là những người anh hùng. Ngày 20/7 hàng năm được kỷ niệm như một ngày lễ trọng. Tại địa điểm đã hành hình đại tá Claus von Stauffenberg vùng các đồng đội của ông hiện nay thường được tiến hành các buổi lễ tuyên thệ của các quân nhân Đức...
Kế hoạch khả thi nhưng không được thực hiện
Các cơ quan an ninh Xôviết bắt đầu nghĩ tới việc thủ tiêu Hitler từ mùa thu năm 1941, khi quân đội phát xít đã tiến lại sát gần cửa ngõ Moskva. Lúc đó, binh lính của Hitler đã ở thế thượng phong và ban lãnh đạo Xôviết không loại trừ tình huống thủ đô bị kẻ thù chiếm đoạt. Cục an ninh Moskva và phòng 2 Ủy ban an ninh Xôvieest NKVD (tiền thân của KGB) đã nhận được nhiệm vụ xây dựng lực lượng hoạt động bí mật ở Moskva và đặt mìn tại các công trình trọng yếu của thủ đô.
Thực hiện nhiệm vụ này, lãnh đạo phòng 2 Pavel Sudoplatov đã đặt trước các chiến sĩ hoạt động bí mật tương lai nhiệm vụ: Nếu Moska bị thất thủ và Hitler sang đây để khuếch trương thanh thế, sẽ phải tìm mọi cách để ám sát y. Sau khi quân đội Đức bị đánh bật ra xa Moskva, NKVD không nghĩ gì tới việc đánh bom trên quảng trường Đỏ nữa nhưng, cục 2, năm 1942 chuyển thành cục tình báo đặc nhiệm 4, vẫn tiếp tục phát triển ý tưởng ám sát Hitler.
Theo dõi sít sao các sự dịch chuyển của trùm phát xít Đức, cục 4 nhận thấy rằng, Hitler đôi khi đã ở trụ sở “Wehrwol” của y, cách tỉnh Vinnytsia của Ucraina 8 km, khá lâu. Nhóm du kích mang tên Người chiến thắng dưới sự chỉ huy của Dmitri Medvedev đã được tung tới đó và từ tháng 6/1942, hoạt động trong khu vực Rovno. Mùa thu năm 1943, nhà tính báo lỗi lạc Nikolai Kuznetsov đã lấy được nhiều tài liệu quan trọng, trong đó có sơ đồ chi tiết trụ sở “Wehrwol”. Tuy nhiên, kế hoạch ám sát Hitler đã bị hủy bỏ vì từ tháng 10/1943, trùm phát xít Đức đã thôi không tới đó nữa…
Thủ trưởng cục 4 NKVD Sudoplatov quyết định: cần phải hạ thủ Hitler ngay ở trên nước Đức. Nhưng để đạt mục đích này cần phải tìm được một người mà Gestapo không hề nghi ngờ gì để tiến hành vụ ám sát. Và cơ quan an ninh Xôviết đã tìm được một người như thế.
Igor Miklashevsky là con trai của nữ nghệ sĩ nổi tiếng ở nhà hát thính phòng Avgusta Miklavshkaya. Chồng của bà Avgusta, diễn viên múa Liev Lasiklin có một người chị gái tên là Inna, lấy người chồng là nghệ sĩ nổi tiếng trước chiến tranh Vsevolod Bliumental Tamarin. Mùa thu năm 1841, khi quân Đức tiến đánh gần sát Moskva, Bliumental đã chạy sang hàng ngũ của chúng.
Sau đó, người Đức đã sử dụng Bliumental vào các chiến dịch tuyên truyền và vận động Hồng quân đầu hàng. Rồi Bliumental được chuyển về Berlin và trở thành một trong những kẻ lãnh đạo nhóm chống Xôviết “Ủy ban Nga”, chuyên việc tuyển mộ những quân nhân Xôviết bị rơi vào tay địch cho các “đơn vị Đông phương” của lực lượng phát xít.
Ông Sudoplatov quyết định lợi dụng việc phản bội của Bliumental để đưa Igor Miklashevsky (đã được NKVD tuyển mộ từ năm 1941) vào Đức với mục đích thực hiện nhiệm vụ ám sát Hitler.
Tháng 1/1942, trong một trận đánh ban đêm, Miklashevsky, thực hiện nhiệm vụ bí mật của cấp trên giao cho, đã ra đầu hàng quân Đức với lời khai là từ lâu đã nghĩ đến việc chạy sang hàng ngũ phát xít. Và anh cũng nhắc tới tên người bác rể Bliumental. Tuy nhiên, người Đức đã không tin anh ngay mà đã tiến hành đủ các biện pháp kiểm tra, từ việc đưa đặc tình vào ngồi cùng phòng giam tới việc giả đưa ra pháp trường xử bắn...
Miklashevsky đã vượt qua được các thử thách đó nên cuối cùng người Đức cũng tin những lời anh nói là thật. Anh được đưa ra khỏi trại giam vào mùa xuân năm 1942, rồi gia nhập một “đơn vị Đông phương”. Bliumental, khi hay biết cháu mình đã chạy sang hàng ngũ phát xít, đã ngay lập tức tìm cách đưa Igor Miklashevsky về Berlin. Tại đó, anh cũng làm việc cho “Ủy ban Nga”.
Từ Berlin, Miklashevsky đã nối liên lạc với Trung tâm và thông báo rằng anh đã sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ. Một thời gian ngắn sau, anh đã được tiếp viện bởi một nhóm ba tình báo viên giàu kinh nghiệm tác chiến tới Berlin qua con đường từ Nam Tư. Chính những người này dưới sự chỉ huy của Miklashevsky, theo ý tưởng của ông Sudoplatov, sẽ thực hiện vụ ám sát Hitler.
Để lọt vào hàng ngũ thân cận với trùm phát xít, Miklashevsky đã kết thân với nữ diễn viên lừng danh Olga Chekhova, một phụ nữ cực kỳ xinh đẹp và tài năng, rất được Hitler sủng ái... Các điều kiện để ám sát Hitler đã được chuẩn bị.
Tuy nhiên, năm 1943, lãnh tụ Xôviết Stalin lại từ bỏ ý định ám sát Hitler vì ông ngại rằng, một khi Hitler chết rồi thì những kẻ thừa kế y sẽ tiến hành đàm phán đơn phương với Anh và Mỹ mà không cho Liên Xô tham dự. Nỗi lo này hoàn toàn có cơ sở.
Những thông tin mà các cơ quan an ninh tình báo Xôviết thu thập được và báo cáo với lãnh tụ cho thấy, mùa hè năm 1942, đại diện của Vatican ở Ancara theo sáng kiến của giáo hoàng Pius XII đã có một cuộc trò chuyện dài với ngoại trưởng Đức del Papen, cố gắng thuyết phục ông này dùng ảnh hưởng của mình để tiến tới ký hiệp định hòa bình đơn phương giữa Đức, Anh và Mỹ.
Ngoài ra, điệp viên Xôviết ở Rome cũng thông tin về cuộc gặp giữa giáo hoàng với đặc phái viên Mayoron Taylor của tổng thống Mỹ Roosevelt để thảo luận những luận điểm cụ thể cho cuộc gặp giữa hồng y giáo chủ Roncalli (về sau sẽ trở thành giáo hoàng John XXIII) với Papen. Nếu một hiệp ước như thế được ký tất sẽ làm hạn chế ảnh hưởng của Liên Xô ở châu Âu, loại Moskva ra khỏi bàn cờ chính trị quốc tế trong tương lai…
Chính vì lý do trên nên khi ông Sudoplatov năm 1944 lại đưa ra đề nghị ám sát Hitler thì cũng lại nhận được lời từ chối cương quyết từ phía lãnh đạo tối cao. Và thế là Hitler đã sống được tới mùa xuân năm 1945, khi Hồng quân Liên Xô tràn vào đánh chiếm Berlin, buộc trùm phát xít phải tự vẫn cùng vợ là Eva Braun…
Sau chiến tranh thế giới thứ hai đã xuất hiện nhiều huyền thoại về việc Hitler cùng Eva Braun không tự sát mà thay hình đổi dạng trốn sang châu Mỹ la tinh. Tuy nhiên, cho tới hôm nay vẫn chẳng có vật chứng gì xác thực về câu chuyện này…
Mời quý độc giả xem video 15 điều ít biết về Hitler:
Theo VnTinnhanh