Phát biểu của Tổng thống Obama sau khi hội đàm với TBT Nguyễn Phú Trọng

Google News

(Kiến Thức) - Tổng thống Mỹ Barack Obama có bài phát biểu quan trọng sau khi tiếp đón và hội đàm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tại Nhà Trắng.

Sau khi hội đàm với Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tại Phòng Bầu dục của Nhà Trắng, Tổng thống Obama phát biểu:
“Như các bạn biết, tôi đã được mời thăm Việt Nam. Và tôi cho rằng đây là dấu hiệu về một sự tiến bộ đáng kể trong quan hệ song phương 20 năm qua”.
Phat bieu cua Tong thong Obama sau khi hoi dam voi TBT Nguyen Phu Trong
Tổng thống Mỹ Barack Obama đón tiếp Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Phòng Bầu Dục. Ảnh: Website Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam. 
“Tôi nhiệt liệt chào mừng Tổng Bí thư Đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tới thăm Phòng Bầu dục trong chuyến thăm đầu tiên của Ngài tới Mỹ nhân dịp 20 năm bình thường hóa quan hệ Mỹ-Việt Nam”.
“Hiển nhiên, (hai nước) đã có một giai đoạn lịch sử khó khăn trong thế kỷ 20. Và vẫn còn đó những khác biệt đáng kể trong quan niệm chính trị và hệ thống chính trị giữa nước. Nhưng, với nỗ lực của hai đảng ở Mỹ cũng như nỗ lực của các nhà lãnh đao Việt Nam trong nhiều năm qua, chúng ta đã hình thành một mối quan hệ mang tính xây dựng, dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau và mang lại lợi ích cho người dân hai nước”.
“Trong hai năm qua, chúng ta đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc thắt chặt hơn mối quan hệ song phương trên hầu hết các lĩnh vực như giáo dục, khoa học, công nghệ, biến đổi khí hậu, sức khỏe cộng đồng và các vấn đề an ninh. Đây là một cơ hội tuyệt vời để hai bên tiếp tục bàn thảo quan điểm về tầm nhìn của chúng ta cho một mối quan hệ hợp tác toàn diện”.
“Chúng  tôi đã cùng nhau thảo luận về Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), về khả năng đạt được thỏa thuận thương mại tiêu chuẩn cao, giúp nâng cao tiêu chuẩn lao động, môi trường và có thể tạo ra rất nhiều việc làm và sự thịnh vượng cho cả người Việt và người Mỹ”.
“Chúng tôi cũng thảo luận về tầm quan trọng của việc giải quyết các tranh chấp hàng hải ở Biển Đông và toàn khu vực Thái Bình Dương dựa trên luật pháp quốc tế nhằm đảm bảo thịnh vượng và tự do hàng hải - vốn đã  tạo ra tốc độ phát triển kinh tế cao cho khu vực - tiếp tục được duy trì trong nhiều thập kỷ tới”.
“Chúng tôi đã thảo luận về việc tiếp tục làm sâu sắc hơn những trao đổi giữa người dân với người dân…Chúng tôi muốn tiếp tục làm sâu sắc thêm những trao đổi này, thông qua Đại học Fulbright sắp được mở và vừa được phê duyệt”.
"Chúng tôi cũng thảo luận về tầm quan trọng của sự hợp tác về những vấn đề toàn cầu, đặc biệt là biến đổi khí hậucó thể có tác động sâu sắc tới cả hai nước chúng ta, an ninh y tế toàn cầu, đối phó với đại dịch tiềm năng, gìn giữ hòa bình trên thế giới. Trong tất cả những lĩnh vực này, Việt Nam chứng tỏ là một đối tác rất có tính xây dựng”.
“Hiện vẫn còn một số khác biệt trong mối quan hệ song phương và chúng tôi đã thảo luận thẳng thắn những khác biệt liên quan đến vấn đề nhân quyền và tự do tôn giáo. Nhưng điều mà tôi tin tưởng là đối thoại ngoại giao và những bước thiết thực mà chúng ta đang cùng nhau thực hiện sẽ có lợi cho cả hai nước, và rằng những căng thẳng có thể được giải quyết theo một cách hữu hiệu, không chỉ thông qua song phương mà còn thông qua hợp tác trong những tổ chức đa phương, như ASEAN và Hội nghị thượng đỉnh Đông Á, chúng tôi sẽ tiếp tục gặt hái được nhiều thành quả đáng kể hơn nữa.
“Một lần nữa, tôi muốn cám ơn Ngài Tổng Bí thư về chuyến thăm này. Tôi hy vọng Ngài cảm nhận được sự ấm áp và lòng hiếu khách mà người Mỹ dành cho nhân dân Việt Nam.Và tôi thực sự mong chờ được đến thăm đất nước xinh đẹp của Ngài trong thời gian tới”.
Hòa An (Theo usembassy.gov)