Trong đám cưới ở Triều Tiên, những bó hoa cưới sẽ không được tung lên để những cô gái chưa chồng đón bắt mà phải được đưa đến tượng đài của vị lãnh tụ Kim Nhật Thành nhằm bày tỏ lòng kính trọng, biết ơn với nhà lãnh đạo lập quốc ngay sau khi tổ chức lễ thành hôn.
|
Đám cưới tại Triều Tiên vẫn được tổ chức theo cách làm truyền thống có từ xa xưa. |
Không giống các nước khác, bộ ảnh cưới ghi lại những thời khắc đẹp của cô dâu chú rể được chụp trong studio hay các danh lam thắng cảnh đẹp, ảnh cưới tại Triều Tiên sẽ phải chụp cạnh tượng đài của nhà lãnh tụ Kim Nhật Thành. Mặc dù điều này không ép buộc song nhiều cặp đôi mới cưới nghĩ rằng mình phải có nghĩa vụ làm như vậy. Và một điều tất cả người dân đều phải biết: Không ai tổ chức lễ cưới vào 15/4 và 16/2 hàng năm, vì những ngày đó trùng với sinh nhật của các vị lãnh đạo Triều Tiên.
Lễ cưới của người Triều Tiên hiện tại vẫn được tổ chức theo cách truyền thống, được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Thay vì những bộ váy cưới trắng muốt tinh khôi và bộ vest tuxedo lịch thiệp, các cặp đôi tại đây mặc những bộ hanbok sặc sỡ sắc màu.
Trước khi lễ cưới diễn ra, bố mẹ cô dâu chú rể gặp mặt để trao đổi quà cưới và sắp đặt ngày thành hôn. Trong ngày trọng đại, lễ cưới sẽ được tổ chức từ sáng sớm cho đến tối muộn. Họ hàng từ muôn nơi sẽ tụ tập về chúc mừng cho đôi trẻ, ăn cỗ và uống rượu. Họ thường chúc phúc cho cặp đôi bằng cách tặng tiền mừng. Đối với khách là dân lao động nghèo và nông dân – tầng lớp không đủ tiền có thể chi trả cho một món quà giá trị, họ sẽ mượn tạm thực phẩm tại các cửa hàng tạp hóa để làm quà mừng. Họ trả tiền thuê, lấy hàng về, sau khi chụp ảnh xong, họ lại trả những món đồ ấy về cho chủ cửa hàng.
|
Đôi gà trống mái - biểu tượng truyền thống phải có trong đám cưới. |
Một trong những biểu tượng cần phải có trong đám cưới
Triều Tiên là đôi gà trống mái. Người dân thường đặt hoa vào miệng gà mái và ớt đỏ vào miệng gà trống. Tại tỉnh Hamgyong, truyền thống khu vực là đãi khách bằng món mì và tiệc cưới được tổ chức ngay tại nhà cô dâu. Bên cạnh đó, ở Triều Tiên, họ không có ngày gọi là “tuần trăng mặt”. Hôm trước tổ chức lễ cưới, hôm sau cô dâu chú rể vẫn đi làm như thường.
Đối với các quan chức quân đội, đám cưới sẽ tổ chức một chút khác biệt hơn. Vẫn trong bộ trang phục truyền thống, lời chúc phúc của họ hàng, song quy mô đám cưới sẽ lớn hơn để nhấn mạnh tầm quan trọng vị thế của họ. Càng nhiều xe sang BMW xuất hiện tại trước sảnh khách sạn nơi diễn ra lễ thành hôn thì càng thể hiện đẳng cấp của chú rể khi mời được nhiều quan chức cấp cao chính phủ tham dự.
Theo Báo Tin Tức