Sau đây, đài Sputnik (Nga) đã điểm lại các cột mốc quan trọng trong chương trình hạt nhân Triều Tiên.
Cụ thể, ngày 9/10/2006, Triều Tiên phô trương sức mạnh quân sự của họ bằng vụ thử hạt nhân đầu tiên tại bãi thử Punggye-ri khi kích nổ một thiết bị hạt nhân sử dụng plutoni, thay vì uranium làm giàu. Theo KCNA, không có bất cứ rò rỉ phóng xạ nào phát tán ra ngoài sau vụ thử hạt nhân đầu tiên thành công này.
|
Hình ảnh về thông tin vụ thử bom H của Triều Tiên trên các mặt báo.
|
Các quan chức tình báo Mỹ đã phân tích các mẫu không khí thu thập được một vài ngày sau vụ thử này và xác nhận về thông tin trên.
Tuy nhiên, các chuyên gia Mỹ đánh giá quy mô của vụ thử hạt nhân này là không quá lớn vì nó chỉ có sức công phá chưa đầy 1 kiloton và chưa bằng 1/10 so với quả bom thả xuống thành phố Hiroshima hồi Chiến tranh Thế giới 2.
Ngày 14/10/2006, Hội đồng Bảo an LHQ (HĐBA LHQ) đã thông qua Nghị quyết số 1718, qua đó áp đặt các biện pháp trừng phạt lên Bình Nhưỡng do nước này tiến hành thử hạt nhân.
Nghị quyết yêu cầu quốc gia này loại bỏ hết tất cả vũ khí hạt nhân, vũ khí hủy diệt hàng loạt và tên lửa đạn đạo.
|
Khu vực được cho là diễn ra vụ thử bom H của Triều Tiên.
|
Vòng thứ 5 của cuộc đàm phán sáu bên về chương trình hạt nhân Triều Tiên đã đi tới một thỏa thuận lịch sử vào ngày 13/2/2007. Bình Nhưỡng đồng ý đóng cửa lò phản ứng hạt nhân Yongbyon trong 60 ngày để nhận viện trợ về kinh tế.
Trong thời gian từ 26-30/6/2007, các thanh sát viên của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) tới Triều Tiên để thảo luận việc đóng cửa lò phản ứng này. Đây là lần đầu tiên họ được phép tới nước này kể từ năm 2002.
Bước sang ngày 2/9/2007, sau các cuộc đàm phán song phương ở Geneva, Mỹ thông báo rằng, Triều Tiên đồng ý dỡ bỏ tất cả các cơ sở hạt nhân của họ cho tới cuối năm 2007. Đáp lại, Triều Tiên hôm 27/6/2008 đã phá hủy tháp làm lạnh ở lò phản ứng hạt nhân Yongbyon, một động thái biểu trưng để tái khẳng định cam kết của nước này trước thỏa thuận đạt được.
Hai tháng sau, ngày 26/8, Bình Nhưỡng đột ngột ngừng vô hiệu hóa các cơ sở hạt nhân trong một động thái để phản đối trước việc Mỹ trì hoãn rút Triều Tiên khỏi danh sách các nước tài trợ cho khủng bố.
Ngày 25/5/2009 đánh dấu bước ngoặt mới trong chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Triều Tiên khi quốc gia này tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ hai. Vụ thử thứ hai được cho là có sức công phá lớn hơn nhiều so với lần một, dự tính là 2-7 kiloton.
|
Hàn Quốc điều động pháo tự hành tới gần khu phi quân sự Hàn-Triều sau khi Triều Tiên tiến hành thử bom H.
|
Bước sang ngày 30/9/2010, Triều Tiên thông báo về việc xây dựng một lò phản ứng hạt nhân nước nhẹ. Đồng thời, nước này cho biết đang sản xuất uranium làm giàu ở mức thấp. Ba năm sau (tức 2013), Ủy ban Quốc phòng Quốc gia Triều Tiên (NDC) thông báo, họ sẽ tiến hành một “vụ thử hạt nhân ở mức độ cao”.
Hôm 4/2/2013, phương tiện truyền thông Triều Tiên đưa tin, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đưa ra một quyết định quan trọng liên quan tới an ninh đất nước trong bối cảnh áp lực đổ lên Bình Nhưỡng về việc dừng các kế hoạch thử hạt nhân trong tương lai.
Trước những áp lực này, Triều Tiên đã âm thầm thực hiện vụ thử hạt nhân lần thứ ba ở khu vực Punggye-ri vào hôm 12/2/2013.
Chưa dừng lại ở đó, Bình Nhưỡng thông báo cho toàn thế giới rằng, họ nắm giữ các vũ khí hạt nhân có thể tấn công các mục tiêu trên đất Mỹ. Sang tháng 12/2015, lãnh đạo Kim Jong-un tuyên bố, Triều Tiên sẵn sàng kích nổ bom nhiệt hạch (hay còn gọi là bom H). Và đúng như những gì cảnh báo trước đó, ngày 6/1/2015, Triều Tiên đã tiến hành thử nghiệm thành công quả bom H đầu tiên.
Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin Bình Nhưỡng đã tiến hành vụ thử nghiệm bom H (tức bom nhiệt hạch, bom khinh khí) vào lúc 10 (theo giờ địa phương) hôm 6/1. Ban đầu, Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) ban đầu xác nhận có một vụ động đất ở Triều Tiên.
Và trong một bản tin công khai trên truyền hình, Bình Nhưỡng cho biết, nguyên nhân tiến hành vụ thử bom H là một hành động tự vệ và cam kết không sử dụng vũ khí hạt nhân nếu cộng đồng quốc tế tôn trọng chủ quyền của CHDCND Triều Tiên.
Bình Nhưỡng cũng khẳng định sẵn sàng tiếp tục phát triển công nghiệp quân sự và vũ khí hạt nhân để đối phó với những mối đe dọa tiềm tàng.
Thanh Nga (theo Sputnik)