Bán bột chiên có gì là khổ
Giữa ánh nắng chói chang nóng hực của Sài Gòn, một mình ngồi trong căn chòi bên công viên dọc bờ sông Thanh Đa, ông đem chiếc máy tính gõ lộc cộc, thi thoảng rít một điếu thuốc từ tẩu, miệng hớp một ngụm nước và nói: "Như vầy là đời sướng rồi, hết tiền ngồi viết văn, viết truyện, rồi đi diễn hề, làm ảo thuật, mới đây còn kiêm thêm cái nghề chỉnh sửa ảnh (làm photoshop), anh em trong nghề nhận mối đưa về cho làm. Có tiền chút thì lang thang để tìm cảm hứng viết, rong chơi thăm bạn bè...".
Không chỉ nổi với những nghề trên, Mạc Can đã khiến người đi đường cảm động đến nỗi phải dừng lại ăn bột chiên do ông bán tại Công viên Tao Đàn, người phụ ông bưng đĩa là một cậu bé gọi ông bằng ông nội. Để bán được xe bột chiên cho khách, ông tìm đến các quán bột chiên của người Hoa tại khu Chợ Lớn làm thực khách, cứ hai ngày đến ăn một lần rồi quan sát học lóm nghề.
Ông kể: "Mới bữa đầu ăn thì ngon lắm, nhưng ăn qua bữa thứ ba thì bắt đầu ngán nhưng phải ráng theo suốt một tháng rưỡi mới biết được mánh khóe trong nghề. Đạo cụ cho món này là một cái chảo nhưng lồng chảo phải bằng phẳng, xẻng trở bột chỉ được nhúng mỡ tráng lên lồng chảo, chiên bột vừa tới gạt qua một bên để khi khách tới gọi món mình mang ra chiên lại cho giòn, thêm một món nữa là nước màu nước chấm phải pha cho vừa. Mà mấy thứ này cũng dễ, chạy ra chợ vườn chuối mua là có, nhờ vậy mà khi đứng bán bột chiên mấy ông khách ăn khen ngon, khi trả tiền còn cho thêm. Đang lúc đứng bán có ông khách vỗ vai, trời ơi, sao ông khổ dữ vậy ông Can, nay lại chuyển sang nghề này nữa à? Lúc đó ông trả lời tỉnh bơ, bán bột chiên có gì là khổ, mua ăn rồi đừng có đòi tiền lại nghe".
Khi thu dọn chiến trường mọi người mới vỡ ra là ông đang đóng phim Họa Mi của đạo diễn Phạm Ngọc Châu, cảnh này quay tại công viên nếu không giấu máy thì mọi người xúm lại coi và như vậy rất khó cho đạo diễn. Một lần khác khán giả nhìn thấy ông ngồi ăn xin, đồ đạc rách rưới với cái nón lật ngửa xin tiền, nhiều người chạy xe lướt qua thấy lòng không yên nên quay lại bỏ tiền vào nón, ông cảm ơn rồi dặn với theo, cho rồi đừng đòi lại tiền nhe. Một lát sau ông đứng dậy mọi người mới biết là ông đang diễn cảnh ăn mày trong một bộ phim nhưng để có cảnh tự nhiên ông đành phải ngồi ăn mày thật, ngồi một lúc tui xin được 50.000đ mua thuốc hút.
|
Mạc Can: Như vầy là đời sướng rồi, hết tiền ngồi viết văn, viết truyện,
rồi đi diễn hề, làm ảo thuật. |
Cô độc và muốn chết
Đến bây giờ ông cũng chẳng có nhà, có vợ, có con như nhiều nghệ sĩ hoặc nhà văn khác, càng nổi tiếng nhiều người càng biết mình lại càng cô độc, cô độc của tuổi già thêm sự nhạy cảm trong tâm hồn đã khiến ông nhiều lần nghĩ đến cái chết. Chết để giải thoát nhưng vẫn chưa thoát vì ông còn nặng nợ với đời, với khán giả, với độc giả...
Năm 2009, anh em trong
giới nghệ sĩ, cánh phóng viên xôn xao vì không tìm thấy Mạc Can ở đâu. Bạn bè lùng sục khắp nơi, người này gọi người kia vẫn không biết tin vì trước đó ông vừa nói vừa cười, tôi sắp đi xa, mà cuộc đi xa này không báo cho ai cả. Mọi người sợ ông lại tự tử vì cô độc... Bẵng đi hai năm, tháng 3/2011, ông trở về Sài Gòn và lúc đó mọi người mới hay, ông đi Mỹ, đi để thay đổi và tìm cảm hứng sáng tác. Lẽ ra là ở ba năm nhưng nhớ Sài Gòn quá, thèm được trở về và lê la khắp nơi nên xách giỏ trở về.
Ông nói: "Ở Mỹ vào những ngày cuối tuần ông thường đi diễn ảo thuật, diễn hài còn ngày thường về xin làm bánh mỳ trong một xưởng, hết làm bánh mỳ thì đi bưng phở, nếu ai có sức khoẻ thì bưng 1 giờ được 12 đô-la, ông già rồi người ta chỉ trả 8 đô-la nhưng bưng phở nóng lắm, bỏng cả tay. Học được mánh khóe làm phở, làm bánh mỳ rồi ông chuyển sang nghề cắt cỏ hoặc đi rửa bồn, rửa thau cho các tiệm nail, cứ vậy ông vật lộn trên đất Mỹ hai năm và có kha khá tư liệu".
Ông bộc bạch, không nghĩ mình có thể làm được và nhiều nghề đến vậy, cứ thế nhận việc là làm thôi, làm xong lại có thêm nghề, cảm giác cô độc đến tận cùng hay phải đi ăn mày thì Mạc Can đều đã nếm trải. Cứ như vậy khi đặt bút viết thì nó phải thật, hoặc khi đóng phim cũng không cần phải diễn mà nó cứ tự nhiên như mình đang làm. Sống trên đời là đang diễn rồi nên không cần phải sắm vai nào nữa.
Mạc Can tên thật là Lê Trung Can, sinh năm 1945 trên ghe, cha là ảo thuật gia nổi tiếng Lê Văn Quý. Từ nhỏ ông được cha truyền nghề ảo thuật, từng theo cha qua tận Lào biểu diễn cũng như đi khắp Nam kỳ lục tỉnh. 60 tuổi Mạc Can bắt đầu viết văn và nổi tiếng với nhiều tác phẩm gồm: Tiểu thuyết Tấm ván phóng dao; tập truyện ngắn: Tờ 100 đô-la âm phủ; Tạp bút Mạc Can; tiểu thuyết Phóng viên mồ côi; tập truyện ngắn: Ba... ngàn lẻ một đêm, tiểu thuyết Quỷ với Bụt và Thần Chết, Mạc Can - Truyện ngắn chọn lọc năm 2013.
|
TIN LIÊN QUAN
BÀI ĐANG ĐỌC NHIỀU
Quỳnh Anh