Cuộc đời “Em bé Hà Nội” bị ám từ bộ phim

Google News

"Em bé Hà Nội" - bộ phim tái hiện chân thực, xúc động hình ảnh Hà Nội sau cuộc chiến 12 ngày đêm lịch sử năm 1972 đến bây giờ vẫn đong đầy cảm xúc trong ký ức của NSND Lan Hương. Chị kể, đã có những cảnh quay trong phim vận vào đời chị sau này.

50 tuổi vẫn là “Em bé Hà Nội”

Khi được đạo diễn - NSND Hải Ninh chọn vào vai diễn Ngọc Hà trong bộ phim "Em bé Hà Nội", lúc ấy Lan Hương mới 10 tuổi. Bản thân chị không bao giờ tưởng tượng được, đến 40 năm sau, khi đã 50 tuổi, trở thành bà ngoại, chị vẫn được khán giả yêu mến gọi tên là “Em bé Hà Nội”.

NSND Lan Hương hiện tại
NSND Lan Hương hiện tại

Kể từ vai Ngọc Hà, NSND Lan Hương đã có 40 năm gắn bó với nghề diễn, 40 năm đóng phim và vật vã với sân khấu, nhưng khán giả khi nhắc tên Lan Hương vẫn chỉ nhớ một “Em bé Hà Nội” trong veo giữa Hà Nội hoang tàn. Có người nói, Lan Hương đã bị “chết vai” ở chính vai diễn đầu tiên. Chia sẻ trước ý kiến này, Lan Hương nói: “Đã là diễn viên, ai cũng muốn có những vai diễn theo mình đến suốt đời. Ai cũng muốn được khán giả gọi tên bằng vai diễn. Nếu được như vậy, tôi thấy đó là một may mắn”.

Theo lời kể của NSND Lan Hương, vai diễn Ngọc Hà đến với chị như số phận. Đạo diễn Hải Ninh biết Lan Hương từ khi chị mới lên 3-4 tuổi. Nhiều năm trôi qua, khi bấm máy bộ phim Em bé Hà Nội, đạo diễn Hải Ninh cất công tìm kiếm nhiều diễn viên, thử đi thử lại với rất nhiều em bé, cuối cùng, đạo diễn nhớ ra cô bé Lan Hương đã gặp từ vài năm trước, cô bé có đôi mắt trong veo - vừa mạnh mẽ vừa nhẫn nại, đôi mắt khiến ông không thể quên, và đó sẽ là đôi mắt của Ngọc Hà.

Bộ phim "Em bé Hà Nội" bấm máy mùa hè năm 1973, nửa năm sau trận Điện Biên Phủ trên không, nửa năm sau khi B52 của Mỹ oanh tạc phố phường Hà Nội. Phim xoay quanh câu chuyện của em bé Ngọc Hà sau một trận ném bom ác liệt mùa đông năm 1972, Ngọc Hà thất lạc gia đình, cô bé đi tìm bố mẹ, em gái giữa khung cảnh đổ nát, hoang tàn của Hà Nội. Câu chuyện khiến hàng triệu trái tim khán giả nghẹn ngào trong suốt 40 năm qua. "Em bé Hà Nội" được đánh giá là bộ phim tái hiện thành công nhất, xúc động nhất hình ảnh thủ đô Hà Nội sau cuộc chiến 12 ngày đêm lịch sử.

“Đã diễn bằng tất cả sự sợ hãi”
 
Nhớ lại những quay phim "Em bé Hà Nội", sau 40 năm, NSND Lan Hương vẫn giữ vẹn nguyên cảm xúc. “Tháng 12/1972, khi Mỹ đưa B52 ném bom Hà Nội, khi ấy tôi 9 tuổi sống cùng ông bà ngoại ở phố Hoàng Hoa Thám. Tôi không biết ký ức về những ngày ấy trong trí nhớ của những đứa trẻ 9 tuổi khác như thế nào, nhưng trong ký ức của tôi đó là nỗi sợ hãi kinh hoàng.

10 tuổi, NSND Lan Hương vào vai Ngọc Hà
10 tuổi, NSND Lan Hương vào vai Ngọc Hà

Tôi còn nhớ đêm đầu tiên Mỹ ném bom, rất bất ngờ, cả nhà tôi chỉ kịp nhìn thấy mưa bom, chớp giật ầm ầm, sau đó là tiếng la hét, tiếng khóc, tiếng gào vang lên từ khắp các phố. Gia đình tôi cuống cuồng lao ra hầm trú ẩn cá nhân. Sáng sớm hôm sau, gia đình tôi sơ tán về Bình Đà, Hà Đông. Thành phố hoang tàn, đổ nát. Khắp nơi là tiếng khóc than. Là nỗi kinh hoàng”.

NSND Lan Hương vẫn còn nhớ rất rõ: “Gia đình bà ngoại tôi có 9 người con, chết mất 7 người, chỉ còn lại mẹ tôi và một người bác ruột. Lúc đó, mẹ tôi đi học nước ngoài. Ở nhà, ông bà ngoại tôi quyết tâm gia đình đi đâu cũng phải có nhau, nếu chết cùng chết. Chúng tôi muốn ở gần quê, nên mang tiếng là đi sơ tán nhưng gia đình chỉ về Bình Đà, ngay sát gần Hà Nội.

Nơi chúng tôi ở ngay gần nơi bộ đội đóng quân. Tôi không giống những đứa trẻ khác có thể quên ngay tiếng bom đêm qua và tụ tập chơi dây, chơi chuyền. Tôi ngồi nghe những câu chuyện của người lớn. Ông ngoại tôi ngày nào cũng nghe đài, bám sát tin thời sự. Ngày nào, B52 Mỹ tạm ngừng ném bom, tất cả chúng tôi đều thở phào nhẹ nhõm”.

Từ những ký ức kinh hoàng chân thực về trận ném bom mùa đông năm 1972, khi được chọn vào vai Ngọc Hà phim "Em bé Hà Nội", NSND Lan Hương đã diễn bằng tất cả cảm xúc thật, tình cảm thật. Chính nhờ những cảm xúc thật, Lan Hương đã có một vai diễn xuất sắc khi mới lên 10.

“Tôi nhớ khi vào vai Ngọc Hà, bác Hải Ninh nói với tôi, cháu hãy tưởng tượng và nhớ lại sự sợ hãi khi nghe tiếng B52 ném bom vào thành phố và diễn tả lại sự sợ hãi ấy. Tôi đã khóc thật và sợ thật. Chỉ cần nhớ lại đã thấy sợ kinh hoàng”- NSND Lan Hương nhớ lại.

Cảnh trong phim
Cảnh trong phim "Em bé Hà Nội"

Bộ phim "Em bé Hà Nội" hoàn thành vào cuối năm 1974. “Khi ấy, hơn nửa năm vụ ném bom Điện Biên Phủ trên không nhưng khung cảnh Hà Nội vẫn hoang tàn, xơ xác. Trên phố Khâm Thiên, cảnh tượng đổ nát như trận bom chỉ mới vừa dội qua. Năm 1973, quân lực, dân lực dồn cả cho chiến trường miền Nam, công tác khôi phục đổ nát sau cuộc ném bom diễn ra rất chậm chạp. Bởi vậy, bối cảnh Hà Nội đổ nát trong phim rất chân thực. Đoàn làm phim gần như không phải tác động nhiều tới bối cảnh. Ở những nơi đất đá mọc rêu, các họa sĩ chỉ cần đẽo gọt lại để vết đổ vỡ nhìn mới hơn, như thể bom vừa dội xuống”. Cũng chính vì Hà Nội vẫn hoang tàn, đổ nát, nên cả đoàn làm phim, từ đạo diễn đến diễn viên đều rất xúc động trong quá trình quay phim.

Có một cảnh phim Em bé Hà Nội đã vận vào cuộc đời Lan Hương
 
Đến bây giờ, khi 40 năm đã trôi qua, nhìn lại vai diễn của mình, NSND Lan Hương chiêm nghiệm: “Có những điều đạo diễn nói, tôi nắm bắt ngay được, và diễn ngay được. Nhưng cũng có những chi tiết, mình chỉ diễn thế thôi, chứ không hiểu hết được ý nghĩa của nó. Và có những cảnh đã vận vào đời tôi sau này.

Nửa năm sau cuộc ném bom, Hà Nội vẫn hoang tàn.
Nửa năm sau cuộc ném bom, Hà Nội vẫn hoang tàn.

Ví dụ như cảnh em bé Ngọc Hà đứng trước cửa hàng thực phẩm và nói với cô cửa hàng, ’cô đừng gạch tên mẹ cháu, em cháu’. Nhiều người khen cảnh ấy tôi diễn tốt, nhưng thực sự tôi chỉ diễn theo lời bác Hải Ninh thôi, tôi chẳng hiểu gì. Tôi còn quá nhỏ để hiểu hết. Tôi không ngờ, câu chuyện ấy đã vận vào cuộc đời tôi sau này…

…Khi con gái tôi 5 tuổi, vợ chồng tôi ly thân, con gái ra nước ngoài sống với bố vì tôi khi ấy quá nghèo khổ, vất vả. Thời gian đó, chuyện hộ khẩu quản lý rất chặt. Tôi đã phải nỗ lực, cố gắng rất nhiều để tên con gái tôi vẫn có trong hộ khẩu gia đình đến tận bây giờ. Chỉ là cái tên trong cuốn sổ hộ khẩu, nhưng tôi có cảm giác khi tên con gái còn ở đó, nghĩa là cháu chỉ đi công tác xa đâu đó thôi, và cháu sắp về.

 

Lúc ấy ngồi xem lại "Em bé Hà Nội" - tôi mới thấm thía cảnh Ngọc Hà khóc và nói với cô cửa hàng thực phẩm, ’cô đừng gạch tên mẹ cháu, em cháu’. Gạch tên có nghĩa mẹ đã chết, em đã chết. Còn tên ở đó nghĩa là mẹ và em chỉ đi đâu đó, lạc đâu đó thôi, và sẽ sớm trở về” - NSND Lan Hương xúc động kể.
 
Chính những câu chuyện cuộc đời đã khiến vai diễn "Em bé Hà Nội" vượt qua 40 năm thời gian để lắng đọng kỷ niệm, để chắt chiu cảm xúc, để mãi mãi là một dấu ấn đẹp trong cuộc đời của NSND Lan Hương.

Theo Dân Trí