Chuyên gia “mổ xẻ” việc tăng giá nước sạch

Google News

(Kiến Thức) - Chuyên gia cho rằng, Nhà nước cần kiểm soát việc tăng giá nước sạch để phù hợp với điều kiện kinh tế sản xuất.

Việc Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội dự kiến tăng giá nước phục vụ sinh hoạt lên hơn 4.000 đồng/m3, giá nước phục vụ kinh doanh lên hơn 14.000 đồng/m3 từ ngày 1/10 tới, đang thu hút sự quan tâm của dư luận.
Lần tăng giá nước sạch gần đây nhất tại Hà Nội là từ năm 2010. Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội - ông Nguyễn Như Hải cho báo giới biết, sau 3 năm tăng giá đến nay, các chi phí đầu vào đã tăng rất nhiều như lương tối thiểu vùng tăng từ 800.000 đồng/tháng lên đến hơn 2 triệu đồng/tháng, tiền điện bình quân tăng từ hơn 948 đồng/kWh lên hơn 1.500 đồng/kWh. Bên cạnh đó, thuế tài nguyên tăng từ 0,5% lên 3%, phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp, chi phí dịch vụ môi trường rừng, chi phí an toàn vệ sinh đều tăng. Trong khi đó giá bán nước sạch trên địa bàn thành phố để phục vụ sinh hoạt chỉ 4.000 đồng/m3; giá bán nước cho đơn vị sản xuất vật chất là 7.000 đồng/m3. Với những lý do trên, hằng năm Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội thường lỗ rất lớn ở lĩnh vực kinh doanh nước sạch. Nếu cứ theo giá bán nước trên, công ty sẽ lỗ khoảng 185 tỷ đồng trong năm 2013.
Trao đổi với Kiến Thức về vấn đề này, TS Ngô Trí Long - Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu giá cả (Bộ Tài chính) cho biết, nước sạch là một mặt hàng độc quyền vì thế Nhà nước cần kiểm soát việc tăng giá nước sạch cũng như giá cả của mặt hàng này sao cho phù hợp với điều kiện kinh tế sản xuất và không gây lo ngại trong dân. "Chính vì nước sạch là mặt hàng độc quyền nên cần thiết phải đảm bảo đủ chi phí cho công ty nước sạch thì đơn vị này mới có thể tồn tại được. Tuy nhiên, Nhà nước cũng cần kiểm soát chi phí này", ông Long phân tích.
Nhiều ý kiến của các chuyên gia khác cũng đồng tình với ông Long về việc Nhà nước nên kiểm soát giá cả mặt hàng này.
Tuy nhiên, theo ông Long, việc Công ty Nước sạch Hà Nội đưa ra những lý do dẫn tới việc tăng giá nước sạch có thể là hợp lý nếu những chi phí đầu ra không bù đắp đủ cho những chi phí đầu vào, tức là có khoản lỗ khi giá nước sạch thấp hơn so với giá thành sản xuất. "Nếu những lý do này là chính xác, hợp lý thì việc tăng giá nước sạch là điều hoàn toàn dễ hiểu. Việc tăng giá nước sạch theo lộ trình cũng giúp người dân đỡ bỡ ngỡ, không ảnh hưởng tới khả năng chi trả của người dân", ông Long nhận định.
Hà Nội sẽ tăng giá nước sạch từ tháng 10/2013. Ảnh minh họa: Internet.
TS Ngô Trí Long cho biết thêm, nước là nguồn tài nguyên rất cần thiết đối với cuộc sống, vì thế tiết kiệm nước là hành động luôn được các cơ quan chức năng khuyến khích. Có thể việc tăng giá nước sẽ giúp cho người dân có ý thức tiết kiệm nguồn tài nguyên này hơn.
Trước thông tin tăng giá nước sạch, ông Nguyễn Sang (ở Mễ Trì Thượng, Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: "Bình quân gia đình tôi phải trả chi phí nước sạch 150.000 đồng/tháng, với mức tăng này cũng không ảnh hưởng nhiều tới khả năng chi trả. Điều tôi quan tâm là chất lượng nước sạch, có phù hợp với việc tăng giá hay không? Nếu chất lượng nước đảm bảo thì việc tăng giá đối với tôi không thành vấn đề".
Tuy nhiên, với những đối tượng như sinh viên, người đi thuê nhà trọ thì đây cũng là cả một vấn đề không nhỏ. Bạn Lê Mai (sinh viên Trường ĐH Thương mại) tỏ ra lo ngại: "Hiện tại chủ nhà trọ đang thu 20.000 đồng/m3 nước, bình quân một tháng bọn em phải chi trả 100.000 đồng/người/tháng. Nếu giá nước tăng lần này em lo ngại chủ nhà trọ sẽ lại tăng giá nước mạnh hơn".
Về vấn đề này, ông Nguyễn Như Hải - Giám đốc Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội thừa nhận, việc tăng giá lần này cũng là cớ để các nhà trọ tăng giá thuê nhà cũng như tăng giá nước đối với sinh viên, người lao động thuê nhà. "Phía công ty nước sạch sẽ tạo mọi điều kiện để những đối tượng sinh viên thuê trọ được hưởng giá dịch vụ sinh hoạt ở mức thấp nhất", ông Hải khẳng định với báo giới.
Lộ trình phương án điều chỉnh giá tiêu thụ nước sạch từ năm 2013 - 2015 như sau:
Năm 2013: mức giá nước sạch thấp nhất phục vụ cho sinh hoạt là 4.797 đồng/m3 (tăng 19,93% so với năm trước); mức giá cao nhất là giá nước phục vụ kinh doanh dịch vụ 16.258 đồng/m3 (tăng 35,48% so với năm trước).
Năm 2014: mức giá nước thấp nhất phục vụ sinh hoạt 5.773 đồng/m3 (tăng 20,35% so với năm trước); mức giá cao nhất là giá nước phục vụ kinh doanh dịch vụ 21.094 đồng (tăng 29,75% so với năm trước).
Năm 2015: mức giá nước thấp nhất phục vụ sinh hoạt 5.973 đồng/m3 (tăng 18,98% so với năm trước); mức giá cao nhất là giá nước phục vụ kinh doanh dịch vụ 22.068 đồng/m3 (tăng 20,31% so với năm trước).
Các mức giá trên đã gồm thuế và phí bảo vệ môi trường.
Hải Sơn

BÌNH LUẬN CỦA ĐỘC GIẢ

quanghung41255@gmail.com -

Đưa dự toán đơn giá công khai lên để minh bạch !
Đưa dự toán đơn giá công khai lên để minh bạch!

Hiển thị thêm bình luận