Từ năm 1968, các chỉ huy phòng không Việt Nam đã dự kiến chính xác đường bay của B-52 khi nó ra đánh phá Hà Nội và Hải Phòng ồ ạt. Tuy nhiên trong thực tế chiến dịch 12 ngày đêm, lực lượng phòng không Hải Phòng bắn rơi được 4 máy bay B-52. Trong khi đó Hà Nội bắn rơi 25 chiếc B-52.
|
Cảnh phóng một tên lửa SAM-2. Ảnh minh họa. |
Trong cuốn hồi ký “Bảo vệ bầu trời”, trung tướng Nguyễn Xuân Mậu (trong kháng chiến chống Mỹ là phó tư lệnh quân chủng phòng không – không quân) nhớ lại: “Tôi vẫn nhớ rõ căn phòng của đồng chí Đặng Tính, hay nói đúng hơn là căn lán dã chiến được làm bằng những tấm cót ép, lợp vải bạt. Chính từ căn lán như thế và quây quần xung quanh đĩa sắn nướng, chúng tôi đã bắt đầu phác thảo kế hoạch đánh trả một cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B-52 của đế quốc Mỹ vào Hà Nội. Một bản kế hoạch dùng cho 5 năm sau. Tất nhiên, so với bản kế hoạch trực tiếp chuẩn bị cho chiến dịch 12 ngày đêm sau này thì bản kế hoạch tháng 2 năm 1968 còn đơn giản lắm”.
Bản kế hoạch ra đời có thể nói là một nét độc đáo trong nghệ thuật quân sự của Việt Nam. Bởi lẽ, cho đến lúc bấy giờ ngay cả phía Mỹ cũng chưa có chút manh nha gì về kế hoạch tấn công miền Bắc ồ ạt bằng B52.
Bản kế hoạch tuy rất sơ lược nhưng đã dự đoán được các hướng tấn công của kẻ địch. Đối với Hà Nội, các “tác giả” bản kế hoạch dự kiến địch sẽ bay vào theo 5 hướng là từ Tây Bắc xuống, từ Tây Nam vào, từ Nam lên, từ Đông Nam lên, từ Đông Bắc xuống. Thực tế sau này trong 12 ngày đêm vào đánh phá Hà Nội, 70% máy bay địch bay vào từ hướng Tây Bắc để lợi dụng địa hình địa vật.
Riêng ở Hải Phòng thì bản kế hoạch không những dự kiến chính xác 100% hướng tấn công của địch mà còn “tiên tri” rất tài tình về lực lượng của ta phòng thủ Hải Phòng. Ngay từ lúc ấy ta đã dự kiến địch sẽ bay theo 2 đường là từ Đông Bắc xuống theo cửa sông Nam Triệu và từ Đông Nam lên theo cửa sông Văn Úc để đánh Hải Phòng”.
Thực tế sau này các hướng tiến công chính của máy bay Mỹ đều trùng khớp với sự tiên liệu. Bên cạnh đó, lực lượng tên lửa của ta ở Hà Nội và Hải Phòng là bằng nhau. Bước vào chiến dịch, Hà Nội có 2 trung đoàn tên lửa là 257 và 261 của sư đoàn 361, còn Hải Phòng có 2 trung đoàn tên lửa là 238 và 285. Mỗi trung đoàn tên lửa có 4 tiểu đoàn hỏa lực và 1 tiểu đoàn kỹ thuật.
Tuy nhiên về sau 2 tiểu đoàn của trung đoàn 285 được điều lên tăng cường cho Hà Nội nên ở Hải Phòng chỉ còn 6 tiểu đoàn. Mặt khác một tiểu đoàn trong số 6 tiểu đoàn còn lại đang phải bảo dưỡng định kỳ nên Hải Phòng chỉ còn 5 tiểu đoàn.
|
Tiểu đoàn 77, trung đoàn tên lửa 257 cơ động chiếm trận địa. |
Như vậy, so về số tiểu đoàn tên lửa thì ở Hà Nội gấp đôi lực lượng ở Hải Phòng (10 so với 5). Nhưng so về thành tích thì Hà Nội gấp 6 lần Hải Phòng.
Gần đây, khi xuất bản bút ký “Cuộc đối đầu không cân sức”, Trung tướng Phan Thu đã nêu lên một số nguyên do để trả lời cho câu chuyện này. Theo tướng Phan Thu, máy bay B-52 khi đánh vào Hà Nội xuất hiện nhiều điểm yếu hơn so với khi đánh vào Hải Phòng. Những điểm yếu đó chúng ta đã tận dụng được và làm sâu sắc hơn khiến B-52 không kịp xoay sở. Trong khi B-52 vào đánh Hải Phòng lại không xuất hiện những điểm yếu đó hoặc nếu có thì không rõ ràng.
Thứ nhất, khi đánh Hải Phòng, B-52 được các máy bay EC-121, EA6A và hạm tàu gây nhiễu ngoài đội hình yểm hộ mạnh hơn nên cường độ nhiễu mạnh hơn. Nhiễu quá nặng khiến ta khó bắt được B-52 để đánh bằng phương pháp bắn đón. Nhiễu B-52 lại trùng khớp với nhiễu ngoài đội hình cả về góc tà và phương vị khiến ta không phân biệt được dải nhiễu ngoài đội hình và nhiễu trong đội hình nên khó chọn đúng dải nhiễu B-52 để đánh bằng phương pháp 3 điểm. Thêm nữa ở Hà Nội có 2 tiểu đoàn được trang bị radar K8-60 không bị B-52 gây nhiễu còn ở Hải Phòng thì không có.
Thứ hai là đường bay của B-52 khi đánh Hải Phòng vào cũng nhanh mà ra cũng nhanh và hầu hết là trên biển nên rất khó triển khai cách đánh theo “Cẩm nang đánh B-52”. Trong khi đó B-52 vào đánh Hà Nội thì đúng như ta dự đoán và nó phải bay một đoạn dài trên đất Thái Lan nên ta có nhiều thời gian chuẩn bị hơn.
Mặt khác, Hà Nội cũng có những điều kiện thiên thời địa lợi tốt hơn. Khi đánh Hà Nội, B-52 không được thiên thời ủng hộ vì Hà Nội ở sâu trong đất liền, B-52 càng bay vào sâu thì góc tà của nó càng nâng cao lên nên đã thoát ra khỏi sự yểm hộ của các máy gây nhiễu ngoài đội hình của hạm tàu và các máy bay khác. Lúc này B-52 chỉ còn dựa được vào máy gây nhiễu của bản thân mà thôi.
Khi dải nhiễu của B-52 đã thoát ra khỏi dải nhiễu ngoài đội hình mà đội hình bay của tốp B-52 lại rộng hơn so với đội hình bay của các cường kích nên dải nhiễu của B-52 thường bị tách biệt ra, hiện lên màn hiện sóng rõ và gọn hơn. Trong trường hợp đó, chỉ cần chọn dải nhiễu góc tà hoặc điểm ngắm của dải nhiễu góc tà sao cho phù hợp với dải nhiễu góc phương vị để thống nhất vào một chiếc B-52 mà thôi.
Nam Khánh