Kế hoạch góp phần kết liễu “pháo đài bay” B-52

Google News

(Kiến Thức) - Từ đầu tháng 6/1972, Bộ Tổng tham mưu có chỉ thị cho toàn quân: ... sẵn sàng đối phó với đợt leo thang chiến tranh cao nhất của đế quốc Mỹ...

Từ đầu tháng 6/1972, Bộ Tổng tham mưu đã có chỉ thị cho toàn quân: Tập trung mọi lực lượng, sẵn sàng đối phó với đợt leo thang chiến tranh cao nhất của đế quốc Mỹ; khẳng định địch sẽ tập trung đánh phá vào Hà Nội, Hải Phòng và phải có kế hoạch chuẩn bị để đánh thắng B-52... 
Những số liệu và tin tức sống
Quán triệt tinh thần trên, Thủ trưởng C2 chỉ thị cho các cơ quan chức năng tập trung vào nhiệm vụ đặc biệt này. Cán bộ đi hỏi cung từng tên giặc lái, từng nhóm và một số sĩ quan có trình độ cấp chiến dịch, một số có hiểu nhiều về chiến thuật... 
Và chỉ cần hỏi một số sĩ quan cấp tá lái F4, F105 mới bị bắt, một số chỉ huy cấp đại đội đến trung đoàn bay, ta đã có tài liệu khá đầy đủ về tính năng, đặc điểm của máy bay B-52, ưu điểm và nhược điểm của nó; các trang bị kỹ thuật điện tử, khả năng mang bom và loại bom; đội hình cơ bản một tốp máy bay và một biên đội máy bay B-52; cơ cấu thành phần một trận tập kích B-52 vào một mục tiêu và khu vực mục tiêu (dự kiến mục tiêu ở Hà Nội, Hải Phòng); đường bay từ các hướng (Nhật, Guam, Thái Lan) đến Việt Nam vào Hà Nội; khu vực tiếp dầu, sở chỉ huy trên không; đội hình triển khai tập kích ném bom vào mục tiêu; đường rút lui... một số ý kiến và cách đánh của ta và phát hiện địch từ xa...
Kết quả là, ta đã thu thập được nhiều số liệu và tin tức sống, phục vụ cho lãnh đạo, chỉ huy, cho các quân chủng để bổ sung hoàn thiện phương án tác chiến mà các đơn vị đã dầy công nghiên cứu, xây dựng, trong quá trình chuẩn bị chiến dịch...
Xác máy bay B52 trên hồ Hồ Hữu Tiệp - phường Ngọc Hà, Hà Nội. 
Nghiên cứu chuyên đề đặc biệt
Rồi một hôm, đồng chí Mạc Lâm được gọi lên phòng làm việc của Chỉ huy Cục tại nơi sơ tán. Bước vào phòng, ông ngạc nhiên vì đã thấy Bộ trưởng Bộ Quốc phòng - Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp ngồi tại đây. Sau khi hỏi thăm sức khoẻ, Đại tướng hỏi ông tình hình mới nhất, nhất là nguồn tin của ông báo cáo "B-52 sẽ đánh vào Hà Nội trong thời gian tới". Đại tướng hỏi kỹ về lực lượng không quân chiến lược, điểm manh, điểm yếu của B-52; có gì còn chưa nói ra được trong báo cáo. Đại tướng hỏi rất nhẹ nhàng nhưng rất tình tiết, hình như bắt ông khẳng định lại điều đó... 
Sau cuộc gặp, đồng chí Nguyễn Thanh giao cho ông tiếp tục thu nhập tin và cần có một báo cáo bổ sung thêm, báo cáo đặc biệt. Cũng vào đầu tháng 6/1972, C2 giao cho ông cùng bộ phận nghiên cứu đế quốc Mỹ chuẩn bị chuyên đề đặc biệt  "Đánh giá đợt leo thang cao nhất về cuộc chiến tranh phá hoại của không quân, hải quân Mỹ trên miền Bắc, trong đó, nội dung chính là đánh giá lực lượng không quân chiến lược của đế quốc Mỹ và dự kiến cuộc tập kích bằng máy bay B-52 vào Hà Nội". Rồi ông được Cục trưởng chỉ định sẽ tham gia Hội nghị đặc biệt của Bộ Tổng Tham mưu bàn về chuyên đề đánh B-52 được tiến hành vào ngày 6/7/1972.
Tại Hội nghị, ông báo cáo toàn bộ tình hình địch... trình bày, giải đáp một số câu hỏi mà hội nghị đề ra... Các đại biểu đề xuất nhiều biện pháp sẽ được triển khai trên tinh thần khẩn trương để đối phó kịp thời trong mọi tình huống. Sau cuộc họp Tổng Tham mưu phó Phùng Thế Tài căn dặn cán bộ C2 phải cảnh giác và cần bổ sung tiếp trong quá trình triển khai kế hoạch, nhất là đối với bộ đội không quân và tên lửa.
Các tháng sau đó, Cục 2 lại thu thập được nhiều tin mới, các dấu hiệu, động thái về sự chuẩn bị cho cuộc tập kích B-52 ngày càng rõ thêm, đặc biệt là sự chuẩn bị về công tác hiệp đồng của không quân chiến lược với một số đơn vị ở Thái Lan đã được tiết lộ...
Diễn biến của chiến dịch phòng không Hà Nội 12 ngày đêm gần giống những gì mà hội nghị đã dự báo. Những vấn đề mà C2 nắm được về B-52 Mỹ hoàn toàn chính xác. Chúng ta đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của tất cả các quân binh chủng, các lực lượng cho trận thắng này và cán bộ C2 đã có đóng góp quan trọng vào kết quả đó.
TS Nguyễn Thành Hữu