Một số tài liệu khoa học chia đồng thành 4 loại, gồm đồng đỏ, đồng thau, hợp kim đồng gạch niken và đồng đen. Đồng đen là hợp kim của đồng và thiếc, đôi lúc có cả kẽm, dùng để đúc tượng. Nhiều kim loại gặp lạnh thì co lại, nhưng đồng đen gặp lạnh lại nở ra. Đồng đen có khả năng chống mài mòn cao nên còn dùng để chế tạo các ổ bi.
Một tài liệu khác thì nói, đồng đen chính là đồng đỏ nguyên chất pha với thiếc, lân tinh, măng gan, nhôm, silicon. Tiếng Anh gọi là bronze. Loại hợp chất gọi là đồng đen này dễ đúc hơn, cứng cáp hơn, bớt nặng nề, bớt han gỉ hơn. Những kim loại trên rất dễ kiếm để pha chế nên đồng đen rẻ hơn so với các loại đồng khác.
Chính vì có những ưu điểm đó nên trong lịch sử nhân loại có nhiều thời kỳ nở rộ phong trào chế tác và sử dụng đồng đen trong sinh hoạt. Ở khu vực Trung Đông còn có "Kỷ Nguyên Đồng Đen" bắt đầu khoảng 4.000 năm trước công nguyên. "Kỷ Nguyên Đồng Đen" kết thúc khi người ta tìm ra sắt, bởi sắt có nhiều ưu điểm hơn đồng đen. Như vậy, có thể thấy, đồng đen không có giá trị như người ta vẫn tưởng tượng.
Một số tài liệu khác khẳng định, đồng đen là một hợp kim có thành phần là đồng, chì, thiếc, vàng, cùng một số kim loại khác nữa. Để đồng đen có giá trị thì việc pha chế tỷ lệ phải hợp lý, tuy nhiên, chưa có tài liệu nào hướng dẫn pha chế cho đúng tỷ lệ.
Một chuyên gia buôn đồ cổ rất nổi tiếng ở Hà Nội mà tôi quen biết cũng đã bỏ khá nhiều công sức và thời gian để nghiên cứu về đồng đen kể rằng: "Kể ra chưa chắc cậu đã tin, nhưng tôi đã tận mắt xem thỏi đồng đen chỉ nhỏ bằng bao thuốc lá, nhưng cảm giác rất nặng, có lẽ phải đến 3kg. Thỏi đồng đen đó nặng là vậy, nhưng khi thả vào chậu nước bằng sắt (phải bằng sắt chứ không phải nhôm hoặc thiếc) thì không chìm xuống đáy mà cứ lơ lửng. Nếu cọ nhẫn vàng thật vào thì màu vàng sẽ biến thành màu trắng như nhôm. Chạm vào nó rồi, người cứ mệt lử lừ mấy ngày mới hết (?!)".
|
Khối kim loại giả đồng đen. |
Cũng theo "chuyên gia đồ cổ" này, việc mua bán đồng đen là vô cùng thần bí, nó như có tâm linh và biết chọn người để cho hưởng lộc. Nhiều người tán gia bại sản vì nó song cũng có người phất lên nhờ nó. Người không có số thì dù cầm trên tay, tiền chồng bao tải cũng không mua được (?!). Nghe "chuyên gia đồ cổ" này kể cũng thấy lạ, song những chuyện nghe như huyền thoại về đồng đen tác giả đã nghe quá nhiều.
Một vài nguồn cứ liệu nước ngoài thì nói đồng đen chính là những thỏi uranium hàm lượng thấp mà quân đội Mỹ sử dụng phổ biến trong các thiết bị quân sự, hàng không, vũ trụ. Cũng theo nguồn cứ liệu này, đồng đen chỉ có ở một số nước như Việt Nam, Lào, Thái Lan, Myanmar. Không phải đồng đen có ở khắp nơi mà theo một vệt bắt đầu từ Nghệ An, Hà Tĩnh kéo về phía Tây qua các nước trên.
Cơ quan Hàng không vũ trụ NASA là thị trường thu mua đồng đen cuối cùng qua các tay môi giới Thái Lan với giá hàng triệu hoặc chục triệu USD một thỏi chỉ bằng nắm tay. Phải chăng vì thế mà đồng đen rất đắt?. Tuy nhiên, có thể nguồn cứ liệu mang tính không chính thức này cũng chỉ là chép lại từ những lời đồn do giới lừa đảo tung ra.
|
Pho tượng được đồn thổi là đồng đen trong đền Quán Thánh. |
Đồng đen cũng được nhắc đến khá nhiều trong lịch sử, nổi tiếng nhất là Sự tích Hồ Tây. Chuyện rằng, vào thời nhà Lý, thế kỷ thứ 13, ở thành Đại La có một nhà sư pháp thuật cao cường tên là Không Lộ. Tục truyền, sư Không Lộ là vị Thần của nhà Trời giáng xuống nước Việt để cứu dân độ thế.
Thời đó, nước Việt đang thiếu thốn đồng và sắt. Bao nhiêu quý kim đã bị người Tầu vơ vét chở về phương Bắc, sau cả ngàn năm đô hộ.
Một ngày kia, sư Không Lộ lên đường sang Trung Quốc, mang theo một cái túi nhỏ. Nhà sư yết kiến vua nhà Tống, xin một ít kim khí đựng vào túi vải nhỏ đem về đúc thành tượng Phật.
Thấy cái túi nhỏ của nhà sư, vua Tống không ngần ngại sai vị quan quản lý ngân khố quốc gia đưa sư Không Lộ vào tận kho, cho chọn lựa tùy thích vàng hay đồng, miễn là chỉ đựng đầy túi thôi.
Vừa bước vào kho, sư Không Lộ trông thấy một con trâu to lớn hơn trâu thật đúc bằng vàng ròng. Trâu vàng đứng nghênh ngang như muốn canh giữ kho vua. Ở gian chính giữa có cất giữ một số kim khí quý hiếm hơn vàng, gọi là đồng đen.
Sư Không Lộ làm phép thâu tóm quá nửa số đồng đen trong kho vàng bạc của vua Tống vào túi. Viên quan hoảng hốt trước pháp thuật tài tình của vị sư liền bắt nhà sư phải trả lại số đồng đen quý giá đó. Sư Không Lộ nhắc lại chuyện nhà vua cho phép ngài được chọn bất cứ thứ gì, miễn là không chứa đầy quá cái túi vải bé nhỏ của ngài.
Viên quan không biết làm sao bèn chạy đi báo tin cho vua Tống. Vua Tống nổi giận, ra lệnh chém đầu nhà sư nước Nam nhỏ bé. Nhà sư Không Lộ đã thoát khỏi kho báu vật, vượt qua hoàng thành, phía sau là quan quân, người ngựa truy đuổi. Gặp dòng sông rộng, sư Không Lộ tháo chiếc nón tu, thả xuống dòng nước hóa phép thành thuyền, rồi đề khí lướt đi trên sóng. Đám quan quân nhìn thấy pháp thuật phi thường của sư Không Lộ thì đành chịu thua.
Trở về nước, sư Không Lộ tập hợp thợ rèn trứ danh cả nước đúc cái chuông đồng đen hình hoa sen hé nở. Để đúc được chuông lớn, nhà sư nghĩ ra cách nấu chảy đồng đen, đổ vào một cái khuôn hình chuông, bằng đất sét. Phương pháp đúc đồng mới này đã thành công.
|
Những cổ vật được đồn thổi là đồng đen của một sư thầy ở TP.HCM. Ảnh internet |
Vào ngày lễ khánh thành chuông đồng đen, sư Không Lộ cầm chày đánh. Kỳ lạ thay, tiếng chuông đồng đen vang xa, rung động đến ngàn vạn dặm. Con trâu vàng ở kho của cải của vua Tống nghe thấy tiếng chuông bỗng co cẳng chạy về phương Nam.
Thấy trâu vàng chạy đến, nhà sư ngừng đánh chuông, vì e rằng vàng bạc bên Trung Quốc sẽ theo nhau về nước Việt, gây nên mâu thuẫn trầm trọng giữa hai nước, khiến Trung Quốc lại có cớ xâm lăng phương Nam.
Sư Không Lộ bèn lăn chuông xuống Hồ Tây. Chuông đồng đen rung vang một lần cuối cùng trước khi rơi xuống nước, con trâu vàng cũng nhảy xuống Hồ Tây và biến mất dưới đáy hồ. Sau đó, sư Không Lộ trở về Trời.
Những người thợ rèn nước Việt đã dựng một ngôi đền thờ bên cạnh Hồ Tây để nhớ ơn nhà sư Không Lộ đã dạy cho họ phương pháp đúc đồng. Vua nhà Lý đã ban sắc phong tặng sư Không Lộ biệt danh là Thần Thợ Đúc.
Câu chuyện trên đây kể về đồng đen mang màu sắc truyền thuyết, nên giá trị của đồng đen thế nào, không thể dựa vào đó mà kết luận được. Hơn nữa, nếu có chuông đồng đen và tượng trâu vàng ở dưới Hồ Tây chắc người ta đã tát cạn để tìm cho bằng được rồi.
Tuy nhiên, có một ngôi tượng "đồng đen" mà hầu như người Hà Nội đều biết đến, đó là ngôi đại tượng ở Đền Quán Thánh, trên đường Thanh Niên, quay mặt ra Hồ Tây.
Trên nóc cổng đền có ba chữ "Trấn Vũ Quán", nghĩa là quán thờ Thánh Trấn Vũ. Theo sử sách, Thánh Trấn Vũ là hình tượng kết hợp giữa một nhân vật thần thoại Việt Nam (ông Thánh giúp An Dương Vương trừ ma quấy rối khi xây thành Cổ Loa) và nhân vật thần thoại Trung Quốc (một ông Thánh coi giữ phương Bắc).
Đền Quán Thánh được xây dựng vào thời vua Lý Thái Tổ (1010 - 1028). Năm 1893, đền được tu sửa như diện mạo ngày nay. Trong đền có pho tượng Thánh Trấn Vũ bằng đồng đen, đúc năm 1667. Tượng cao 3,96m, chu vi 3,48m, nặng 3,6 tấn.
Tượng có hình dáng người ngồi, y phục gọn gàng, tóc bỏ xõa, chân không giày dép, tay trái bắt quyết, tay phải chống gươm. Thân thanh gươm có rắn quấn và chống lên lưng rùa. Pho tượng mang dáng dấp một đạo sĩ. Có thể nói đây là một công trình nghệ thuật độc đáo đánh dấu kỹ thuật đúc đồng của người Hà Nội cách đây nhiều thế kỷ.
Như vậy, cả về truyền thuyết, lịch sử đều ghi chép pho tượng trong đền Quán Thánh và tượng đồng đen. Người đời cũng tin như vậy. Tuy nhiên, tôi đã thử mang gương đến bên tượng, song gương chẳng vỡ, đánh lửa đốt nhang cạnh tượng, lửa vẫn lên, chẳng thấy có phóng xạ gì.
Các nhà khoa học cũng đã nghiên cứu và khẳng định, pho tượng trong đền Quán Thánh là tượng đồng, được hun khói thành màu đen. Chỉ cần khoan một mũi vào pho tượng, thì sẽ làm phát lộ lớp đồng bên trong.
Trong quá trình kỳ công tìm hiểu từ giới lừa đảo đồng đen, tác giả phát hiện ra rằng họ cũng chẳng biết đồng đen là thứ gì. Những câu chuyện về đồng đen có tính phóng xạ khiến gương vỡ, lửa tắt, chỉ là những câu chuyện thần bí, bịa đặt mà giới lừa đảo dựng lên để bịp bợm, kiếm chác từ người ham của lạ, ham kiếm tiền mà thôi.