Theo quan niệm dân gian, đồng đen quý hơn vàng, có nhiều tính năng kỳ lạ như khi để gần bên thỏi đồng đen thì miếng vàng sẽ chuyển sang màu trắng, nặng hơn chì nhưng thả vào nước không chìm hẳn mà lơ lửng sát đáy. Đem áp đồng đen vào bật lửa bằng gas, que diêm thì không thể nào tạo ra lửa, áp lên thiết bị điện tử thì khiến các thiết bị này ngừng hoạt động… Cho đến nay, bản chất của đồng đen vẫn là một câu hỏi lớn với các nhà khoa học.
Tượng nghi đồng đen “phá sóng ra đa” ở Quảng Trị
Thôn Trà Liên Tây, thuộc xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị là nơi đang lưu giữ một pho tượng cổ được đồn đại là tượng đồng đen. Bức tượng này có niên đại gần 500 năm, tạc Thái phó Nguyễn Ư Dĩ - một nhân vật có thật trong lịch sử. Tên tuổi của ông gắn liền với sự kiện chúa Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa, bắt đầu hành trình mở mang bờ cõi Tổ quốc về phía Nam của các chúa Nguyễn và vương triều nhà Nguyễn sau này.
Người dân đã đúc tượng thờ Thái phó Nguyễn Ư Dĩ vì xem ông là vị thần linh nghiệm, luôn có mặt đúng lúc ra tay giúp đỡ dân nghèo.
Tượng được làm bằng kim loại có màu cánh gián, tạc ở tư thế ngồi trên ghế thấp, hai chân gấp khuỷu hơi dang ra. Khuôn mặt chữ điền, mắt nhìn xuống, mũi cao, môi mỏng, cằm vuông, râu dài, dái tai rộng, đầu đội mũ quan hai lớp, chân đi hia chỉ để lộ phần mũi.
|
Bức tượng thiêng ở Quảng Trị. Ảnh: Tiền Phong.
|
Toàn thân tượng khoác áo choàng rộng phủ từ vai xuống vắt trùm cả hai chân. Hai tay vòng phía trước bụng khuất trong vạt áo choàng chỉ để hở một ngón tay cái của bàn tay phải. Phần bụng để hở to, tròn. Trên ngực có một dãi đai vòng. Trọng lượng pho tượng hơn 300 kg.
Theo lời kể của dân địa phương, năm 1972, một đơn vị bộ đội ra đa về đóng doanh trại ngay bên cạnh vị trí đặt pho tượng. Chẳng hiểu vì lý do gì mà từ lúc đến đây hệ thống máy móc của đơn vị này không bắt được sóng, sửa mãi không xong nên các anh đành phải dời đến đóng trại ở địa phương khác thì chuyện bắt sóng lại trở nên dễ dàng? Người ta cho rằng người xưa đã dùng đồng đen để đúc tượng quan Thái phó vì vậy mà pho tượng đã làm nhiễu sóng ra đa.
Do tin đồn về tượng quý mà pho tượng đã nhiều lần bị kẻ gian đánh cắp. Vào năm 1975, pho tượng bị kẻ gian đánh cắp và chôn ở giấu ở bờ sông nhưng dân làng đã tìm lại được. Năm 1989, do không thể mang tượng đi, kẻ gian đã cưa mất hai dải bách trên chiếc mũ của pho tượng.
Từ đó, dân làng Trà Liên xây kín ba mặt của nhà thờ tượng, chỉ để lại một phần nhỏ mặt tiền, rồi cử hẳn ông từ của làng canh gác hàng ngày.
Tượng Phật đồng đen kỳ lạ ở Hải Dương
Vào thập niên 1970, vợ chồng bà Điếm ở Thôn Trại Sen, phường Văn An, thị xã Chí Linh làm rẫy cạnh tàn tích của một ngôi chùa cổ nổi tiếng là chùa Vân Tiên, một trong “Chí Linh bát cổ” của đất Hải Dương.
Thiện căn, sùng Phật nên bà đã mở lối lên chùa, bỏ công sức dọn dẹp đống hoang tàn và đều đặn lên đó khói hương. Một hôm, vợ chồng bà đang làm việc dưới vườn nhà thì giật mình khi thấy có tiếng động ở cột tháp gần nền chùa cổ. Khi ông bà tới nơi, một nhóm người đang hì hục đào bới dưới chân tháp vội vàng bỏ chạy, bỏ lại đống đồ nghề là cuốc, thuổng, xẻng, choòng… Thì ra chúng là những tên chuyên săn tìm cổ vật.
Vợ chồng bà phát hiện thấy cột tháp đã bị phường đạo tặc đào tận gốc theo kiểu hàm ếch, nghiêng gần đổ. Vợ chồng bà bảo nhau xúc đất, kèn đá để dựng tháp lại như cũ. Trong quá trình đó, những báu vật đã lộ ra từ dưới chân tháp. Đó là hai pho tượng có màu đen thẫm, bóng loáng, gồm tượng Phật Thích Ca và tượng Phật A Di Đà. Tượng Phật Thích Ca cao 40cm còn tượng Phật A Di Đà là 35cm và cả hai đều nặng tới gần chục ký.
|
Bà Điếm và một bức tượng Phật. Ảnh: Nông thôn ngày nay.
|
Vợ chồng bà Điếm lấy làm lạ khi thấy những bức tượng này nặng hơn rất nhiều so với dáng vẻ bể ngoài. Bên cạnh đó, tượng nằm trong đất bao nhiêu năm rồi mà không hề hoen ố, bề ngoài vẫn đen thẫm, bóng loáng như hàng ngày vẫn được cọ lau nên mọi người nghĩ tượng phải được làm từ thứ vật liệu gì đó đặc biệt.
Bà Điếm kể, khi rước các “ngài” về nhà, bà không nghĩ đó là khối tài sản khổng lồ mà chỉ đơn giản, đức Phật nhờ bà trông coi thì bà phải hoàn thành nhiệm vụ, khi nào chùa được trùng tu thì bà sẽ đem trả lại.
Thế nhưng khi biết chuyện, cánh buôn đồ cổ đã lũ lượt tìm đến gạ gẫm bà chuyện bán chác. Nhiều người còn chồng cả một khoản tiền lớn đến độ cả đời bà nằm mơ cũng không thể hình dung. Bà đoán chắc các “ngài” được làm từ đồng đen, vì chỉ có thứ kim loại đó người ta mới sẵn sàng đánh đổi số tiền khủng khiếp đến thế. Sự đeo bám của giới săn đồ cổ khiến gia đình bà Điếm gặp nhiều bận nguy nan, khốn khổ, có lúc phải bỏ nhà đi để bảo vệ tượng. Chỉ sau khi chủ động tung tin rằng mình đã bán pho tượng, gia đình bà mới được yên ổn.
Giờ đây, hai pho tượng quý do bà Điếm phát hiện đã nhận được sự quan tâm của chính quyền địa phương. Vào năm 2004, bà đã có cam kết với các cơ quan quản lý văn hóa, di tích Hải Dương về việc trông coi bảo quản 2 pho tượng này. Theo cam kết đó, nếu để mất mát, hư hỏng, bà sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm và bà sẽ phải trao lại 2 pho tượng trên khi chùa Huyền Thiên được tôn tạo xong.
"Kho báu đồng đen" gây xôn xao ở TP. HCM
Thời gian gần đây, giới chơi đồ cổ ở TP HCM đã râm ran thông tin về một ngôi chùa cổ ở quận Bình Tân đang lưu giữ những cổ vật bằng đồng đen vô cùng giá trị. Người ta rỉ tai nhau rằng những pho tượng làm bằng thứ kim loại quý hơn vàng ấy là vật báu mà các tổ sư của ngôi cổ tự truyền cho các thế hệ hậu nhân.
Có người quả quyết chỉ cần ngắt một mẩu nhỏ trong kho báu thì vị sư trụ trì hiện tại có thể mua hàng trăm lô đất… Nhưng do tiền nhân truyền dặn "không được bán quốc bảo" nên dẫu đang hành đạo tại ngôi chùa cấp 4 xập xệ, vị trụ trì không dám trái lời.
Ngôi chùa mà thiên hạ đồn đại đó là Minh Quang Tự, nằm sâu trong con hẻm ngoằn ngoèo ở khu phố 1, phường Tân Tạo, quận Bình Tân. Vị sư trụ trì là sư thầy Minh Quang, có biệt tài bốc mạch kê đơn chuyên khám chữa bệnh cho người nghèo. Trên thực tế, đây không phải chùa cổ mà được chính tay thầy Minh Quang xây dựng vào năm 1992.
Theo lời kể của sư thầy, khi đào sâu vào lòng đất, ở độ sâu 3m, thầy tiến hành đóng cừ làm móng và đụng vật cản cứ ngỡ là đá nhưng khi moi lên mới biết đó là chiếc bình tích khắc chữ Tàu dịch tiếng Việt là Minh Mạng Vương. Chiếc bình cao khoảng 11cm, nặng 700gam, màu đồng, khắc cảnh sông nước ôm quanh ngôi cổ tự nằm trên sóng gió lồng lộng.
|
Sư thầy Minh Quang và tượng cặp gà.
|
Sau khi moi được chiếc bình, thầy tiếp tục đóng cừ và lại đụng chướng ngại vật. Lần này là cặp gà trống cao 24cm lằm bằng kim loại màu đen, mỗi con nặng 1,1kg. Cặp gà được tạo hình với đuôi uốn cong như những chiếc lá, ngực ưỡn về phía trước, mắt có thần sắc. Dưới chân mỗi con gà là những đồng tiền với họa tiết sắc sảo, cùng 2 chữ "Sanh tài" bằng chữ Nho.
Cùng với cặp gà, sư thầy còn phát hiện pho tượng Phật cao 12cm, nặng 450gam, ngồi ở thế thiền định. Toàn thân pho tượng gõ nhẹ chỗ nào cũng phát ra âm thanh, càng gõ lên trên âm thanh càng vang, trong như tiếng chuông.
Theo sư thầy Minh Quang, chất liệu cặp gà, chiếc bình và pho tượng không phải bằng sắt, thiếc, đồng bởi nếu đúng như vậy thì khi nằm dưới đất sâu các món vật sẽ bị oxy hóa. Nhưng thầy không tin rằng đó là đồng đen mà chỉ là một hợp kim như sắt, đồng, chì, kẽm…
H.P (tổng hợp)