Uy danh vang lừng
Theo từ điển Wikipedia, trong phần viết về thiết tuyến quyền nói rằng: “Thiết tuyến quyền là một quyền thuật của Thiết Kiều Tam sáng tạo ra. Thiết Kiều Tam là một quyền sư nổi tiếng trong giới võ thuật Quảng Đông thời đó. Ông là đệ tử tâm đắc của hòa thượng Giác Nhân ở chùa Nam Thiếu Lâm (Bồ Điền – Phúc Kiến)”.
Trong từ điển bách khoa tri thức của mạng tìm kiếm Baidu cũng nói rằng: “Thiết Kiều Tam được xưng tán là Hồng quyền đại sư. Ông cùng với Hoàng Kỳ Anh, Tô Hắc Hổ, Vương Ẩn Lâm, Hoàng Trừng Khả, Châu Thái, Đàm Tế Quân, Lê Nhân Siêu, Trần Thiết Chí, Tô Xán được gọi là Quảng Đông thập hổ.
|
Một cảnh quay Thiết Kiều Tam (áo trắng) trong phim Quảng Đông thập hổ. |
Vốn dĩ Thiết Kiều Tam tên là Lương Khôn nguyên gốc là người ở huyện Nam Hải tỉnh Quảng Đông, sinh vào năm 1813 dưới triều đại Gia Khánh nhà Thanh. Từ nhỏ Lương Khôn đã ham mê võ nghệ và bái một danh thủ phái Thiếu Lâm là Lý Hồ Tử làm thầy. Đến năm 14, 15 tuổi, ông đã luyện được một thân võ nghệ cao cường hơn người. Sau đó, Lương Khôn lại có duyên gặp hòa thượng Giác Nhân của chùa Nam Thiếu Lâm (ở Bồ Điền – Phúc Kiến) và bái Giác Nhân làm sư phụ học thêm võ nghệ.
Lương Khôn chăm chỉ luyện tập lại luôn cung kính nên được sư phụ rất thương yêu và trong 7 năm truyền thụ cho hết võ nghệ. Nhờ nỗ lực không ngừng, võ công của ông đã đạt cảnh giới rất cao. Tương truyền, Lương Khôn ở chỗ hòa thượng Giác Nhân sở đắc được Thiết Tuyến Quyền, Tam Triển Quyền và Thiên Cân Trụy. Ông cũng luyện kiều thủ đến mức cứng rắn như thép, giống như sắt thép đúc thành khiến 10 người cũng không thể làm lay chuyển. Bởi thế người đời gọi ông là Thiết Kiều Tam mà không gọi tên thật.
Riêng môn thiết tuyến quyền, sau này Thiết Kiều Tam dạy cho Lâm Phúc Thành và chính Lâm Phúc Thành truyền dạy cho Hoàng Phi Hồng. Sau khi học được tuyệt kỹ này, Hoàng Phi Hồng đặc biệt coi trọng, thường nói rằng thiết tuyến quyền là vật chí bảo của Hồng gia quyền và dặn đệ tử ghi nhớ cẩn thận, chớ coi nhẹ mà truyền thụ bừa bãi ra ngoài.
Ân oán giang hồ vì một trận đấu
Giai thoại truyền lại rằng, một lần Kiều Tam đến dự tiệc ở nhà một người bạn. Ngồi bên cạnh ông là một vị giáo đầu (người sống bằng nghề dạy võ) tên là Hồ Hải. Ông này muốn chứng tỏ bản lĩnh nên đã thách đấu Thiết Kiều Tam. Khi cả hai bên vào tỉ thí, Kiều Tam chỉ phòng thủ bằng đôi tay của mình mà Hồ Hải cũng không có cách gì tiếp cận.
Khi Kiều Tam thấy có cơ hội liền tiến 3 bước chân, bất ngờ đột phá vào môn hộ của đối phương rồi hất tay một cái, Hồ Hải liền bị ngã lăn xuống đất. Nhưng Hồ Hải không bỏ cuộc liền dùng một chiêu “hắc hổ đào tâm” đánh vào Kiều Tam. Chẳng ngờ Kiều Tam đề phòng từ trước nên nhanh như chớp né khỏi bàn tay thiết trảo của địch rồi chỉ một chiêu “long mã dương đề” đá Hồ Hải văng ra.
Mọi người đều cười, Hồ Hải có vẻ xấu hổ nhưng không biết làm sao đành cay đắng bỏ đi. Trong đám đông có một người là sư đệ của Hồ Hải đi ra, giả vờ ngồi xuống trước mặt Thiết Kiều Tam, định xuất kỳ bất ý đánh thốc lên nhưng Kiều Tam vẫn ngồi vững như thép bất động.
Sau đó, Hồ Hải muốn trả thù Kiều Tam nên đi tìm một vị giáo đầu võ nghệ cao cường khác tên là Mã Nam và đặt điều nói rằng Thiết Kiều Tam ở sau lưng mắng Mã Nam là một con heo mập, không thể chịu nổi một đòn. Mã Nam giận dữ muốn đi tìm Thiết Kiều Tam tính sổ, Hồ Hải bèn vội vàng chạy đến trước Mã Nam bày một kế và Mã Nam sau đó cứ theo kế này thi hành.
Hôm đó, có một người đến tìm Thiết Kiều Tam, nói rằng Mã Nam phái anh ta tới mời Kiều Tam đi dự tiệc và trình ra một lá thư của Mã Nam. Trong khi nói chuyện, Kiều Tam thấy người đến đưa thư thần sắc hồi hộp, lời nói không tự nhiên nên biết bên trong chắc có gian trá. Ông cùng người đưa thư lên đường, đến bên sông, chỉ thấy một chiếc thuyền nhỏ đỗ ở đó, có một người lái thuyền đứng ở đằng sau thuyền. Người kia mời Kiều Tam mau chóng lên thuyền.
|
Quyền phổ chép lại bài Thiết tuyến quyền - di sản võ thuật của Thiết Kiều Tam. |
Khi lên thuyền, Thiết Kiều Tam thấy chiếc thuyền này có điều khả nghi nên âm thầm vận kình phát công lực. Chỉ thấy đầu thuyền từ từ chìm xuống, không mấy chốc đã chìm xuống dưới mặt nước.
Đột nhiên, Thiết Kiều Tam nghe thấy sau tai có tiếng gió ở một bên, ông liền nhấc chân đá một cái, người kia rơi xuống sông. Ngoảnh lại thì ra người đó chính là người đã đi mời Kiều Tam. Kiều Tam cười ha hả dùng một chiêu yến tử phiên thân bay lên bờ, khi quay đầu lại, chiếc thuyền nhỏ kia đã chìm xuống sông.
Vốn dĩ Hồ Hải và Mã Nam hai người tưởng rằng Thiết Kiều Tam không biết bơi nên tính lừa cho ông lên thuyền, để thuyền chìm thì ông sẽ trở thành một kẻ khờ dại. Nhưng sau đó thấy Kiều Tam thoát được, hai người từ một gốc cây lớn đi ra, đồng thời vòng tay thi lễ. Sau đó, Hồ Mã hai người tìm một quán rượu ở gần đó và mời Thiết Kiều Tam vào để xin lỗi. Kể từ đó, uy danh của Thiết Kiều Tam lại càng nổi hơn.
Sinh nghề tử nghiệp
Năm 1886, Thiết Kiều Tam qua đời, hưởng thọ 70 tuổi. Cái chết của ông không phải vì đấu trên võ đài cũng không phải vì ốm bệnh bình thường mà có liên quan đến việc tập võ. Trước đó, ông gặp Viên Quang hòa thượng và hâm mộ kỹ thuật “Tam thập lục điểm Đồng Hoàn Côn” của vị này nên đã xin theo học.
Được hòa thượng Viên Quang đồng ý, Thiết Kiều Tam đến chùa Hải Tràng luyện côn. Thời gian này, người phương Tây mang nha phiến vào đầu độc người dân Trung Quốc, rất nhiều người đã bị nghiện ngập, Thiết Kiều Tam những năm cuối đời cũng nghiện nha phiến. Khi đến chùa Hải Tràng luyện côn, hòa thượng Viên Quang thấy vậy mới đặt ra giới luật cấm ông không được hút nữa.
Kiều Tam quyết tâm thực hiện theo giới luật của hòa thượng Viên Quang để tập trung khổ luyện côn pháp. Tuy nhiên lúc đó Kiều Tam đã già, thể lực không còn được như lúc trẻ nên đã nhiễm bệnh lao mà qua đời. Cả cuộc đời Thiết Kiều Tam đã tập trung cho sự nghiệp võ thuật và cũng đã dạy dỗ được khá nhiều đệ tử nổi tiếng. Trong đó có Lâm Phúc Thành sau này là thầy của Hoàng Phi Hồng. Thiết Kiều Tam cũng được người ta xưng tán là “Hồng quyền đại sư”.
Nam Khánh