Ra đường, thấy vụ tai nạn thì xúm đông xúm đỏ vào xem, thậm chí "quên" cả việc đưa người bị nạn đi cấp cứu. Trong một tập thể, có khi "bằng mặt nhưng không bằng lòng" song chỉ cần một người đứng lên nói xấu người khác thì ngay lập tức sẽ có người hùa theo... Đó là những biểu hiện sinh động của thói tò mò, tâm lý đám đông khiến người Việt "không lẫn vào đâu được", theo cách nói của ThS Trần Văn Phương, cán bộ nghiên cứu, giảng dạy văn hóa.
Tâm lý đám đông vì sợ mang tiếng không biết gì
Đề cập đến thói tính cách làm người Việt trở nên xấu xí, ThS Trần Văn Phương cho rằng, những tính cách tạm gọi là không tốt thì ở quốc gia, dân tộc nào cũng có. Nhưng ở Việt Nam, đáng lo ngại là nó trở thành nếp sinh hoạt từ đô thị đến nông thôn, từ già đến trẻ, từ dân thường đến quan chức... Điểm mặt chuỗi tính cách "xấu xí" ấy, ThS Trần Văn Phương đã gọi tên đầu tiên là tính tò mò, hiếu kỳ, tâm lý đám đông.
Kể ra những biểu hiện của tính này, ông Phương xua tay: "Nhiều lắm!". Đến nỗi, "ở đâu cũng bắt gặp". Một vụ tai nạn ngoài đường đủ sức kéo hàng chục người dừng lại... xem. Một vụ cãi nhau ngoài chợ khiến già trẻ xúm lại. Thậm chí, chỉ một nhóm người tụ tập, dù chưa biết là chuyện gì cũng đủ sức níu chân bao người qua lại tiến đến mục sở thị cho kỳ được, với tâm lý biết đâu lại có gì hay...
"Bây giờ, vào quán cà phê, hàng ăn nào cũng dễ dàng nghe được câu chuyện bóng đá, nhất là khi đêm qua có một trận cầu kinh điển hay đang diễn ra giải đấu lớn nào đó. Vẫn biết, bóng đá là môn thể thao vua, được nhiều người yêu thích. Nhưng chắc chắn trong số những người bàn luận bóng đá ấy sẽ có những người chẳng thiết tha với nó lắm, nhưng vẫn nói hùa theo. Bởi tâm lý không nói thì sẽ bị mang tiếng là không biết gì, đàn ông nam nhi ai lại không xem, không thích bóng đá. Đấy cũng là một trong vô vàn biểu hiện của tâm lý đám đông", ông Phương nói.
|
Ảnh minh họa. |
Vì sao người Việt tò mò?
Trả lời cho câu hỏi này, ThS Trần Văn Phương cho rằng, tò mò là một trong những bản tính của con người. Thế nhưng, ở mỗi dân tộc, quốc gia và tự thân mỗi người thì cấp độ tò mò lại có sự khác nhau.
"Trước kia, khi chưa mở cửa hội nhập thì có thể coi đây là một trong những đặc điểm văn hóa của người Việt và cảm thấy bình thường, nhưng giờ hội nhập thì có sự so sánh văn hóa giữa các quốc gia. Mà đã là văn hóa thì chỉ nói khác nhau chứ không có chuyện hơn kém, song cũng có thể biết được mình đang ở vị trí nào. Rõ ràng, tò mò, tâm lý đám đông so với các nước khác thì thấy nó không đẹp", ông nói.
Phân tích về sự "không đẹp" này, ông Phương dẫn giải: Biểu hiện là anh không có chính kiến, không có lập trường, "té nước theo mưa", "nước nổi bèo nổi". Điều này có thể lý giải là do cơ cấu xã hội, tổ chức xã hội của ta thì đơn vị làng là cơ sở. Tâm lý chung của làng đã được tổng kết rồi, đó là tâm lý a dua, bản vị, cục bộ, "hòa cả làng". Dĩ nhiên, nó cũng có mặt tốt là "tối lửa tắt đèn có nhau", nhưng lại sinh ra thói hay để ý, thích soi vào chuyện của người khác, sinh ra tò mò. Sau này, dù có ra đô thị sống thì gốc gác nông thôn khiến người ta khó mà bỏ được tâm lý ngàn đời ấy.
Một nguyên nhân khác dẫn đến tính tò mò của người Việt được ông Phương chỉ ra là do xã hội chậm phát triển. "Ở phương Tây hay các nước phát triển thì cái gì cũng có, cái gì cũng xảy ra và họ có điều kiện tiếp cận dễ dàng hơn. Vì thế, khi họ bắt gặp hiện tượng, sự việc nào đó, chẳng hạn như vụ tai nạn giao thông thì họ không lấy gì làm ngạc nhiên như Việt Nam. Còn ở ta thì ngược lại. Do đi lên từ một nước nông nghiệp, lạc hậu, phương tiện giao thông ngày xưa thì chỉ có đi bộ, đi xe ngựa nên làm gì có những vụ tai nạn lớn. Sau này, chúng ta dần có xe đạp, rồi xe máy, ô tô, vụ tai nạn cũng tăng lên nên khiến người ta tò mò. Hay chuyện ở nước ngoài, xe ô tô cả chục tỷ đồng là chuyện bình thường, nhưng ở Việt Nam thì đó là điều lạ vì ít người có được", ông Phương lý giải.
Ngoài ra, chính yếu tố văn hóa cũng làm tăng tính tò mò của người Việt. Ông Phương chỉ ra rằng, xưa, người ta quan niệm những cái chết trận, chết vì bệnh mới là bình thường, còn chết vì bất cứ lý do nào như ngã cây, đuối nước, đột tử... là cái chết không bình thường. Họ lo sợ có một thế lực siêu nhiên nào đó đã "bắt" người ta đi nên lo thờ cúng chu đáo. Từ tâm lý về những cái chết "không bình thường" ấy cũng khiến người Việt tò mò hơn khi gặp hoàn cảnh cụ thể.
Một nguyên nhân quan trọng khác cũng làm cho tính tò mò của người Việt được đẩy lên cao, ấy là do quản lý xã hội vẫn thiếu sự công khai, minh bạch, gây mập mờ. Chẳng hạn, một vụ án tham nhũng vừa được phanh phui, người ta sẽ đặt câu hỏi: Vì sao kẻ tham nhũng ấy có thể dễ dàng qua mặt pháp luật đến thế? Có ai "chống lưng" cho nó không? Đồng phạm của nó là những ai?... Hay khi có một quyết định được cho là gây bất lợi cho người dân như việc đẩy giá xăng tăng, người ta cũng sẽ tò mò rằng tập đoàn xăng dầu sẽ lãi được bao nhiêu tiền, tiền đó vào đâu...
|
ThS Trần Văn Phương: Tính tò mò, tâm lý đám đông kéo lùi sự phát triển của người Việt. |
Kéo lùi sự phát triển
Ông Phương chỉ ra, chính vì tính tò mò, tâm lý đám đông, không có chính kiến riêng, sống theo kiểu "hòa cả làng", "nước nổi bèo nổi", "chết cả đống còn hơn sống một mình" đã kìm hãm, kéo lùi sự phát triển của người Việt.
"Người Việt không muốn ai hơn mình, nhưng cũng không muốn phải sống khác tập thể, chẳng hạn cả làng nói ngọng, mình nhận thấy làng bên cạnh nói chuẩn và học theo thì lập tức sẽ bị dị nghị, tẩy chay, thôi thì "hòa cả làng" cho êm chuyện. Thành thử, nói ngọng thì vẫn mãi nói ngọng. Rõ ràng như thế là chậm phát triển đấy chứ", ông Phương nói.
Tâm lý đám đông khiến người Việt không có chính kiến riêng mà tôn trọng tập thể, đề cao tập thể. Vậy nên, rất dễ hiểu khi làm sai việc gì thì chẳng ai phải chịu trách nhiệm cả, vì đó là... trách nhiệm của tập thể. Như vậy bản sắc, dấu ấn của mỗi cá nhân cũng nhạt nhòa, kìm hãm sức sáng tạo.
Muốn xóa bỏ tính tò mò, tâm lý đám đông, theo ông Phương phải làm nhiều việc, từ tuyên truyền, giáo dục thay đổi nhận thức, hành vi. "Trong đó, quản lý xã hội phải đảm bảo công khai, minh bạch thì cũng hạn chế được phần nào đặc tính này", ông Phương nhấn mạnh.
"Do chúng ta tiếp cận văn minh đô thị không đầy đủ, không có hệ thống, không toàn diện nên đã có những cách ứng xử thái quá, thậm chí là cực đoan. Người ta nhận ra rằng, thói tò mò, soi xét của nhau là xấu, mang đặc trưng của nông dân. Vậy nên khi sống ở đô thị, mong muốn thoát khỏi cái bóng nông dân để trở thành người đô thị khiến người ta chuyển sang thái cực: có khi sống với hàng xóm cả đời mà không biết tên nhau, không thèm quan tâm tới nhau".
ThS Trần Văn Phương
Thanh Thủy