Xác ướp có một vị trí quan trọng trong tiến trình phát triển nền văn hóa của nhân loại bởi chúng thể hiện trình độ phát triển của một nền văn minh, cũng như chứa đựng rất nhiều thông tin có giá trị truyền lại cho hậu thế.
Ngôi mộ chứa xác ướp này bắt đầu được các nhà khảo cổ nghiên cứu từ năm 1957 tại tỉnh Thanh Hóa. Trước đó, mộ đã bị người dân địa phương đào, xác ướp bị đưa ra khỏi quan tài, vùi lấp tạm bợ giữa đồng ba ngày rồi chôn lại trong quan tài ngập nước gần một tháng.
Khi các nhà khảo cổ tiếp cận, xác ướp vẫn còn nguyên vẹn và bốc mùi dầu thơm. Sau đó, xác ướp được tắm lại bằng nước sạch năm lần vẫn không hết mùi thơm. Bộ xiêm y của xác ướp còn rất tốt dù đã bị người đào phá rách.
Bia mộ đề thời gian chôn cất thuộc niên hiệu Vĩnh Trị (1676 – 1680). Quan tài chứa xác ướp được đóng bằng gỗ ngọc am. Những hiện vật còn sót lại là sáu chiếc áo gấm thêu kim tuyến. Xác ướp được các chuyên gia xác định là một bà phi thuộc dòng họ Trịnh.
Điểm đặc biệt của ngôi mộ này là dấu vết của dung dịch bảo quản xác lan tỏa ra ngoài khiến vùng đất quanh mộ nhiễm mùi thơm một thời gian dài mới hết.
Mộ vua Lê Dụ Tông được tìm thấy từ năm 1958, tại thôn Bái Trạch, xã Xuân Giang, huyện Thọ Xuân tỉnh Thanh Hóa. Đến năm 1964, mộ mới được khai quật.
Khi được khai quật, thi hài vua Lê Dụ Tông đã bị đét lại, có màu xám nhạt nhưng sau đó toàn thân chuyển thành màu xám đen. Các khớp xương của nhà vua vẫn còn có thể co duỗi mềm mại và nhiều vùng da thịt vẫn còn đàn hồi. Chất dầu thơm ngấm vào da, và qua da vào các tạng nên sực mùi thơm.
Quan tài của vua Lê Dụ Tông được làm bằng gỗ quý sơn son. Hiện vật gồm chăn bông, vải liệm, áo mặc, giấy bản… đẫm dầu thơm. Những chiếc áo hoàng bào, long bào có thêu nhiều hình rồng năm móng, khăn gấm thêu hình rồng cùng tấm bia đá khắc chữ Lê triều Dụ Tông hoàng đế đã khẳng định thân thế của nhà vua.
Việc tìm thấy xác ướp vua Lê Dụ Tông là một phát hiện chấn động trong ngành khảo cổ và sử học Việt Nam đương thời.
Xác ướp vua Lê Dụ Tông được bảo quản ở tầng hầm Bảo tàng Lịch sử Việt Nam trong 46 năm và được hoàn táng tại tỉnh Thanh hóa vào tháng 1/2010.
Ngôi mộ chứa xác ướp nằm ở một gò đất của thôn Vân Cát, xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Cuộc khai quật diễn ra trong tháng 11/1968.
Ngôi mộ cổ này xây theo kiểu trong quan ngoài quách, được bảo vệ một cách rất chắc chắn và bí mật. Bên ngoài quan tài là lớp quách dày gần 30cm, được đổ bằng 13 mẻ hợp chất cứng, bền, rất khó phá. Quan tài dày gần 10cm, bằng gỗ ngọc am và gỗ lim ghép lại với nhau.
Tình trạng của xác ướp trong mộ khá hoàn hảo. Đó là người phụ nữ khoảng 60 tuổi, tóc dài chớm hoa râm, làn da toàn thân vẫn trắng mịn, mềm mại, các khớp chân, tay có thể co duỗi dễ dàng. Xác ướp của hốc mắt vẫn còn rõ lòng đen, trắng, hai hàm răng nhuộm đen cũng chưa rụng chiếc nào...
Xác ướp được mặc 35 chiếc áo thụng bằng gấm, lụa, 18 chiếc váy vải, lụa. Các hiện vật khác gồm hàng chục chiếc gối chèn lớn nhỏ, quạt nan giấy, túi trầu bằng gấm thêu với 10 miếng trầu đã têm và 10 miếng cau tươi, túi gấm đựng thuốc lào, khăn lau miệng bằng lụa, mũ lụa.
|
Chuỗi hạt trong mộ bà Phạm Thị Đằng. |
Điều đặc biệt là trên ngực xác ướp còn được đặt một chuỗi tràng hạt kết bằng 101 hạt gỗ đen, và một túi gấm đựng hai quyển Đại tạng kinh và Tu tinh thổ tiệp kinh.
Về sau, xác ướp được xác định là bà Phạm Thị Đằng, phu nhân của quan thượng phụ Đặng Đình Tướng (1649 - 1735).
Xác ướp bà Bùi Thị Khang
Mộ bà Bùi Thị Khang bị bom Mĩ quật lên vào năm 1971 tại gò Lăng Dứa, xã Thượng Lâm, huyện Mỹ Đức, Hà Tây. Cũng như Phạm Thị Đằng, bà Bùi Thị Khang cũng là phu nhân của quan thượng phụ Đặng Đình Tướng.
Thân thế của bà được xác định qua tấm minh tinh (tấm vải rất dài viết chữ Hán cho biết thân phận của người chết) trong quan tài.
Mộ bà Bùi Thị Khang cũng có cấu trúc tương tự mộ bà Phạm Thị Đằng, nhưng xác ướp của bà không được bảo quản tốt bằng, nguyên nhân do nấm mộ của bà Khang bị bom đạn làm nứt vỏ quách.
Những đồ vật táng theo bà Bùi Thị Khang cũng ít hơn bà Đằng, chứng tỏ bà mất lúc Đặng Đình Tướng chưa làm quan lớn. Còn bà Đằng mất vào lúc phu quân của mình đã công thành danh toại lẫy lừng.
Dù bị tổn hại và không có nhiều hiện vật, mộ bà Bùi Thị Khang chính là chìa khóa để giải mả những uẩn khúc xung quanh mộ bà Phạm Thị Đằng, ngôi mộ có xác ướp được bảo toàn hoàn hảo cùng hệ thống hiện vật phong phú.
Xác ướp Đại Tư đồ Nguyễn Bá Khanh
Ngôi mộ cổ được phát hiện vào cuối năm 1982, ở xã An Vĩ, huyện Khoái Châu, tỉnh Hải Dương. Dân làng phát hiện ra ngôi mộ này khi đào mương thoát nước và đã tự ý bật nắp ngôi mộ mà không thông báo cho chính quyền địa phương.
Khi các nhà khảo cổ tiếp cận hiện trường, xác ướp trong ngôi ngôi mộ đã bị oxy hóa, bốc mùi hôi thối.
Ngôi mộ này được xây theo kiểu trong quan ngoài quách, với lớp quách là hợp chất được làm từ vỏ sò đốt cháy trộn với mật đường và xơ giấy bản, quan tài làm bằng gỗ ngọc am.
Xác ướp được mặc 12 lớp áo, để bên ngoài 20 bộ. Số vải dùng để khâm liệm là 500m2. Các hiện vật khác gồm một hộp đựng dầu bằng gỗ và một cái quạt. Tấm minh tinh với 72 chữ có ghi chức danh mạ vàng vẫn còn nguyên.
Danh tính của xác ướp được xác định là Đại Tư đồ, quan Thái giám Nguyễn Bá Khanh mất vào thế kỷ 18, thọ 64 tuổi.
Ngôi mộ này đã làm sáng tỏ nhiều phương diện về phong tục tập quán, nghề cổ truyền, về văn hóa của người Việt thế kỷ 18.
Xác ướp vợ chồng Bá hộ Hạ Quang Quới
Tháng 12/1985, các nhà khảo cổ bắt đầu khai quật một ngôi mộ cổ ở tỉnh Bình Dương. Theo khẩu truyền, đây là mộ của một thương gia nổi tiếng, đã được phong chức Bá hộ vào thời chúa Nguyễn, có tên là Hạ Quang Quới.
Mộ có cấu tạo khá lạ. Quách mộ được đúc bằng hợp chất vững chắc và được chia thành hai khoang rỗng. Bên trong hai khoang quách có hai quan tài được ghép bằng gỗ xẻ và chốt bằng đinh sắt. Nắp thiên có dạng khun tròn, đáy áo quan bằng phẳng có tô lớp vôi bên ngoài.
Xác ướp trong hai quan tài được xác định là một người đàn ông và một người đàn bà, đều đã bị phân hủy khá nặng nề. Trong đó, xác người đàn bà vẫn còn giữ lại được mái tóc màu ngà đỏ. Quần áo mặc trên hai xác ướp cũng bị phân hủy, để lại gần 60 chiếc cúc áo bằng đồng, mã não.
Những hiện vật thu được trong mộ rất phong phú, gồm một chiếc mão có gắn biển mạ vàng, một khuyên màu vàng, một di vật sắt hình móng ngựa, giấy sách, khung gỗ, đồ đồng có nồi, mâm, thau, siêu... Đồ sứ có tô, tách, muỗng, bình trà, bình rượu... Những hiện vật này thể hiện một vị thế và tiềm lực của một thương gia có tiếng trên đất Bình Dương ngày xưa.
Dù xác ướp không còn nguyên vẹn nhưng mộ vợ chồng Bá Hộ Hạ Quang Quới là một mộ song táng hiếm hoi được khai quật ở Việt Nam. Ngôi mộ này chứa đựng nhiều thông tin về đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội, tín ngưỡng của miền Nam Việt Nam trong một thời kỳ lịch sử.
Xác ướp bà Nguyễn Thị Hiệu
Ngôi mộ chứa xác ướp được khai quật năm 1994, tại khu vực Xóm Cải, quận 5, TP HCM. Theo lời đồn đại từ xưa, đây là mộ của một nhân vật đặc biệt trong vương triều nhà Nguyễn.
Mộ được chôn rất sâu, phải mất 40 ngày, 15 thanh niên mới đục đến được đáy quách sâu gần 8m. Vỏ quách kiên cố như tường thành, được làm bằng hợp chất gồm vỏ sò nung, cát, than gỗ và mật ong. Quan tài lớn hơn bình thường, được ghép bằng hai lớp gỗ quý. Dưới nắp quan tài là hai lớp chiếu cói và một lớp giấy bản dày hơn 5 cm.
Ngập trong chất dầu thơm có màu đỏ, xác ướp được bọc trong chín lớp áo vải, lụa, gấm quý. Đây là một phụ nữ trạc 60 tuổi, tóc cắt ngắn chớm vai, da dẻ mịn màng và hơi có màu đỏ sạm của dầu thơm. Các khớp xương của xác ướp vẫn còn co duỗi rất tốt, da thịt mềm mại, rất ít có dấu hiệu bị phân hủy.
Ngoài các đồ tùy táng thông thường, hiện vật trong mộ có nhiều vàng bạc, trong đó, có một đôi giày bằng vàng. Đây là trường hợp đặc biệt, khác hẳn với hầu hết các xác ướp đã từng khai quật. Đây có thể là lý do khiến huyệt mộ được đào sâu và xây dựng hết sức kiên cố.
Từ tấm minh tinh có dòng chữ Hoàng gia và nhiều hiện vật khác, danh tính người trong mộ dược xác định là bà Nguyễn Thị Hiệu, một nhân vật hoàng thân quốc thích dưới triều vua Gia Long.
Xác ướp bà Nguyễn Thị Hiệu hiện được bảo quản và trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử TP HCM.
Xác ướp ở vườn đào Nhật Tân
Ngôi mộ cổ tại vườn đào Nhật Tân, (Hà Nội) được phát hiện cuối tháng 4/2005. Những người phát hiện ra mộ đã tự ý phá nắp quách, nắp quan khi chưa có ý kiến của cơ quan có thẩm quyền.
Cấu trúc mộ cổ ở vườn đào gồm ba lớp. Lớp quách hợp chất ngoài cùng dày 1,5 cm làm bằng vôi vữa, mật, nước gạo nếp, giấy bản trộn. Kế tiếp là lớp quách gỗ bọc ngoài quan tài, dày 9 cm. Quan tài đóng bằng gỗ vàng tâm dày 10cm.
Xác ướp bên trong quan tài là một người đàn ông khoảng 60 tuổi, còn nguyên vẹn, được bọc trong nhiều lớp vải và ngâm dầu thơm. Xác ướp đã bị những người đào mộ làm xuất lộ trước khi có sự can thiệp của các nhà khảo cổ.
Các hiện vật trong mộ gồm có: gối đầu, gối chèn, đôi hia thêu, 4 áo lụa, 10 áo gấm, 9 áo liệm, hai túi vải (chứa các hiện vật có thể là trầu cau hoặc các vị thuốc). Các hiện vật cho thấy đây là một người giàu có, sống vào cuối thế kỷ 18.
Danh tính của xác ướp không được xác định. Xác ướp đã được liệm, đưa vào quan tài và chôn cất tại nghĩa trang Nhật Tân ngày 7/5/2005.
Theo nhận định của các nhà khảo cổ, đây là một trong số ít mộ có xác ướp và nhiều hiện vật còn nguyên vẹn ở miền Bắc Việt Nam.
Xác ướp Quận công ở Hưng Yên
Cuối năm 2007, doanh nghiệp tư nhân Phúc Nga đã phá hủy một ngôi mộ cổ nằm ở xã Trung Hưng, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên, gây nhiều bức xúc trong dư luận.
Theo lời kể của những người tham gia phá mộ, quách của mộ là một khối hợp chất khổng lồ, dày đến nửa mét. Không thể phá bằng cách thủ công nên họ đã dùng khoan máy để phá. Dưới nắp quách nặng hàng chục tấn là một quan tài lớn phủ sơn ta đỏ au. Khi quan tài bật nắp, mùi dầu thơm lan tỏa cả một vùng rộng lớn.
Trong quan tài là xác ướp một cụ ông, còn nguyên vẹn như khi mới chôn, da dẻ mềm mại, hồng hào. Xác ướp được bọc trong nhiều lớp quần áo, chăn gối và ngập trong tinh dầu mầu nâu, đặc sánh.
Những người phá mộ dùng dao, kéo cắt hết quần áo của thi hài ra để tìm châu báu. Xác ướp bị bẻ gập chân, tay, đầu cho vừa với tiểu sành và được chôn ở một mộ mới mà doanh nghiệp Phúc Nga xây sẵn.
|
Những đồng tiền cổ chôn theo xác ướp. |
Đồ tùy táng trong mộ gồm quần áo, chăn gối, những chiếc hài và hàng trăm đồng tiền cổ… bị những người phá mộ chia nhau và phân tán khắp nơi.
Theo lời kể của một người phá mộ, sau khi quật mồ ông Quận công, tất cả nhưng người tham gia phá mộ và ông chủ doanh nghiệp Phúc Nga đều không ngủ được, vì cứ nhắm mắt vào là như có người dựng dậy.
Dân địa phương không có tài liệu gì ghi chép về ngôi mộ cổ này. Người dân chỉ được nghe truyền miệng lại rằng, đây là ngôi mộ cổ của một ông Quận công thời Hậu Lê.
Xác ướp được cho là danh tướng Lý Thường Kiệt
Tháng 5/2010, giới nghiên cứu lịch sử Việt Nam xôn xao về một ngôi mộ được nhiều người tin là nơi an táng của Thái úy Lý Thường Kiệt.
Ngôi mộ vốn bị chôn vùi dưới một gò đất tại thôn Ngọc Quỳnh, thị trấn Như Quỳnh, tỉnh Hưng Yên, được người dân địa phương phát hiện vào năm 1979. Khi ấy, cho rằng trong mộ có vàng bạc châu báu, họ quyết định khai quật toàn bộ khu mộ với tâm lý tìm của cải.
Theo lời những người quật mộ kể lại, ngôi mộ là một khối rắn chắc như bê tông, rộng đến ba gian nhà, gồm hàng chục lớp kết thành. Ở bên trong là chiếc quan tài sơn 4 chữ Nho lớn, được người dân tạm dịch là “Đại thị công khanh” hay “Hoạn quan” trên ván quan.
Bên trong quan tài, dưới tấm vải liệm màu mỡ gà là xác ướp của một người đàn ông trong như đang nằm ngủ, đầu đội mũ cánh chuồn, râu tóc còn nguyên. Ban đầu, xác ướp lan tỏa mùi dầu thơm, nhưng sau đó nhanh chóng xạm đi và toả ra mùi xú uế.
Hiện vật kèm theo trong quan tài là 36 chiếc áo có chất liệu như vải lanh. Ngoài ra, còn một chiếc quạt, hai chiếc hộp gỗ đựng chất liệu giống sáp và khoảng 300m vải chèn trong quan tài.
Sau khi đào mộ, người dân địa phương đã dùng cào kéo xác xuống một hồ đất đào sẵn và lấp lại. Đến năm 1998, mộ lại được khai quật lần nữa. Lúc này xác ướp chỉ còn xương sọ và các xương lớn. Phần xương này được xếp vào tiểu và dân làng lập mộ xây cất để thờ cúng.
|
Con cháu họ Ngô viếng mộ ở thôn Ngọc Quỳnh vào cuối tháng 5/2010. |
Bằng phương pháp tâm linh, những người đứng đầu dòng họ Ngô ở Việt Nam cho rằng ngôi mộ chứa xác ướp trên là mộ của tướng Lý Thường Kiệt (có tên sinh thời là Ngô Tuấn). Tuy nhiên, giới sử học vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này.
Theo giới khảo cổ học, cho đến nay, những mộ táng có chứa xác ướp (thượng gọi là mộ hợp chất) được khai quật ở Việt Nam đều có niên đại ở thời Hậu – Lê và thời Nguyễn. Những ngôi mộ này được kiến tạo rất công phu và tốn kém với quy mô rất đồ sộ, thường dành cho tầng lớp hoàng gia quý tộc, những người giàu có và quyền thế trong xã hội.
Mộ hợp chất có đặc điểm “Trong quan ngoài quách”. Lớp quách bên ngoài được đúc bằng một hỗn hợp gồm nhiều vật liệu khác nhau như vôi sống, vôi tôi, vỏ nghêu sò hay san hô nghiền vụn, cát, chất kết dính như mật, mật đường, mật ong, nhựa dây tơ hồng, ô dước, giấy gió, than hoạt tính… tạo nên một lớp bảo vệ kiên cố, không thấm nước. Các quan tài được đóng bằng gỗ quý, thường được ghép mộng, riêng ván thiên được đóng đinh rất chắc chắn.
Trong các mộ thường có một tấm ván 7 lỗ, được gọi là ván thất tinh. Dưới chiếc ván này thường được rải chè hoặc gạo rang. Phía trên ván thất tinh là thi hài. Các xác ướp thường được mặc rất nhiều lớp áo và chèn gối, vải xung quanh. Dưới tấm ván thiên thường phủ một tấm vải liệm thêu kim tuyến tên, tuổi và chức danh người chết, gọi là tấm minh tinh.
Các xác ướp được khai quật đều sũng một loại dầu thơm, là dung dịch bảo quản xác ướp của người xưa. Nhiều ý kiến cho rằng loại dầu này chính là tinh chất gỗ ngọc am mà người Trung Quốc gọi là san mộc.
Khi mới bật ván thiên các xác ướp đều có màu của da người tái nhợt và toả mùi dầu thơm. Tuy nhiên, chỉ vài phút sau xác chuyển sang màu đen sạm, mùi thơm cũng ấy biến mất, nhường chỗ cho một thứ mùi cực kỳ kinh khủng. Đây được coi là một hiện tượng bình thường của quá trình oxy hoá.
Dù phần lớn xác ướp tìm thấy đều là quan lại, vua chúa hay người giàu có nhưng thường chỉ chôn theo những đồ dùng rất đơn giản, không có chứa vàng bạc, châu báu hay các đồ tuỳ táng có giá trị vật chất cao.
Trước khi khai quật mộ, các nhà khảo cổ thường thực hiện các thủ tục tâm linh một cách cẩn trọng và thành kính.