Thời xưa, xác ướp được thầy thuốc sử dụng như là những thảo dược để điều chế thuốc điều trị cho bệnh nhân mắc các chứng nan y. Những nhà bào chế thuốc đem xác ướp chia thành nhiều phần, dưới dạng cao đèn hoặc đem lấy tro, bột của những xác ướp đã bị hỏa thiêu dùng làm nguyên liệu.
Thậm chí có những thầy thuốc không muốn lặn lội đường xa để truy tìm xác ướp mà lấy luôn những thi thể người chết vô danh, dễ dàng tìm thấy ở bất cứ nơi đâu đem về nhà để chế thuốc chữa bệnh.
Đến cuối thời Trung cổ, phương pháp chữa bệnh bằng thi thể người chết trở nên phổ biến và xuất hiện trong hầu hết các đơn thuốc của bệnh nhân được kê toa. Nó có thể chữa được nhiều căn bệnh như đau đầu, lở loét dạ dày, đau do chấn thương, bệnh động kinh… Người bệnh chỉ cần uống thuốc này trong vòng nửa tháng là có thể khỏi bệnh hoàn toàn. Vì vậy, loại thuốc kỳ dị này được người dân lan truyền công dụng nhanh chóng và được gọi là “thần dược”.
Một trong những loại thuốc chữa được bách bệnh là bột xác ướp. Nó được điều chế từ xác ướp của các vị vua Ai Cập. Đây được coi là bài thuốc vô cùng quý giá và là hàng thượng phẩm trong giai đoạn từ thế kỉ XII-XVII. Thời bấy giờ, công dụng của loại thuốc này được giới thiệu là có thể chữa đủ các loại bệnh từ nhẹ đến nặng như đau đầu, số mũi… và cả bệnh vô phương cứu chữa. Nếu uống loại “thần dược” này, người bệnh có thể trị tận gốc bệnh tật. Bên cạnh phương pháp pha thuốc uống, nó cũng có thể được rắc trực tiếp lên vết thương để nhanh chóng lên da non.
Chính vì vậy, những kẻ chuyên đào trộm mộ là những người cung cấp nguyên liệu cho các thầy thuốc và nhà điều chế. Tuy nhiên, không hẳn tất cả trong số đó đều là "hàng xịn". Họ không thể tìm được nhiều xác ướp của các vị vua Ai Cập và ăn trộm chúng thành công. Do đó, những kẻ đào mộ đánh tráo bằng xác chết của cả dân thường, của những người vô gia cư rồi đem "sơ chế" cho giống những xác ướp. Sau đó, họ đem bán cho các nhà điều chế thuốc để “hô biến” hàng "dỏm" thành hàng “xịn”.
Một trong số những khu vực sử dụng nhiều “thần dược” kể trên là châu Âu. Đây là nơi mà những bộ phận của xác chết từ xương, máu, chất béo, tóc…. đều được sử dụng triệt để để làm thuốc chữa đau đầu, bệnh động kinh... Trào lưu ấy làm xuất hiện rất nhiều kẻ “hành nghề” đào trộm mộ cổ của người Ai Cập, ăn cắp hộp sọ ở các nghĩa trang của người Ailen.
|
Do nhu cầu sử dụng "thần dược" bào chế từ xác ướp tăng cao, những kẻ đào trộm mộ cổ của các vị vua Ai Cập và lấy cả thi thể của người chết ở các nghĩa trang...xuất hiện nhiều như "nấm mọc sau mưa".
|
Công dụng của loại “thần dược” này vào thời đó không được kiểm chứng nhưng với sự nổi tiếng, những lời đồn thổi của phương thuốc độc đáo mà ngay cả những quan chức cấp cao thời xưa cũng sử dụng nó, thậm chí là cả vua chúa. Cụ thể, vua Francis I (Pháp) sống ở thế kỷ XVII cũng đều đặn uống một liều thuốc trộn từ bột xác ướp với cây đại hoàng khô mỗi ngày. Nhân vật tối cao này còn lưu giữ phương thuốc đặc biệt đó sát bên người và đi đâu cũng mang theo một gói nhỏ để tiện sử dụng cũng như đề phòng trường hợp bất trắc bị kẻ gian ám sát. Nếu xảy ra tình huống đó, ông có thể lôi nó ra dùng ngay và không bị chết do trọng thương.
Ngoài ra, vua Charles II cũng sử dụng bột nghiền từ xác ướp như một phương thuốc giúp ông có thể trở thành một Pharaoh. Ông dùng nó theo cách khá khác lạ đó là chà loại bột đó lên khắp người. Ông cũng là người điều chế ra phương thuốc đặc biệt mang tên “Giọt châu của nhà vua”. Nó là hỗn hợp sọ người được ngâm trong rượu dùng để làm thuốc. Ngay cả vua Charles II cũng thường nhâm nhi loại đồ uống “quái dị” do chính mình phát minh ra để tăng cường sức khỏe, sống thọ hơn.
Thomas Willis là một người tiên phong ở thế kỷ XVII trong việc điều chế ra phương thuốc từ xác chết. Bài thuốc của ông là hỗn hợp gồm má, bột sọ người và chocolate. Sau đó, ông đem hỗn hợp trên trộn đều vào nhau và cho người bệnh uống.
Vào thời đó, người ta còn sử dụng cả những sợi tóc còn sót lại trên hộp sọ dùng để làm thuốc chữa bệnh chảy máu cam, động kinh. Chất béo trong các xác chết được dùng để điều trị những vết thương bên ngoài cơ thể, thậm chí là bệnh gút. Những bác sĩ Đức dùng loại thuốc đó chà sát vào vùng da bị thương của người bệnh. Sau đó, họ dùng băng gạc băng bó lại để chúng mau lành hơn.
Nhiều thầy thuốc vào thời đó còn cho biết, mắc bệnh liên quan đến bộ phận cơ thể nào thì nên dùng thuốc được điều chế từ những bộ phận ấy của xác ướp. Phương pháp này còn được gọi là “dùng gì bổ nấy”. Thực tế, không ít người tin và sử dụng chúng một cách “điên cuồng”.
Một phương thuốc chữa “bách bệnh” khác từ xác chết là dùng não người chưng cất để chế biến thuốc chữa động kinh. Nhà vật lý Anh John French và nhà hóa học Đức Johann Schroeder đều ghi lại công thức chế biến để chữa các bệnh về não này. Ông French đưa ra phương pháp điều chế thuốc từ não của người chết trẻ ngâm trong rượu cùng với phân ngựa trong vòng nửa năm. Sau đó, ông đem hỗn hợp đi chưng cất rồi cho ra “sản phẩm" cuối cùng.
Ông Schroeder lại sử dụng khoảng 1,3 kg não người rồi đem trộn với hỗn hợp nước hoa lily, oải hương và rượu nho Hy Lạp tạo thành phương thuốc chữa bách bệnh.
Chưa dừng lại ở đó, nhà vật lý người Anh George Thomson sống ở thế kỷ XVII còn cho rằng, các nhà điều chế thuốc không nên lãng phí bất kỳ thành phần, bộ phận nào của xác ướp, thi thể người chết, trong đó có phần được cho là bẩn thỉu nhất là phân. Ngoài ra, ông Thomson cũng không bỏ sót việc sử dụng mồ hôi của thi thể người chết dùng để chữa bệnh trĩ.
Phương thuốc điều trị bằng xác ướp, thi thể người chết được sử dụng rộng rãi cho đến hết thế kỷ XVII. Sau đó, những thầy thuốc, nhà bào chế kinh doanh mặt hàng quái dị này phải bỏ nghề vì chính quyền đưa ra những mức thuế khóa nặng nề, khiến họ không thể kham nổi.
Kể từ đây, phương thuốc quái dị này dần biến mất và không còn được lưu hành trong xã hội. Mặc dù chẳng ai và không tài liệu nào khẳng định về công dụng của loại thuốc trên có thực sự hiệu nghiệm như các nhà điều chế tung hô hay không, nhưng có thể chắc chắn rằng, những xác ướp và thi thể người quá cố đã bị con cháu mình "ăn thịt" hết sức dã man. Đó là những hành động bất kính đối với người đã khuất núi, khiến cho linh hồn họ không được an nghỉ.
TIN BÀI LIÊN QUAN
BÀI ĐANG ĐỌC NHIỀU
Nhật Anh (theo Anthropology, Smithsonianmag)