Chết vì nghèo túng
Một buổi chiều cuối đông, trong ngôi nhà nhỏ vẫn còn nghi ngút khói hương, chị Phùng Thị Quý (SN 1970, ở thôn Xuân Hạ, xã Thanh Sơn, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa) kể về cuộc đời đầy nỗi khổ tâm của mình.
Chị Quý quê gốc ở Sơn Tây, năm đó chị được một người anh em xin cho đi làm bếp ở trại quân y của bộ đội biên phòng gần biên giới, còn anh Hoàng Khắc Đức là một chàng lính quân y. "Anh ấy có nhiều bằng về y lắm chú ạ! Nhưng về sau anh ấy chán nên xé hết rồi! Năm ấy chị cũng có nhiều người theo đuổi lắm, nhưng không hiểu sao lại bén duyên anh chàng người Thanh Hóa gia cảnh bần hàn để rồi nghe lời anh chị bỏ nghề, rời quê vào Thanh Hóa lập nghiệp cùng anh kể từ năm 1990 cho đến nay", chị Qúy kể.
Nhà chị ở Sơn Tây cũng thuộc hàng cố đinh nên khi về sống cùng anh cũng không hơn là mấy. Thế nhưng anh chị lại lại thấy bằng lòng với cuộc sống đó. Chị đi làm ruộng, chăm con, còn anh đi phụ hồ, làm thuê theo mùa vụ. Rồi anh chị có 3 người con, 2 gái, 1 trai.
|
Chị Qúy đau xót kể lại nỗi đau mất chồng |
Oằn mình trong nỗi đau mất đi người thân yêu nhất, người phụ nữ ấy giờ đây như cái xác không hồn. "Nếu buổi sáng hôm đó chị không đi chợ mà ở nhà thì đâu đến nỗi, nếu chị để ý hơn đến những lời bi quan của anh ấy thì đâu đến cơ sự này...", chị Qúy xót xa.
Cách đây 3 năm, anh Đức, chồng chị bị liệt nửa người. Sau khi đi khắp các bệnh viện để tìm cơ may thoát bệnh nhưng bệnh tật của anh Đức không có tiến triển. Với số tiền ít ỏi của gia đình, anh Đức chỉ được điều trị đứt quãng rồi lại phải về.
Chị Quý kể, sáng 9/10 vừa qua, chị đi chợ mua ít thức ăn, ở nhà chỉ còn mình con nhỏ với anh Đức. Khi ra đến chợ chưa kịp mua được cái gì thì có người gọi về. Bước chân vào đến nhà thì đã thấy chồng nằm trong góc nhà, mọi người vây quanh rất đông. "Lúc đó anh ấy đã mất rồi, vì nguồn điện quá lớn...", chị Qúy nấc nghẹn.
Chị Hà hàng xóm cho biết: "Sáng hôm đó, con bé nhà chị Qúy có sang nói với tôi là “Bác ơi! Không biết bố cháu làm gì mà đang tìm dây điện bác ạ!”. Tôi cứ nghĩ là bình thường vì mọi lần chú ấy vẫn dọa như vậy, nên trấn an con bé là không có chuyện gì. Nhưng chỉ một lúc sau, tôi nghe thấy tiếng con bé gào khóc ầm ĩ, tôi vội chạy sang thì không kịp nữa rồi. Chú Đức tay quấn chặt dây điện, một đầu dây cắm vào ổ điện..."
Được biết, trong năm nay gia đình chị đã phải chịu hai cái tang, giờ lại thêm tang của chồng nên càng thêm đau xót. Hôm làm ma cho chồng trong túi chị cũng chỉ còn có 30 nghìn bạc, nhưng cũng may sao nhờ bà con anh chị em trong nhà thương mà giúp đỡ. Chị Quý vừa nói vừa khóc: "Họ cũng thương hoàn cảnh gia đình tôi nên giúp, nhưng làm sao mà giúp mãi được. Giờ nhà tôi vẫn còn một khối nợ lớn, vì năm 2010 anh em trong nhà vận động ủng hộ cho một phần tiền rồi động viên xây nhà cho anh ấy phấn khởi mà sống thêm được ít năm nữa. Ai ngờ anh ấy lại nghĩ quẩn như vậy".
Gánh nặng để lại cho vợ hiền
“Sau khi cố xây cho xong cái nhà, cũng phải đi vay mượn đến nay còn chưa trả được, hai đứa đang học lớp 9 cũng phải bỏ để đi làm kiếm tiền lo chữa bệnh cho anh ấy, vậy mà…” chị Quý tấm tức.
Gia đình đã nghèo, kể từ ngày anh Đức phát bệnh, chị Qúy đã phải bán đồ đạc trong nhà để lo chạy chữa cho anh. Nhiều khi anh Đức cắn răng chịu đựng những cơn đau, đến khi đau quá thì anh kêu chị cho ra trạm xá để xin ít thuốc. Gia đình anh cũng được chính quyền địa phương tạo điều kiện trong việc chữa trị của anh.
|
Chị Qúy bên di ảnh của chồng |
Mỗi lần anh đi bệnh viện tỉnh, chị Qúy lại chạy vạy đi vay, đi mượn rồi hôm sau mấy mẹ con chị lại nhịn ăn, dè xẻn chi tiêu và đi làm thuê để kiếm tiền trả nợ. Chị xúc động, "nhà tôi thì nghèo nhưng cũng may mắn là được bà con làng xóm thương, anh chị em trong gia đình cũng chung tay giúp đỡ. Tôi cảm kích tấm lòng của các cô chú, các anh chị đã cho tôi mượn tiền xây nhà, nhưng nhà vừa xây xong thì người đã ra đi rồi..."
Anh Đức mất đi để lại cho chị Qúy một khối nợ gần 40 triệu đồng và tiền thuốc men, tiền xây nhà, tiền ma chay...
Chị Tống Thị Luận (người cùng thôn với chị Qúy) chia sẻ: “Từ khi anh Đức mất đi, chị Qúy càng khó khăn trăm bề, mấy mẹ con chỉ sống nhờ vào 3 sào ruộng. Hai đứa lớn đã phải nghỉ học để đi làm thuê lấy tiền trả nợ, còn đứa con gái út không biết có thể học tiếp được không? Vì nợ nần nhiều như vậy, bữa cơm cũng chả thấy có gì ngoài rau với muối…”
Ông Đỗ Trọng Huy (chủ tịch UBND xã Thanh Sơn) cho biết: “Trường hợp gia đình chị Quý là trường hợp đặc biệt khó khăn trong xã, gia đình không may gặp phải rủi ro, chị lại mới mất đi trụ cột trong gia đình. Phía chính quyền địa phương chúng tôi cũng đã đến thăm và chia buồn cùng gia đình. Mong rằng phía gia đình sẽ nhận được sự quan tâm đùm bọc của toàn xã hội”.
TIN LIÊN QUAN
BÀI NỔI BẬT
Lê Thơm