Khám sàng lọc xác định các trường hợp chống chỉ định
Trao đổi với báo chí, PGS.TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư, cho biết, cần khám sàng lọc để xác định các trường hợp chống chỉ định tiêm vắc xin phòng COVID-19. Đó là các trường hợp liên quan đến phản ứng phản vệ ở mức độ 2 với các biểu hiện như nổi mề đay, phù mạch xuất hiện nhanh; khó thở nhanh nông, tức ngực, khàn tiếng, chảy nước mũi; đau bụng, nôn, tiêu chảy; huyết áp tụt hoặc tăng, nhịp tim nhanh hoặc loạn nhịp. “Còn lại các trường hợp khác đều có thể chỉ định tiêm. Một số trường hợp như trẻ có bệnh nền, bệnh mạn tính, béo phì… cần chỉ định tiêm tại trung tâm y tế hoặc tại bệnh viện giống như đối với người lớn. Việc tiêm chủng cũng được tổ chức theo các điểm tiêm như đang triển khai tiêm cho người lớn”, TS Điển nói.
Trước khi tiêm vắc xin phòng COVID-19, học sinh được khám sàng lọc kỹ lưỡng với sự đồng hành của phụ huynh (ảnh chụp ngày 27/10 tại TPHCM). Ảnh: V.S
Các chuyên gia cho rằng, tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ em ở trường học thì nhân viên cơ sở y tế sẽ tham gia hỗ trợ, phối hợp quy trình tiêm với các thầy cô giáo nên sẽ thuận lợi hơn. Đây cũng là nơi tập trung theo dõi sau tiêm và đánh giá sau tiêm với trẻ. Khi trẻ về nhà, gia đình theo dõi những dấu hiệu sức khoẻ theo tờ hướng dẫn được phát sau tiêm để kịp thời đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất khi cần. Bên cạnh đó, thời gian qua, các địa phương đã thành lập các đội y tế cơ sở, đội cấp cứu lưu động để có thể đáp ứng những tình huống có phản ứng bất lợi.
Năm sau tiêm cho trẻ 5-11 tuổi
Về việc tiêm cho trẻ dưới 12 tuổi, ông Điển cho hay: “Bộ Y tế đã lên kế hoạch triển khai tiêm cho nhóm trẻ em trong độ tuổi nhỏ hơn (5-11 tuổi) trong năm 2022 trên cơ sở khoa học và cập nhật các loại vắc xin cho trẻ em. Hiện Hội đồng tư vấn tiêm chủng quốc gia cũng đã đồng ý chỉ định tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho nhóm trẻ em từ 5-11 tuổi. Tuy nhiên, phải dựa vào dữ liệu an toàn và tính sinh miễn dịch của nhà sản xuất và nhà sản xuất phải khuyến cáo tiêm được cho trẻ em trong độ tuổi đó thì chúng ta sẽ tiêm”.
Ông Điển khuyến cáo, cần tiêm vắc xin cho trẻ em để đảm bảo trẻ bớt được triệu chứng nặng của tình trạng bệnh nếu mắc COVID-19 và đặc biệt trong nhóm trẻ có bệnh nền như ung thư, thận, gan… thì vắc xin sẽ góp phần làm giảm tỷ lệ tử vong vì đây là đối tượng nguy cơ cao. Theo dữ liệu hiện nay, trên toàn thế giới, số lượng trẻ em mắc COVID-19 nặng và tử vong thấp hơn so với nhóm người lớn trên 50 tuổi.
“WHO đang kêu gọi các nhà sản xuất gửi dữ liệu hoàn chỉnh về vắc xin phòng COVID-19 cho WHO đánh giá nhằm tăng cường nguồn cung vắc xin cho trẻ em và thanh thiếu niên. Vì thanh thiếu niên và trẻ em mắc bệnh nền cũng có nguy cơ mắc COVID-19 nặng cao hơn, nên nhóm này có thể được đề nghị tiêm chủng”.
TS Park Kidong, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam
Về kế hoạch tiêm vắc xin cho trẻ em tại Việt Nam, TS Park Kidong, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, cho hay: “Trước khi khuyến cáo tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho thanh thiếu niên từ 12-17 tuổi, Bộ Y tế đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đẩy nhanh tiêm chủng cho người lớn là ưu tiên hàng đầu, đặc biệt đối với nhân viên y tế, người cao tuổi và những người có bệnh nền. Điều này phù hợp với khuyến nghị của WHO. Hiện nay, WHO đã phê duyệt vắc xin phòng COVID-19 Pfizer/BioNTech vào danh sách sử dụng khẩn cấp (EUL) để sử dụng cho thanh thiếu niên (trẻ em trên 12 tuổi)”.
Hà Nội: Trẻ có thể đi học khi phủ vắc xin cho người lớn
Dịch COVID-19 tại Hà Nội những ngày qua đang phức tạp trở lại với sự Kiều Dụ xuất hiện của ổ dịch ở huyện Quốc Oai và một số quận, huyện khác. Đây chính là nguyên nhân khiến nhiều phụ huynh lo ngại trẻ sẽ khó sớm có thể trở lại đi học bình thường khi chưa được tiêm vắc xin.
Về vấn đề này, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, nói: “Thời gian qua, số trẻ mắc COVID-19 tại Hà Nội là có nhưng không nhiều và hầu hết đều thuộc nhóm không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ. Trong khi đó, hiện nay tiêm vắc xin giảm được sự lây nhiễm nhưng không phải giúp phòng bệnh được triệt để. Người tiêm rồi vẫn có thể bị nhiễm bệnh và lây lan cho người khác. Song quan trọng nhất là khi mắc thường có triệu chứng nhẹ và không phải nhập viện, không gây quá tải hệ thống y tế và không bị tử vong”. Do đó, chuyên gia này nhận định, Hà Nội có thể cho học sinh đi học trở lại tốt nhất là khi đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin cho người dân hoặc tiêm vắc xin cho trẻ em.
“Lúc này cho trẻ đi học là có rủi ro nhưng không thể cho trẻ ở nhà, học trực tuyến mãi được. Chúng ta không thể về “Zero COVID-19”, phải chấp nhận sống chung nhưng phải lưu ý là khi phát hiện F0 thì cần nhanh chóng khoanh vùng, dập dịch càng gọn càng tốt”, ông Phu nói.
Theo Hà Minh/Tiền Phong