Chiều 28/12, trao đổi với PV, TS Nguyễn Đình Học, Giám đốc Sở Y tế Bắc Kạn xác nhận và cho biết đã chỉ đạo, yêu cầu Bệnh viện Đa khoa Bắc Kạn làm rõ vụ việc bác sĩ quên kéo trong bụng bệnh nhân 18 năm.
Theo thông tin ban đầu, tháng 6/1998, ông Ma Văn Nhật (trú tại xã Bình Trung, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn) bị ghi đông xe đâm vào mạng sườn và được chỉ định phẫu thuật. Sau khi chuyển từ tuyến huyện lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn phẫu thuật, ông Nhật về nhà vẫn sinh hoạt bình thường.
Tuy nhiên gần đây ông thấy đau bụng âm ỉ, gia đình tưởng ông bị đau dạ dày nên mua thuốc về uống nhưng không hiệu quả. Gần đây, cũng do một tai nạn, ông đến khám tại Bệnh viện Gang thép Thái Nguyên thì phát hiện trong bụng có một chiếc kéo dài 15 cm.
|
Hình ảnh chiếc kéo bị bác sĩ quên trong bụng bệnh nhân Nhật suốt 18 năm. |
Theo kết quả siêu âm ngày 25/12/2016 của Bệnh viện Gang thép Thái Nguyên, đây là một chiếc panh chuyên dùng để mổ của ngành y. Kết quả siêu âm ổ bụng ông Nhật 2 ngày sau đó tại Bệnh viện đa khoa Bắc Kạn cũng cho kết quả tương tự.
Kết quả chụp X-quang cho thấy hình chiếc kéo mổ rất rõ nằm trong ổ bụng của ông Nhật. Ông Nhật cho biết, từ sau lần mổ vào năm 1998 đến nay ông chưa hề đi bệnh viện khám cũng như phẫu thuật lần nào. Do đó, việc có chiếc kéo trong ổ bụng chỉ có thể do bác sỹ quên khi phẫu thuật năm 1998.
|
Ông Ma Văn Nhật cùng hình ảnh chụp lại chiếc kéo ở trong bụng mình (ảnh báo Tin tức). |
Liên quan đến sự việc này, bà Trịnh Thị Lượng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Bắc Kạn cho biết, bệnh viện đã tiếp nhận phản ánh của gia đình ông Nhật. Do thời gian quá lâu, hồ sơ bệnh án đã hủy nên Bệnh viện đang cho kiểm tra lại những bác sỹ tham gia kíp mổ cho ông Nhật năm 1998. Khi xác minh đầy đủ, Ban Giám đốc bệnh viện sẽ họp và đưa ra xử lý cụ thể.
Theo TS Nguyễn Đình Học, Giám đốc Sở Y tế Bắc Kạn, sau khi tiếp nhận thông tin này, Sở đã chỉ đạo ngay Bệnh viện Đa khoa Bắc Kạn kiểm tra, xử lý theo yêu cầu của gia đình ông Nhật. Trước mắt, phía bệnh viện cần trao đổi, thống nhất với gia đình bệnh nhân để lấy “dị vật” đó ra khỏi cơ thể càng sớm càng tốt.
“Đây là sự việc có thật nhưng điều cần phải tiến hành ngay là việc lấy vật đó ra khỏi người ông Nhật để tránh để lại hậu quả xấu. Tuy nhiên, phía gia đình và bệnh viện chưa thống nhất được phương án mổ tại bệnh viện hay chuyển đi nơi khác vì họ băn khoăn về chuyên môn.
Còn chúng tôi khẳng định, với việc mổ, lấy chiếc kéo đó ra thì với trình độ tay nghề bác sĩ tại bệnh viện bây giờ có thể làm tốt được. Nhưng nếu gia đình không yên tâm, có thể đến một nơi khác mổ, bệnh viện cũng sẽ có tránh nhiệm của mình. Tuy nhiên, việc này hai bên vẫn chưa “chốt” phương án nên cần phải bàn thảo thêm”, TS Nguyễn Đình Học, Giám đốc Sở Y tế Bắc Kạn cho hay.
Về câu hỏi, sau sự việc này có quy trách nhiệm với y, bác sĩ để xảy ra “sự cố” này không thì vị Giám đốc Sở Y tế Bắc Kạn cho rằng: “Vì thực tế nếu thời gian 18 năm thì hồ sơ bệnh án có khả năng không còn lưu nữa, nhưng bệnh viện vẫn đang cho rà soát lại. Còn việc xác định y, bác sĩ để xảy ra thiếu sót đó cũng thông cảm vì bệnh viện thời điểm ấy còn sơ khai, trình độ chuyên môn còn hạn chế. Thậm chí, ở lứa tuổi những người ấy bây giờ có khi một số người đã không còn sống nữa”.
Theo Hải Sơn/ Vietq