Ngày 17/3, WHO đưa ra khuyến cáo những người đang mắc các triệu chứng bệnh của Covid-19 không dùng ibuprofen sau khi giới chức y tế Pháp cảnh báo loại thuốc kháng viêm ibuprofen có thể gây ra tác hại nặng nề hơn cho những triệu chứng bệnh.
Trước đó, Bộ Y tế Pháp dẫn nghiên cứu nói rằng Ibuprofen có thể làm mất triệu chứng điển hình của Covid-19 và khiến cho bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.
Cảnh báo do Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran đưa ra sau một nghiên cứu gần đây công bố trên tạp chí y khoa The Lancet.
Theo đó, nghiên cứu nêu giả thuyết một loại enzyme do các loại thuốc kháng viêm như ibuprofen kích hoạt mạnh lên có thể khiến các triệu chứng bệnh Covid-19 tiến triển nhanh hơn và nghiêm trọng hơn.
|
WHO khuyến nghị không tự dùng ibuprofen cho người có triệu chứng mắc Covid-19. Ảnh: Internet. |
Khi được hỏi về nghiên cứu này, người phát ngôn của WHO, ông Christian Lindmeier, nói với các phóng viên tại Geneva rằng các chuyên gia của Liên Hiệp Quốc đang "xem xét kỹ hơn về vấn đề này để đưa ra chỉ dẫn tiếp theo".
"Trong lúc đó, chúng tôi khuyến nghị nên dùng paracetamol, không dùng ibuprofen để tự điều trị. Đó là điều quan trọng", ông Christian Lindmeier nói.
Ông Christian Lindmeier cũng nói thêm trong trường hợp nếu thuốc này đã được các chuyên gia y tế kê cho người bệnh thì việc dùng tiếp hay không lúc này sẽ tùy thuộc họ.
Ông Christian Lindmeier đưa ra những khuyến nghị này sau khi Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran cảnh báo trên Twitter việc dùng ibuprofen và các loại thuốc kháng viêm tương tự có thể là "nhân tố làm trầm trọng thêm" tình trạng sức khỏe của các ca bệnh Covid-19.
"Khi bị sốt, hãy dùng paracetamol", ông Olivier Veran nêu rõ.
Ibuprofen là một thuốc chống viêm không steroid được dùng để giảm các triệu chứng như sốt và như một thuốc giảm đau, đặc biệt là nơi có viêm.
Ở Việt Nam, thuốc hạ sốt có thành phần là Ibuprofen không phổ biến nhưng vẫn được nhiều mẹ vẫn mua sản phẩm nhập khẩu từ Úc, Newzealand, Pháp, Đức, Canada dùng.
Như vậy, khi bị sốt trên 38,5 độ thì chỉ nên dùng Paracetamol để hạ sốt.
Ghi nhớ: Xem kỹ thành phần thuốc hạ sốt trước khi sử dụng.
Bộ Y tế hướng dẫn việc cách ly y tế tại nhà
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, cách ly y tế, bao gồm: cách ly tại cơ sở y tế, cách ly tại cơ sở cách ly tập trung và cách ly tại nhà, nơi lưu trú.
Việc cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú được áp dụng đối với những người đã tiếp xúc với người có tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân được xác định nhiễm virus SARS-CoV-2 (đối tượng F2), những người tiếp xúc gián tiếp (đối tượng F3, F4). Thời gian cách ly được quy định là 14 ngày kể từ khi tiếp xúc với nguồn nghi ngờ truyền nhiễm.
Người được cách ly cần thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh cá nhân sau đây:
- Thường xuyên đeo khẩu trang; thu gom khẩu trang, khăn, giấy lau mũi, miệng đã qua sử dụng vào túi đựng rác thải riêng có nắp đậy và mang đi xử lý hàng ngày.
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng với nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn chứa ít nhất 60% cồn.
- Không dùng chung các đồ dùng vật dụng cá nhân như bát, đũa, thìa, cốc, bàn chải đánh răng, khăn mặt... Không ăn chung cùng với những người khác trong gia đình, nơi ở, nơi lưu trú.
- Đảm bảo ăn uống đủ chất dinh dưỡng, uống đủ nước, vận động cơ thể, tập thể dục nhẹ nhàng tại chỗ. Việc người dân nâng cao ý thức cộng đồng, thực hiện tốt các quy định cách ly, vệ sinh phòng dịch là góp phần chiến thắng giặc dịch Covid-19.
Thảo Nguyên