WHO cảnh báo "xu hướng nguy hiểm" khi tiêm trộn vaccine khác nhau

Google News

Ngày 12/7, bà Soumya Swaminathan- nhà khoa học hàng đầu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã khuyến cáo các nước không nên tiêm trộn các loại vaccine khác nhau, đồng thời cảnh báo "xu hướng nguy hiểm" trong bối cảnh chưa có dữ liệu chứng minh hiệu quả.

"Đây là vấn đề mang xu hướng nguy hiểm. Chúng ta đang chưa có dữ liệu hay bằng chứng để chứng minh hiệu quả kết hợp các loại vaccine khác nhau. Điều này sẽ gây ra tình huống gây hỗn loạn tại một số quốc gia trước khi người dân bắt đầu quyết định thời điểm tiêm mũi thứ hai hay thứ ba...", bà Soumya Swaminathan cho biết.
WHO canh bao
Ảnh minh họa. Nguồn: Reuters 
Trên Twitter, bà Soumya Swaminatha nhấn mạnh các nước nên làm theo lời khuyên của các chuyên gia y tế công cộng và không nên tự đưa ra quyết định tiêm trộn vaccine hay tăng liều lượng. Các cơ quan y tế công cộng đều đưa ra lời khuyên dựa trên dữ liệu nghiên cứu. Việc tiêm kết hợp các loại vaccine khác nhau cần phải có thêm thời gian đánh giá về tính an toàn cũng như khả năng miễn dịch.
Theo hãng Reuters, Canada là một trong số các quốc gia tiến hành tiêm trộn các loại vaccine khác nhau. Vào tháng Sáu, Ủy ban Cố vấn quốc gia về tiêm chủng Canada (NACI) cho biết, những người đã tiêm mũi đầu tiên của vaccine AstraZeneca có thể tiêm mũi thứ hai là vaccine mRNA của Pfizer-BioNTech hay Moderna trừ khi có chống chỉ định. Các chuyên gia y tế của Canada ủng hộ chủ trương này và đánh giá khả năng an toàn khi tiêm hai mũi vaccine của hai hãng khác nhau.
NACI cũng thúc đẩy việc tiêm trộn hai loại vaccine mRNA khác nhau, đồng thời khẳng định các loại vaccine này có thể thay thế cho nhau nếu cùng sử dụng công nghệ mRNA. Vào cuối tháng Sáu vừa qua, bang Ontario, Canada đã sử dụng vacine Moderna để tiêm mũi thứ hai cho người dân trong bối cảnh thiếu hụt vaccine Pfizer-BioNTech.
Bà Theresa Tam, Giám đốc Y tế công cộng của Canada cho biết, khuyến nghị tiêm trộn hai loại vaccine là do thiếu hụt nguồn cung.
Tin mới nhất về hiệu quả của Sputnik V; WHO cảnh báo các nước đang làm điều nguy hiểm với vaccine
Trước các khuyến nghị trên, giới chức y tế Canada đang chờ thêm các nghiên cứu từ châu Âu nhằm đưa ra quyết định về việc có nên tiếp tục tiêm trộn các loại vaccine khác nhau hay không.
Kết quả sơ bộ từ nghiên cứu của Đại học Oxford công bố vào ngày 12/5 cho biết việc tiêm trộn vaccine Pfizer-BioNtech và AstraZeneca có thể làm tăng tầng suất tác dụng phụ từ nhẹ đến trung bình. Tuy nhiên, các triệu chứng chỉ tồn tại trong thời gian ngắn (không kéo dài quá vài ngày) và không có trường hợp nào phải nhập viện.
Theo Hồng Nhung/ Tổ Quốc