Ngày 17/8, sự việc một sản phụ chuyển dạ ở Bình Phước bị tài xế đuổi xuống xe giữa đường, bé trai tử vong khi vừa mới sinh, khiến dư luận bức xúc.
Trong vụ tài xế bỏ rơi sản phụ trên đường, theo các bác sĩ nếu sản phụ chuyển dạ sinh con dọc đường có thể gặp nguy hiểm tới tính mạng nếu không được xử trí kịp thời.
|
Sản phụ chuyển dạ ở Bình Phước bị tài xế đuổi xuống xe giữa đường, bé trai tử vong khi vừa mới sinh. |
Đẻ rơi là tình trạng thai phụ sinh em bé trước thời điểm mà bác sĩ đã dự tính. Đồng thời, việc này diễn ra ở những nơi không phù hợp với việc sinh đẻ, như: nơi đang làm việc (công sở, nhà máy, cánh đồng...) hoặc thai phụ đang trên đường, trên tàu xe... hay đang đi đến cơ sở y tế.
Trong trường hợp này, thai phụ cần được giúp đỡ khẩn cấp, tại chỗ và tùy theo tình huống cụ thể lúc đó. Nếu không được giúp đỡ, thai phụ có thể gặp nguy hiểm. Việc ra máu nhiều, mệt mỏi, lo sợ, hoảng hốt sẽ dẫn đến tình trạng băng huyết, đặc biệt là ở những người đã sinh con nhiều lần. Hoặc thai phụ dễ bị rách cổ tử cung. Với em bé, nếu bà đỡ lúng túng và xử lý bằng các dụng cụ không đạt vệ sinh, sẽ dễ dẫn đến tình trạng uốn ván rốn, có thể dẫn tới tử vong.
Chia sẻ trên Zing.vn, Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), chuyên gia về hồi sức - cấp cứu nhi, cho biết trong trường hợp sản phụ phải vượt cạn giữa đường, mẹ và em bé vẫn đảm bảo được an toàn nếu người nhà biết cách sơ cứu.
Cách sơ cứu khi sản phụ đẻ rơi
Điều quan trọng nhất khi gặp những tình huống này là phải thật bình tĩnh. Sau đó, bạn cần trấn an thai phụ và mọi người trên tàu xe. Thông thường, khi gặp tình huống này, mọi người sẽ xôn xao, rối trí, lo lắng.
|
Ảnh minh họa: Internet. |
Vì là người không chuyên nên chắc chắn bạn sẽ cần sự giúp đỡ của nhiều người. Bạn hãy nhờ một người gọi và xác định địa chỉ trạm y tế, bệnh viện gần nhất. Nếu đang trên xe, có thể nhờ tài xế chạy về hướng ấy. Cùng với đó, việc quan trọng lúc này là phải giúp thai phụ chuyển dạ an toàn.
Hãy tìm ngay một chỗ sạch sẽ, trải khăn, tấm ni-lông và cho thai phụ nằm xuống. Cởi bỏ đồ đạc ở phần dưới cơ thể của mẹ nhằm tạo “đường ra” cho em bé. Đừng quên động viên thai phụ thở (hít sâu, thở ra từ từ, đều đặn) và rặn mỗi khi có cơn gò tử cung xuất hiện.
Khi em bé đã chào đời, bạn phải nhanh tay lau nhớt ở miệng bé bằng khăn sạch để tạo đường thở cho trẻ. Bạn có thể đặt bé nằm nghiêng sang một bên để đàm nhớt chảy ra ngoài. Sau đó, ủ ấm bé bằng tất cả những gì mình đang có (chẳng hạn như khăn lông, áo...). Nếu để lạnh, bé sẽ bị tím tái, suy hô hấp, dẫn đến co giật do ngạt, thiếu ô-xy ở não, rất nguy hiểm cho sức khỏe của bé.
Nếu sắp tới trạm y tế hoặc bệnh viện, bạn không cần thực hiện việc cắt dây rốn cho bé. Lúc này, chỉ cần đưa bé cho mẹ ôm sát vào người và ủ ấm cho cả hai mẹ con. Công việc tiếp theo sẽ được bác sĩ, nữ hộ sinh thực hiện.
Video "Nghi án bố ép con gái 15 tuổi quan hệ đến sinh con". Nguồn: VTC.
Trong trường hợp phải đi tiếp vài giờ mới tới nơi, bạn có thể cắt dây rốn cho bé để tiện việc chăm sóc cho cả mẹ và con. Tuy nhiên, phải thật cẩn thận khi cắt dây rốn cho bé. Tất cả những dụng cụ bạn tìm thấy (có sẵn hoặc dừng lại để mua...) đều phải mới và sạch sẽ. Bạn cần vệ sinh tay trước khi cắt rốn cho bé. Dùng một sợi chỉ (nếu không có thì có thể sử dụng các loại dây sạch khác hoặc chỉ rút từ áo) buộc chặt vài vòng, cách rốn bé 2 gang tay (khoảng cách dài để bác sĩ xử lý lại khi bé nhập viện). Sau đó, bạn dùng dao lam mới để cắt dây rốn.
Nếu thấy máu ở dây rốn của bé chảy ra, bạn tiếp tục lấy chỉ buộc cho đến khi máu ở dây rốn của bé ngừng chảy. Lưu ý, nếu máu chảy nhiều, bé sẽ bị tử vong.
Về phần mẹ, khi đó, bạn không cần xử trí gì thêm. Nếu nhau đã bong hết, bạn cần xoa nắn bụng cho sản phụ.
Lưu ý, bạn chỉ sử dụng những khăn sạch, khô để lau cho mẹ và bé để tránh tình trạng mẹ con sản phụ bị nhiễm lạnh.
Thảo Nguyên (TH)