Thuốc giảm đau nhóm opioid
Theo Cơ quan Quản lý Thực & Dược phẩm Mỹ (FDA), thuốc giảm đau nhóm opioid là dược phẩm tự nhiên và tổng hợp, có các tính chất như morphine tác động lên các thụ thể opioid.
Opioid bao gồm các loại thuốc phiện (opiat), các loại thuốc có nguồn gốc từ thuốc phiện, kể cả morphin. Các opioid khác là các loại thuốc bán tổng hợp và tổng hợp như hydrocodone, oxycodone và fentanyl; thuốc đối kháng như naloxone và peptide nội sinh như endorphins.
Các loại thuốc nhóm opioid chủ yếu được sử dụng để giảm đau, bao gồm cả gây mê, chúng cũng được sử dụng để giảm ho, chống tiêu chảy.
Tác dụng phụ của thuốc phiện bao gồm ngứa, buồn ngủ, buồn nôn, suy hô hấp, táo bón, và hưng phấn. Khi sử dụng liên tục, lạm dụng có thể dẫn đến phụ thuộc, đòi hỏi phải tăng liều và dẫn đến một hội chứng cai nghiện khi ngưng đột ngột.
Cảm giác hưng phấn thu hút sử dụng thuốc để giải trí, và việc sử dụng thường xuyên opioid trong giải trí dẫn đến nghiện nặng. Tai nạn vì dùng quá liều hoặc sử dụng đồng thời với các thuốc giảm đau khác có thể dẫn đến tử vong do suy hô hấp.
Và vụ kiện thế kỷ
Vụ kiện thuốc giảm đau opioid hay còn gọi là vụ kiện Khủng hoảng Opioid diễn ra từ năm 2014 tại hầu hết các bang của Mỹ và được xem là một trong những vụ kiện lớn nhất thế kỷ tại quốc gia này. Các hãng dược phẩm bị cáo buộc gian dối trong việc tiếp thị sản phẩm, thủ phạm làm tăng nạn nghiện ma túy, đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe người dân.
Cụ thể hơn, các hãng dược phẩm đã phát động các chiến dịch tiếp thị quảng cáo sản phẩm, hạ thấp khả năng gây nghiện của nhóm thuốc giảm đau kê đơn opioid, vốn có thành phần hóa học như heroin hay thuốc có thuốc phiện.
Trong vụ kiện thuốc giảm đau opioid, New York chậm hơn so với các bang khác. Ngày 23/1/2018, chính quyền thành phố mới chính thức nộp đơn lên Tòa án Tối cao, kiện các ông lớn Big Pharma, thủ phạm gây ra cuộc khủng hoảng thuốc giảm đau opioid tại bang và trên toàn lãnh thổ Mỹ nói chung.
|
Thị trưởng TP New York Bill de Blasio chính thức công bố quyết định kiện các nhà sản xuất và phân phối thuốc giảm đau opioid. |
Trong cuộc họp báo hôm 23/1, thị trưởng Bill de Blasio cho hay, New York kiện các nhà sản xuất và phân phối thuốc giảm đau gây nghiện nhằm bù đắp một phần thiệt hại người tiêu dùng phải gánh chịu. Đây là vụ kiện tầm cỡ quốc gia, yêu cầu các hãng dược phẩm bồi thường khoảng nửa tỷ USD.
Liên quan đến thiệt hại từ vụ kiện thuốc giảm đau opioid, báo chí Mỹ coi đây là vụ bê bối y tế lớn nhất lịch sử Hoa Kỳ, còn Tổng thống D. Trump thì gọi đây là tình trạng khẩn cấp quốc gia, chính phủ cho phép các cơ quan chức năng vào cuộc để nhanh chóng tìm ra sự thật.
Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Mỹ (CDC), từ năm 1999, số người Mỹ chết vì lạm dụng thuốc nhóm opioid đã tăng tới 4 lần. Trong giai đoạn 2000-2015, hơn 500.000 người qua đời vì dùng quá liều, trong đó phần lớn có liên quan tới thuốc nhóm opioid. Mới đây, Bộ Tư pháp Mỹ đã quyết định bổ nhiệm 12 công tố viên thực thi trách nhiệm truy tố các vụ gian lận liên quan đến thuốc nhóm opioid được sử dụng ít nhất ở 30/50 bang của Mỹ.
Theo truyền thông, hàng chục thành phố và nhiều bang đang khởi kiện các hãng dược phẩm đã gây ra vấn nạn nghiện ngập ma túy và do lạm dụng thuốc để giảm đau, nên phần lớn bệnh nhân đã lâm vào tình trạng nghiện “vô ý thức”ngay cả khi ngừng kê đơn. Nhiều bệnh nhân nghiện đến nỗi phải chuyển sang dùng heroine vì nó rẻ hơn.
Theo thống kê, năm 2015 có khoảng 12,5 triệu người Mỹ sử dụng sai thuốc giảm đau opioid. Đây là thuốc giảm đau gốc opioid có chứa tiền chất ma túy, nên lạm dụng rất nguy hiểm. Ví dụ thuốc giảm đau opana ER của hãng Endo, nó không chỉ gây nghiện mà còn gây ra các phản ứng phụ như tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh viêm gan C và gây ra rối loạn tiểu huyết khối. Hay thuốc oxycontin, sản phẩm bán chạy nhất thế giới của hãng dược phẩm Purdue Pharma cũng là thuốc nhanh gây nghiện nhất nếu lạm dụng...
Chỉ riêng năm 2016, Mỹ có khoảng 60.000 trường hợp tử vong vì sử dụng quá liều thuốc giảm đau opioid, tăng 19% so với năm 2015. Còn theo số liệu của chính phủ, trung bình mỗi ngày tại Mỹ có 90 người chết vì sử dụng nhóm thuốc giảm đau opioid quá liều.
Các hãng dược phẩm có tên trong vụ kiện bao gồm Purdue Pharma, Teva, Cephalon, Johnson & Johnson, Janssen, Endo, Allergan, Watson và hàng loạt các công ty con của các hãng này cũng như các hãng bán buôn, phân phối loại thuốc nói trên như McKesson, Cardinal Health và AmerisourceBergen.
Theo Khắc Nam/suckhoedoisong.vn