Anh Trần Ngọc Hoàng, bị hại trong vụ án bị con nuôi Đường “Nhuệ” là Tiến “trắng” và đàn em cố ý gây thương tích cho biết, đã nộp cho Cơ quan điều tra thuộc Viện KSND Tối cao tờ đơn đánh máy sẵn nội dung do điều tra viên vụ án gửi đến để yêu cầu bị hại ký tên.
Bị khởi tố về tội “không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội”
Như Tiền Phong đã đưa tin, sáng 2/12, Cơ quan điều tra thuộc Viện KSND tối cao đã tống đạt quyết định khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt giam đối với ông Vũ Đức Tuấn (36 tuổi, Phó Trưởng Công an huyện Vũ Thư, Thái Bình), bà Phạm Thị Thu Hiền (44 tuổi, Phó Viện trưởng Viện KSND huyện Vũ Thư) và Nguyễn Hoàng Hà (45 tuổi, kiểm sát viên Viện KSND huyện Vũ Thư), tỉnh Thái Bình, về tội “Không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội” theo quy định tại khoản 2 Điều 369 Bộ luật Hình sự.
Trước đó, vào ngày 29/10/2020, Cơ quan điều tra thuộc Viện KSND tối cao đã khởi tố bị can, bắt tạm giam 2 cán bộ công an huyện Vũ Thư là Thiếu tá Nguyễn Bằng Giang, Phó Trưởng Công an xã Song An và Trung tá Hoàng Hồng Hạnh, Đội trưởng Đội Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp, Công an huyện Vũ Thư.
|
Thi hành lệnh bắt giam, dẫn giải các bị can tham gia chạy án tại Vũ Thư. |
Cả 5 người trên đều bị khởi tố, bắt tạm giam do liên quan đến vụ án “Cố ý gây thương tích”, xảy ra ngày 22/5/2018 tại xã Vũ Tiến (huyện Vũ Thư, Thái Bình). Cụ thể, Cơ quan điều tra, Viện KSND tối cao xác định các điều tra viên, cán bộ điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Vũ Thư đã không thực hiện giám định thương tích, không dẫn giải người bị hại đi giám định, thiết lập tài liệu khống, ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự để không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với đối tượng thực hiện hành vi phạm tội.
Về phía Viện Kiểm sát, lãnh đạo và kiểm sát viên Viện KSND huyện Vũ Thư biết rõ việc không thực hiện trưng cầu giám định thương tích đối với bị hại, nhưng không thực hiện quyền hủy bỏ quyết định không khởi tố, đã thống nhất với cơ quan điều tra trong việc không khởi tố vụ án hình sự, nhằm mục đích không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với đối tượng thực hiện hành vi phạm tội.
Định tìm cách thoát khỏi trách nhiệm hình sự
Trong vụ án trên, một “mắt xích” quan trọng để làm lộ vết tích “chạy án”, tìm cách thoát khỏi trách nhiệm hình sự của 5 cán bộ vừa bị bắt là lá đơn ký khống do chính bị hại Trần Ngọc Hoàng (sinh năm 1983, trú tại thôn Bồng Lai, xã Vũ Tiến, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) nộp cho cơ quan điều tra, Viện KSND tối cao.
Anh Hoàng cho biết, ngay sau khi Cơ quan điều tra,Viện KSND Tối cao tiến hành điều tra về việc bỏ lọt tội phạm trong vụ án cố ý gây thương tích mà anh là bị hại thì ngày 5/5/2020, hai cán bộ thụ lý điều tra vụ án lúc đó là Nguyễn Hoàng Giang và Hoàng Hồng Hạnh đã vội vàng mang tờ đơn (Đơn đề nghị) đánh máy in sẵn nội dung đến công an xã Vũ Tiến, nhờ công an viên của xã này chuyển đến nhà anh Hoàng, nói với anh Hoàng ký vào lá đơn đó. Nội dung lá đơn nêu anh Hoàng thừa nhận đã chấp nhận bồi thường, xin lỗi và không đồng ý tiếp tục đi giám định thương tích.
Sau khi đọc xong nội dung đơn, anh Hoàng thấy hoài nghi, nên đã điện thoại cho một cán bộ của Cơ quan điều tra, Viện KSND Tối cao. Vị cán bộ đó đã nói với anh Hoàng chụp hình lại lá đơn và làm theo yêu cầu của Công an.
Ngay sáng ngày hôm sau, cán bộ của Cơ quan điều tra, Viện KSND Tối cao đã lập tức từ Hà Nội về xã Vũ Tiến, tiến hành lập biên bản sự vụ.
Từ sự vụ lá đơn cùng với kết quả thu thập được trong quá trình điều tra vụ án, Cơ quan điều tra, Viện KSND Tối cao đã lần lượt ra quyết định khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt tạm giam 2 lãnh đạo và 3 nhân viên hai cơ quan bảo vệ pháp luật huyện Vũ Thư như đã nêu trên.
Nạn nhân chưa được bồi thường
|
Sau khi bị con nuôi Đường “Nhuệ” là Tiến “trắng” cùng đồng bọn đánh gây tổn hại đến 43% sức khỏe, anh Trần Ngọc Hoàng phải bán xe, lên Hà Nội làm thuê. Ảnh: Hoàng Long |
Liên quan đến vụ việc, chiều 8/12, anh Trần Ngọc Hoàng cho biết, ngay sau khi bị Tiến “trắng” và đồng bọn đánh, cắt gân, anh Hoàng đã phải bán ô tô để lo chữa chạy vết thương. Do không có nghề nghiệp, từ đó đến nay anh Hoàng phải lên Hà Nội làm thợ hồ, phụ việc để kiếm sống. Anh chỉ làm được việc nhẹ vì chân tay bị thương tật, tiền công rất thấp.
“Cuối tháng 10 vừa qua, TAND tỉnh Thái Bình đã xử Tiến “trắng” và đàn em với phán quyết họ phải bồi thường cho tôi 180 triệu đồng. Tuy nhiên, đến nay tôi chưa hề nhận được đồng nào. Kính mong cơ quan chức năng tỉnh Thái Bình sớm thi hành án để các đối tượng bồi thường cho tôi như tuyên án của Tòa, vì hiện nay hoàn cảnh của tôi rất khó khăn. Ngoài bản thân thương tật, tôi còn phải lo cho vợ và 2 con nhỏ đi học”, anh Hoàng nói với phóng viên Tiền Phong.
Theo Hoàng Long/Tiền Phong