Vòng quay cuộc sống và những tử thần giấu mặt

Google News

Không phải ngẫu nhiên mà WHO lựa chọn chủ đề cho Ngày sức khỏe thế giới năm nay là: “Bệnh trầm cảm, hãy cùng trò chuyện”.
 

Bác dâu tôi gần 80 tuổi ở quê nhà. Có lẽ phải đến 7 năm rồi, bác là một con người khác. Từ một bà giáo hiền từ, kiên nhẫn luyện ôn môn Toán với lũ học trò cấp 3 ngỗ nghịch, bằng thứ kỹ năng sư phạm cổ xưa nhưng rất hiệu quả, nay bác bỗng trở thành một người kiệm lời hết mức.
Chiều chiều, bác hay ngồi nhìn vô định ra cánh đồng rộng trước hiên nhà, mặc những sợi tóc bạc bay bay trong gió. Không cử động nhiều, không nói một lời, bác ngồi đó đến khi trời xẩm tối, mới trở vào lặng lẽ ăn bát cơm mà cả nhà để phần trong chiếc mâm đồng trên phản.
Bác bị bệnh trầm cảm.
Vong quay cuoc song va nhung tu than giau mat
 Người già đang ngày càng cô đơn giữa những người thân của mình. Ảnh minh họa.
Không ai rõ nguyên nhân khiến bác mắc căn bệnh này. Thuốc thang chữa trị khắp nơi, đông tây y đủ cả, nhưng không thấy bệnh thuyên chuyển. Càng ngày, người thân càng thấy khó nói chuyện với bác. Càng ngày, căn bệnh của bác càng nặng hơn. Bác vẫn tự túc mọi sinh hoạt của mình, còn những thành viên khác trong gia đình chỉ biết nén thở dài, âm thầm phục vụ bác.
Tôi bỗng nhớ về những dòng tin “tìm người thân” trên ti vi hay mạng xã hội. Phần lớn trong số họ là những người trên 60 tuổi, thường được mô tả là mệt mỏi, chán ăn, buồn rầu. Tôi nhớ về trường hợp vài cô cậu sinh viên, tuổi đời còn trẻ, nhưng trở nên chán nản và chỉ nghĩ đến những chuyện tiêu cực, không thiết sống và học hành… sau một cú sốc tình cảm hoặc trải qua quá trình học tập căng thẳng.
Tất cả họ đều mang những triệu chứng của bệnh trầm cảm, nhưng phần lớn người thân và bạn bè không chú ý tới căn bệnh này để chữa trị cho đúng. Hóa ra căn bệnh ấy hiển diện xung quanh chúng ta bao lâu nay, nhưng đã không được chú ý đúng mức.
Theo các số liệu thống kê của Chính phủ Việt Nam và WHO, năm 2000, tỉ lệ mắc bệnh trầm cảm ở nước ta là 2,47% dân số, nhưng hiện nay, con số này đã tăng trên 15%, tương đương với khoảng 12 triệu người có vấn đề về rối loạn tâm thần, trong đó phần lớn là bệnh trầm cảm, sau đó là những bệnh nặng hơn như tâm thần phân liệt, nghiện hoặc lạm dụng rượu, ma túy và chậm phát triển trí tuệ.
Nguy hiểm hơn là đã có tới 3,78 triệu người Việt Nam đã thực hiện hành vi tự tử sau những chuỗi ngày mắc bệnh trầm cảm. Tỉ lệ nam giới tự tử cao gấp 4 lần nữ giới.
Theo nghiên cứu, nam giới thường phải chịu áp lực về thành đạt trong cuộc sống, và khi không đạt được điều này, họ thường ôm nỗi buồn một cách lặng lẽ, không chia sẻ nên rất dễ bị stress, có những cơn giận giữ đột ngột, không làm chủ bản thân, không quyết định được việc gì.
Còn ở phái nữ, triệu chứng thường thấy nhất là buồn, âu sầu, than khóc, thờ ơ… không thấy thích thú với những việc hàng ngày, tuyệt vọng hoặc thấy mình chẳng có giá trị gì; ngủ quá nhiều hoặc ngủ li bì, đánh thức cũng không tỉnh; cảm giác mệt mỏi rã rời hặc uể oải, không tập trung chú ý điều gì…
Nhưng cũng có khoảng 25% số người mắc bệnh trầm cảm được lành bệnh nhờ được điều trị kịp thời và đúng phương pháp, bao gồm cả thuốc và trị liệu tâm lý.
Tôi lại nghĩ về người bác già. Lâu nay, ít người trong gia đình chịu kiên nhẫn chia sẻ cùng bác. Mọi người đều kiệm lời hết mức với một người được cho là “không còn bình thường”, “không còn minh mẫn” nữa. Ngôn ngữ giao tiếp chỉ là những khẩu lệnh cụt lủn. Và như thế, bác đang ngày càng cô đơn giữa những người thân của mình.
Trở lại nhịp sống sôi động của đô thị. Hình ảnh phổ biến ở bất kỳ đâu là việc mỗi người một chiếc điện thoại, cắm cúi vào đó. Họ rất hăng hái trao đổi, giao tiếp, tranh cãi, bàn bạc về vấn đề nào đó trên mạng xã hội. Trong khi con người ảo tỏ ra vô cùng năng động và bận rộn, thì con người thật lại khép mình, không giao tiếp với xung quanh.
Tối đến, khi về nhà, cha mẹ con cái cũng vậy. Mỗi người có một thế giới riêng của mình và các thành viên trong gia đình ngày càng độc lập với nhau.
Không phải ngẫu nhiên mà WHO lựa chọn chủ đề cho Ngày sức khỏe thế giới năm nay là: “Bệnh trầm cảm, hãy cùng trò chuyện”.
Cuộc sống hiện đại đang kéo mọi người chạy theo vòng quay chóng mặt của nó. Cạnh tranh gay gắt, áp lực nặng nề, mọi người đều hối hả với những công việc, học tập của mình mà thiếu đi sự liên kết tình cảm, chia sẻ, lắng nghe và thông cảm cùng nhau. Phải chăng đó cũng là “đất sống” cho căn bệnh trầm cảm thêm phát tác tại Việt Nam?
Theo Thu Hương/Khám Phá