Trong một series thử nghiệm "To catch a cheater" (Bắt kẻ ngoại tình) trên Youtube, chị Julie (Mỹ) muốn nhờ chương trình dụ cho chồng mình có hành động trăng hoa rồi ghi hình lại để có cớ đòi ly hôn. Chị kể ông xã thường xuyên bạo hành chị bằng lời nói, hễ nóng lên là chửi tục, la mắng vợ.
Chương trình thử nghiệm đã cử cô người mẫu Kristina tiếp cận chồng chị Julie ở bãi đỗ xe ngoài văn phòng của anh.
|
Cô gái trẻ ăn mặc bốc lửa để tiếp cận và quyến rũ chồng chị Julie |
Cô gái mặc váy bó sát, nói với chồng chị Julie rằng cô đang trên đường tới chỗ chụp ảnh cho một hãng nội y và bắt đầu tán tỉnh, thậm chí đụng chạm vào anh. Cô còn khoe đường cong và gợi ý cho anh này chạm vào mình.
Chị Julie vô cùng ngạc nhiên khi chồng từ chối thẳng thừng trước cô người mẫu hỏi xin số điện thoại, mời đi ăn tối. Anh còn giơ ngón tay đeo nhẫn ra và đáp: "Tôi già bằng bố cô đó". Khi cô gái cố nài kéo, anh quát lên: "Tránh xa ra. Tôi nói không thì nghĩa là không".
Theo The Sun, hầu hết các bà vợ sẽ hạnh phúc khi chồng mình chẳng đoái hoài đến gái trẻ, nhưng chị Julie lại bực bội vì chồng không rơi vào bẫy. Chị khẳng định dù gì chăng nữa chị vẫn sẽ ly dị.
"Cuộc sống của tôi đã phụ thuộc vào anh ta quá lâu. Tôi đã luôn phải phục vụ anh ta. Tôi không thể làm như thế nữa", chị nói.
Bạo hành bằng lời nói - kiểu bạo lực khiến bạn đời uất ức
Khi nhắc đến bạo lực gia đình, mọi người thường nghĩ tới hành vi đánh đập, gây thương tích. Và ít ai thấy sự nghiêm trọng của bạo lực tinh thần. Thực tế, bạo lực tinh thần cũng gây nên những nỗi đau, uất ức, dồn nén rất đáng sợ.
Bạo hành lời nói thường liên quan đến những lời nói tiêu cực, gây thương về mặt cảm xúc cho người khác. Những câu nói có sức sát thương này khiến nạn nhân thường thấy mình không có giá trị, không giỏi giang hay kém thông minh.
Bạo lực bằng lời nói có tác động lâu dài đến nạn nhân. Nạn nhân dễ gặp những vấn đề tâm lý như lo lắng, trầm cảm hay thậm chí là rối loạn căng thẳng sau chấn thương (Post-Traumatic Stress Disorder – PTSD).
Bạo lực bằng lời nói cũng có thể khiến nạn nhân tin vào những điều rất tiêu cực về bản thân. Nạn nhân có thể cho rằng bản thân mình không có giá trị và không thể thành công ở bất kỳ lĩnh vực nào. Tâm lý này tác động tiêu cực đến mọi yếu tố trong cuộc sống của nạn nhân.
Cách vượt qua ảnh hưởng của bạo hành lời nói
Việc nhận ra các hành vi bạo hành lời nói chưa đủ để bạn tránh khỏi những ảnh hưởng chúng. Bạn cần có những cách để bảo vệ bản thân khỏi những lời nói gây sát thương.
Thể hiện thái độ của bạn
Bạn cần tỏ rõ mình không vui khi nghe những câu đùa ác ý, những biệt danh xấu, những câu chỉ trích không có tính xây dựng… Việc tỏ thái độ một cách bình tĩnh sẽ khiến người khác hiểu rằng bạn không chấp nhận việc bị bạo hành và sẽ có cách phản kháng nếu việc này tiếp diễn.
Tìm kiếm sự giúp đỡ
Bạo lực lời nói có thể để lại những ảnh hưởng lâu dài nhưng bạn có thể khắc phục bằng cách tìm đến bác sĩ tâm lý hay chuyên gia trị liệu. Sau khi được giúp đỡ, nạn nhân sẽ có thể kiểm soát tâm trạng của mình tốt hơn và tránh xa suy nghĩ tiêu cực.
Tránh những người tiêu cực
Một cách đơn giản để bảo vệ bản thân là tránh những người hay chỉ trích bạn. Nếu bạn bị bạo hành lời nói ở nhà, hãy tạo khoảng cách với người thân hay chỉ trích bạn và ngừng lắng nghe những gì họ nói.
Theo Thư Di/Gia đình và xã hội