Nghĩ như thế nên với người thân trong gia đình, tôi chẳng bao giờ dùng lời hoa mĩ. Có lần, nghe tôi nói chuyện với chồng qua điện thoại, cô bạn bình luận: "Sao cậu nói với chồng mà như nói với người dưng thế? Kiểu bỗ bã, chẳng lọt tai chút nào". Tôi cười: "Dào ơi, lão ấy thừa biết tính tớ mà! Giờ nói với chồng ngọt ngào, nhỏ nhẹ, không khéo lão ấy tưởng tớ… hâm".
Vừa lúc ấy, cô bạn tôi cũng có điện thoại của chồng gọi đến. Đang tranh luận với tôi, nghe điện thoại của chồng, giọng cô ấy đổi tông một trời một vực: "Vâng, em đây anh!... Ôi, anh ở nhà rồi á? Nay về sớm vậy sao? Vậy chồng tranh thủ cắm giúp em nồi cơm rồi hẵng đi tập nhé! Em về muộn xíu vì em đang ngồi với bạn. Lát về em nấu thức ăn rồi đợi anh và con… À, anh ơi, nhớ mang theo chai nước táo đỏ em để sẵn trong tủ lạnh, tập xong thì uống nhé! Nhớ đấy, anh đừng có quên. Ok. Tạm biệt anh!".
Tôi tròn mắt nhìn cô bạn: "Vợ chồng mà cũng khách sáo thế? Nghe cứ như nói chuyện với tình nhân ấy". Cô bạn tôi cười: "Bọn mình nói chuyện với nhau như thế quen rồi. Nếu một trong hai người nói trống không, tỏ ra lạnh nhạt với nhau là tổn thương lắm. Mà cậu cũng nên thay đổi đi! Mình cứ nói chuyện với nhau bỗ bã riết thành quen, chẳng bao giờ ngọt ngào được đâu. Như thế, khi nói lời âu yếm với nhau, ngượng mồm lắm".
Sau hôm ấy về, tôi cứ suy nghĩ về sự góp ý của cô bạn. Tôi nhận ra, hình như lâu lắm rồi, kể cả lúc vợ chồng tình cảm nhất, tôi cũng chẳng bao giờ nói câu "em yêu anh", "em nhớ anh" hay tương tự như vậy. Ngày xưa yêu nhau, chúng tôi cũng từng hay nói lời yêu và nhớ. Nhưng không biết tự bao giờ, tôi chẳng còn dùng những lời yêu thương ấy nữa. Ngay chính mẹ tôi khi nghe cách nói chuyện của tôi với chồng cũng nhiều lần phê bình: "Sao con cất câu nói với chồng con là nhát gừng nhát tỏi thế! Cùng một câu nói, con lựa lời ăn tiếng nói cho nó lọt tai xem có hơn không".
Nhớ lại lời mẹ, lời bạn, tôi thấy mình quả là "dùi đục chấm mắm cáy" với chồng con thật. Đúng là không cố tình nhưng vì muốn tỏ ra "uy quyền", thể hiện ta đây là "nóc nhà" nên tôi luôn sẵng giọng và cộc cằn với chồng con. Chắc chồng con tôi sẽ vô cùng ngạc nhiên, nếu như họ thấy tôi thay đổi ngữ điệu và ngôn từ khi trò chuyện với nhau. Nhưng chắc chắn, tôi sẽ học cách nói nhẹ nhàng, đầy đủ chủ ngữ - vị ngữ của cô bạn và thay đổi theo lời khuyên của mẹ tôi. Vì, lời nói cũng khiến chúng ta cảm thấy hạnh phúc.
Theo Tuệ Tâm/Phụ Nữ Việt Nam