Vợ chồng không giàu vẫn lập quỹ tiết kiệm cho bố mẹ 2 bên

Google News

Nhiều bố mẹ đang chuẩn bị kế hoạch vào viện dưỡng lão khi về già. Không biết mọi người nghĩ sao về chuyện này, cá nhân tôi thì không đồng tình, dù biết vào viện dưỡng lão có nhiều ưu điểm.

Mấy năm vừa rồi thấy nhiều người nhắc đến chuyện đưa cha mẹ già vào viện dưỡng lão và cho đó là có hiếu. Thậm chí nhiều bố mẹ đang có phong trào chuẩn bị kế hoạch vào viện dưỡng lão khi về già. Không biết mọi người nghĩ sao về chuyện này, cá nhân tôi thì không đồng tình dù biết vào viện dưỡng lão có nhiều ưu điểm.

Vo chong khong giau van lap quy tiet kiem cho bo me 2 ben

Ảnh minh hoạ.

Là một người con luôn gần gũi với bố mẹ 2 bên nội ngoại suốt 20 năm qua, tôi khẳng định không có bố mẹ già nào muốn vào viện dưỡng lão nếu họ có những đứa con biết lo lắng chăm sóc và yêu thương. Nhiều cô bác xung quanh tôi cho biết thực ra họ không có kế hoạch gì cả, vào viện dưỡng lão khi về già càng không.

Chỉ vì họ cao tuổi nên hay bị bệnh này bệnh nọ, sống 1 mình cô đơn, không con cháu bên cạnh nên mới muốn vào viện dưỡng lão để không phiền đến con cháu hoặc thất vọng vì con cháu bất hiếu quá thôi.

Xung quanh tôi hàng ngày có rất nhiều hoàn cảnh tréo ngoe. Và tôi để ý thấy, khi cha mẹ còn, con cái rất ít quan tâm để ý đến, khi mất rồi các con mới ôm nuối tiếc trong lòng. Chính bởi thế tôi luôn nghĩ, khi còn cơ hội ở gần bố mẹ thì nên quan tâm nhiều hơn để khi bố mẹ không còn nữa cũng không phải day dứt.

Như vợ chồng tôi suốt 20 năm lấy nhau, dù cuộc sống chẳng giàu có gì khi vợ bán hàng rau củ quả tại chợ đầu mối rất vất vả, bản thân tôi chỉ là công nhân một nhà máy lắp ráp phụ tùng xe máy nhưng luôn nhắc nhau phải chăm sóc, yêu thương bố mẹ 2 bên nội ngoại.

Vợ chồng tôi tuy không ở chung với bố mẹ 2 bên nhưng may mắn ở cùng làng với ông bà nội và cách nhà ông bà ngoại hơn 2km. Thế nên hầu như ngày nào đi làm về tôi cũng có mặt hôm thì ở nhà ngoại, hôm thì ở nhà nội chơi. Nhà cứ mua gì ngon ăn hay làm món gì ngon cho gia đình nhỏ là vợ chồng tôi lại mang 1 nửa đến biếu ông bà nội, ngoại. 

Thậm chí tuy không giàu có dư dả gì nhưng vợ chồng tôi vẫn cố gắng lập 1 quỹ tiết kiệm cho bố mẹ 2 bên. Mỗi tháng chúng tôi gửi vào tài khoản tiết kiệm này 3 triệu đồng, mỗi bên bố mẹ được 1,5 triệu đồng.

Mỗi năm tổng quỹ tiết kiệm sẽ được 36 triệu đồng và mỗi bên ông bà nội ngoại đều có 18 triệu đồng. Tổng 20 năm nay vợ chồng tôi cứ đều đặn tiết kiệm như thế, quỹ này đã có 720 triệu đồng. Tính ra ông bà nội ngoại đã có 360 triệu đồng để dành mà chưa tính tiền lãi suất hàng năm. 

Quỹ tiết kiệm cho bố mẹ 2 bên này chúng tôi gửi kỳ hạn 6 tháng. Mỗi khi đến kỳ rút lãi, được bao nhiêu tiền lãi tôi gửi hết cho bố mẹ 2 bên để họ có thể đi du lịch hoặc mua sắm gì tùy thích.

Ngoài làm việc đó, dù nhiều khi công việc bận rộn, 2 vợ chồng tôi và các con vẫn thường dành thời gian cuối tuần để đưa bố mẹ 2 bên đi ăn hoặc đơn giản dẫn bố mẹ đi chùa chiền, đến những nơi mà bố mẹ thích.

Những lúc ấy, vợ chồng con cái chúng tôi chỉ cần ngồi nhìn ông bà ăn phở mồ hôi đầm đìa hoặc thấy họ cười vui viên mãn là đã thấy sung sướng, hạnh phúc.

Tôi còn nhớ như in ngày này 2 năm trước, bố đẻ tôi qua đời vì bệnh ung thư phổi. Những ngày ông bị bệnh, vợ chồng tôi và các em hết lòng chăm sóc, túc trực. Nhưng ngày ông rời bỏ thế giới này đi, tôi lại đang có công chuyện ở xa không về kịp.

Khi đặt vé máy bay về đến nhà thì ông đã được chôn cất mồ yên mả đẹp 2 ngày. Không gặp được bố lần cuối nhưng tôi không ân hận, bởi tôi đã làm tất cả những gì có thể cho ông bà từ 20 năm nay. Tôi chỉ ước giá như ông còn sống lâu hơn để vợ chồng tôi chăm sóc.

Ai rồi cũng đến ngày mất cả cha lẫn mẹ, phải vĩnh biệt họ mãi mãi trên đường đời. Chúng ta đừng để những mâu thuẫn, xích mích xóa sạch những điều tốt đẹp đã trải qua cùng bố mẹ và gia đình. Điều duy nhất phận làm con chúng ta có thể làm là sống cho thật tốt, làm tròn chữ hiếu.

Theo Thảo Nguyên/Vietnamnet