Ai cũng cần có bạn bè
Bà Rekha Singh cùng chồng sống ở ngoại ô thủ đô New Delhi của Ấn Độ. 4 năm trước, hai người con trai của vợ chồng họ rời quê tới các thành phố xa để kiếm sống, bỏ lại cặp vợ chồng già thui thủi cùng nhau sớm hôm. Vắng bóng con cái, hai ông bà đã phải chật vật trong một thời gian dài để có thể đảm bảo cuộc sống của cả 2 khi đã ở tuổi xế chiều.
Tại Ấn Độ, hệ thống cơ sở hạ tầng, chẳng hạn như các phương tiện giao thông công cộng hay xe lăn tại các địa điểm công cộng nhằm hỗ trợ các đối tượng, trong đó có người già chưa phổ biến, đồng nghĩa với việc những người già ít có cơ hội để để di chuyển xa và thường chỉ quanh quẩn quanh nhà.
|
Vợ chồng bà Singh trong một lần đi du lịch vài năm trước. |
Bà Singh cũng thừa nhận cuộc sống ở khía cạnh xã hội của vợ chồng họ khá tẻ nhạt, bà và chồng hiếm khi có điều kiện để tham gia các hoạt động xã hội, giải trí hay mua sắm.
Tại Ấn Độ, việc các cặp vợ chồng già phải sống một mình trước đây khá hiếm bởi ở nền văn hóa này người trẻ vẫn thường tiếp tục sống với cha mẹ sau khi đã kết hôn hoặc đi làm, tạo thành các gia đình có nhiều thế hệ và có tính gắn kết cao. Tuy nhiên, gần đây, tình hình đã thay đổi đáng kể khi ngày càng có nhiều người trưởng thành trẻ tuổi tìm đến các thành phố để tìm việc làm hay ra nước ngoài để mưu cầu cơ hội sống tốt hơn.
Với những cặp vợ chồng già như ông bà Singh, việc điều chỉnh cuộc sống để có thể quen dần với sự vắng mặt của con cái tương đối khó khăn. Dĩ nhiên, dần dần họ cũng vẫn phải tự tập cho mình thói quen và tìm kiếm những thú vui nho nhỏ khiến họ trở nên bận rộn để quên đi sự trống trải.
Theo các nghiên cứu xã hội, những người già thường dành hầu hết thời gian trong ngày để gặp gỡ bạn bè. “Con người ở độ tuổi nào cũng cần phải có bạn bè nhưng ở đây chúng tôi lại không có nhiều cơ hội để gặp gỡ, kết bạn. Chúng tôi chỉ có vài người bạn có thể tâm sự và sẵn sàng hỗ trợ khi chúng tôi cần đến”, bà Singh cho biết.
Theo một khảo sát do đơn vị chăm sóc sức khỏe IVHSeniorCare thực hiện gần đây, những thay đổi trong mô hình gia đình ở Ấn Độ đã dẫn tới tình trạng ngày càng có nhiều cặp vợ chồng phải sống trong cảnh đơn côi, ông bà tự chăm nhau như nhà bà Singh. Họ luôn thèm muốn sự tương tác xã hội.
“Cần cam thì lại cho táo”
Khảo sát cũng nhấn mạnh rằng có rất ít cặp vợ chồng già sống một mình xem sức khỏe là mối lo ngại hàng đầu. Cụ thể, chỉ có 10% những người được hỏi nói rằng sức khỏe là vấn đề quan trọng nhất mà họ đang phải đối mặt. Trong khi đó, theo khảo sát, 36% người già xem tương tác xã hội là ưu tiên hàng đầu của họ, 19% nói họ lo ngại về sự an toàn của bản thân.
Điều này đúng, ít là với trường hợp của bà Singh. Dù vẫn may mắn hơn nhiều cụ bà cùng trang lứa khi vẫn có người chồng “đầu ấp tay gối” mấy chục năm đồng hành và có các cháu nội thi thoảng qua thăm nhưng bà cảm giác cô đơn vẫn ngày càng gia tăng cùng với số tuổi của bà. Những người bạn cùng lứa tuổi của bà cũng có chung cảm giác như vậy.
“Mọi người nói chung, và ngay cả con cái của những cặp vợ chồng già vẫn chưa hiểu rõ về những nhu cầu mà một người già thực sự cần. Cái mà những cặp vợ chồng già cần là sự đồng cảm và an toàn về mặt tình cảm”, bác sĩ G.S. Grewal - một nhà tư vấn về chăm sóc sức khỏe người già tại Bệnh viện Max ở New Delhi cho biết.
Ông Swadeep Srivastava - người sáng lập IVHSeniorCare - cũng nhận xét rằng người Ấn Độ hiện nay đang sống theo phong cách phương Tây. Có điều, ở các nước phương Tây, những nhu cầu thiết yếu cho người già được Chính phủ hay bảo hiểm giải quyết còn tại Ấn Độ, hệ thống cơ sở hạ tầng và phúc lợi vẫn chưa được đầy đủ như vậy.
“Những người già vẫn hi vọng con cái có thể chăm sóc họ khi về già, như cách mà họ đã chăm sóc cha mẹ của chính họ trước đây. Thế nhưng khoảng cách về giao tiếp và thế hệ khiến con cái của họ lại sẵn lòng cho cha mẹ tiền bạc, hiện vật chứ không hiểu rõ cha mẹ họ thực sự cần gì”, ông Srivastava nhận định.
IVHSeniorCare đã tiến hành khảo sát trên 1.000 người già sống tại 7 bang khác nhau của Ấn Độ nhằm tìm hiểu về lối sống, bao gồm các hoạt động hàng ngày của họ, những hình thức hỗ trợ mà họ nhận được cũng như về mức độ ra ngoài tham gia các hoạt động xã hội của họ.
Công ty cũng đã khảo sát 1.000 người trưởng thành trẻ tuổi đã sống xa cha mẹ ít nhất 5 năm. Kết quả khảo sát đã cho thấy sự khác biệt vô cùng lớn giữa những thứ mà những người già cần và những điều mà người trẻ nghĩ rằng cha mẹ họ cần.
Theo kết quả khảo sát, chỉ có 2% những người già cho biết cuộc sống của họ khá ổn còn 71% thú nhận cuộc sống của họ có nhiều vấn đề khiến họ không thể vui vẻ. Trong đó, sự cô lập về mặt xã hội được cho là yếu tố chính khiến sức khỏe của người già trở nên kém.
“Chất lượng cuộc sống bị ảnh hưởng bởi các yếu tố sau: dinh dưỡng, sức khỏe yếu, mất trí nhớ và việc bị ngược đãi”, ông Grewal - Chủ tịch dự án thân thiện với người già - cho hay.
Theo ông Grewal, sự ngược đãi ở đây không chỉ là sự ngược đãi của người khác với người già mà còn bao gồm cả tình trạng người già tự ngược đãi bản thân. Ví dụ, có những người già có đầy đủ điều kiện vật chất nhưng vẫn tự khiến chất lượng cuộc sống của họ trở nên kém đi bằng việc không uống thuốc đúng giờ, cố tình không nấu những món ngon để ăn...
Còn với những người trưởng thành trẻ tuổi tham gia khảo sát, 59% nghĩ rằng cha mẹ họ rất thảnh thơi, cả ngày chỉ nghỉ ngơi, 23% nghĩ rằng cha mẹ họ bận rộn với công việc dọn dẹp nhà cửa hàng ngày. Không mấy người nghĩ đến khía cạnh thiếu thốn tình cảm của cha mẹ mình.
Theo Srivastava, khoảng cách thế hệ và xu hướng học theo văn hóa phương Tây khiến những đứa con không nhận ra được những nhu cầu thực sự của cha mẹ họ và kết quả là họ nhiều khi “cho cha mẹ táo trong khi cái mà cha mẹ họ cần là quả cam”.
Theo kết quả cuộc khảo sát có tên Ấn Độ là Juj Jug Jiyenge, có nghĩa là “Sống lâu hơn”, Ấn Độ hiện đang có khoảng hơn 100 triệu người già. Theo IVHSeniorCare, con số này đang gia tăng một cách không cân xứng và Ấn Độ dự kiến sẽ có thêm 240 triệu người già vào năm 2050. Điều này đặt ra những thách thức đáng kể trong việc chăm sóc sức khỏe của người già, nhất là sức khỏe tinh thần của họ.
Thách thức đáng kể
Trong trường hợp của cặp vợ chồng nhà Singh, họ còn may mắn hơn nhiều người khác vì sau 2 năm phải sống cô quạnh, một trong các con trai của bà đã trở về New Delhi làm việc. Khoảng cách giữa nơi ở của ông bà với con cái được rút lại xuống còn 80 km nên những đứa cháu có thể về thăm ông bà thường xuyên hơn.
Ngoài ra, vợ chồng họ còn có điều kiện tham gia một chương trình chăm sóc sức khỏe người già nên lo lắng về sức khỏe của họ cũng phần nào nhẹ bớt.
“Các vấn đề của vợ chồng tôi gần như đã được giải quyết nên chúng tôi cũng không cần lo ngại gì nhiều”, bà Singh cho hay. Đến nay, mỗi ngày bà Singh chủ yếu lo làm vườn và đọc sách. Bà cũng vẫn còn có chồng nên hai vợ chồng có thể cùng nhau làm mọi việc. Với bà, cuộc sống như vậy cũng là tương đối mãn nguyện.
Theo Hoàng Nam/Báo Pháp Luật