Chị năm nay đã 36 tuổi, sống tại vùng quê nghèo của tỉnh Long An. Hai vợ chồng lấy nhau cũng đã 13 năm, có mảnh ruộng và đàn vịt để kiếm sống nhưng bước ra ngoài sân, bước vào trong nhà, quanh quẩn vẫn chỉ có hai vợ chồng.
Thấy bạn bè cùng lứa đã đề huề cháu con, chị cũng vun vén tiền để dành, lên Sài Gòn kiếm con. Chị lên một phòng khám tư để nhờ bác sĩ “canh trứng”. Lần nào bác sĩ cũng bảo trứng tròn mà đẹp lắm… Trước thì chị theo dõi cho cái “trứng” nó lớn lên tự nhiên, sau thì bác sĩ cho chích thuốc, nghe nói đâu là để “trứng” lên nhanh hơn. Dù vậy lần nào bác sĩ siêu âm cũng bảo là “trứng” đẹp lắm.
Mấy năm như vậy, về quê trong lòng cũng mừng, hai vợ chồng cũng thu xếp để gần gũi với nhau. Chị cũng ráng bồi bổ thêm cho ông xã bằng mấy thang thuốc nam của ông thầy lang gần nhà. Vậy đó, cứ hy vọng rồi thất vọng, ròng rã 4 năm trời, cứ canh rồi lại thử que, hy vọng rồi lại thất vọng. Tiền dành dụm bao nhiêu lo cho chuyện đi lại, siêu âm, thuốc men hết…
|
Tư vấn một trường hợp hiếm muộn. |
Chị nghĩ là không ăn thua rồi! Lần này, chị quyết tâm dẫn ông xã lên bệnh viện để khám và tư vấn. Mới đầu, ổng cự dữ lắm. Ổng nói tui khỏe re chứ có gì đâu mà khám. Chị khóc riết, ổng mủi lòng rồi mới chịu đi. Lên gặp bác sĩ, nghe tư vấn, chị cũng hiểu ra là siêu âm có thấy trứng đâu mà canh, nhưng càng lo hơn, bác sĩ nói tuổi càng tăng, khả năng có thai càng giảm, cũng rầu lắm. Còn chờ kết quả tinh dịch đồ của ông xã nữa.
Đến lúc xét nghiệm tinh dịch đồ cho ông xã, hai vợ chồng choáng váng khi nghe bác sĩ tư vấn là ông xã không có tinh trùng. Bác sĩ nam khoa gặp luôn chiều đó, rồi khám, rồi xét nghiệm và siêu âm. May quá, bác sĩ nói là do ông xã không có cái ống gì đó thành ra tinh trùng sản xuất ra lại không đi ra ngoài được. Bác sĩ mổ để lấy tinh trùng cho anh.
Kết quả cũng mừng lắm vì có đủ tinh trùng để sử dụng. Chị làm thụ tinh ống nghiệm sau đó, lo lắng lắm, do không biết nang có phát triển không, rồi đến ngày chọc hút được bao nhiêu trứng, rồi thấp thỏm chờ đến ngày báo phôi. Chuyển phôi xong về, dù rất lo và hàng xóm nói phải nằm yên một chỗ, nhưng do bác sĩ dặn phải đi lại và nằm một chỗ thì đám vịt ai lo, chị vẫn làm việc bình thường. Ráng cho mình lu bu với công việc để quên đi cái hồi hộp trong lòng.
Vậy chứ đến tối về nằm, hai vợ chồng vắt tay lên trán và vẫn cầu nguyện cho phôi phát triển tốt. Rồi ngày thử thai cũng đến, lấy máu xong, chờ hai tiếng đồng hồ mới có kết quả, chị thấy sao mà hai tiếng nó dài đằng đẵng. Chị đâu có dám thử que vì nghe lời bác sĩ dặn là thử máu mới chính xác, với lại chị đã quá mệt mỏi với những lần thử que trước rồi.
Và hạnh phúc đã mỉm cười, chị có thai. Bác sĩ dặn về nhà ăn uống, đi lại nhẹ nhàng, uống nhiều nước, ăn rau xanh trái cây và sử dụng thuốc đầy đủ để 3 tuần nữa siêu âm thai. Chị đếm từng ngày…
Còn hai ngày nữa là đến ngày lên thành phố… Chị nghĩ trong bụng, 2 ngày này có thấm thía gì với 4 năm ròng rã, vậy mà sao thấy dài quá. Chị mong cho nhanh nhanh qua, để được gặp con…
Vậy đó, chẳng hiểu tại sao, hai vợ chồng sống với nhau, không có con, là “trăm dâu đổ đầu...vợ”. Người ta còn dư hơi dè bỉu khổ đau bằng vần bằng điệu, ủa, phụ nữ đâu có tự luyện khí công mà có con. Không có thai thì rà soát từ hai phía, chứ đâu có bằng chứng các anh luôn luôn ổn, “đủ chuẩn” dù vẫn thực hiện việc làm chồng một cách rất tốt đâu.
Câu chuyện này góp phần giúp người làm vợ có cái nhìn đúng hơn về việc hiếm muộn và cho dù nguyên nhân vô sinh là gì, vợ vẫn là người vất vả hơn trong quá trình điều trị. Ngàn lần, chị đừng nghĩ là do mình, đừng ôm cái khổ một mình, vì có con là chuyện của cả hai vợ chồng...
(ghi theo lời kể của BS. Hồ Ngọc Anh Vũ)
Theo BS. Lê Tiểu My /Sức khỏe đời sống