Trong xã hội hiện đại ngày nay, khi mọi thứ đã trở nên thoải mái và thoáng hơn rất nhiều thì đâu đó, vẫn còn những tư tưởng của thời xưa khiến nhiều thế hệ trong một gia đình xảy ra mâu thuẫn, mà phổ biến nhất có lẽ là chuyện sinh con đẻ cái.
Biết rằng con cái là lộc trời cho, thế nhưng với nhiều cặp vợ chồng, việc sinh con trai nối dõi tông đường vẫn là áp lực vô hình.
Trên một hội nhóm mới đây, một anh chàng đã chia sẻ câu chuyện éo le của vợ chồng mình. Tất cả xuất phát từ việc cả hai chưa sinh được con trai.
Chia sẻ của anh chồng gây xôn xao cộng đồng mạng (Ảnh chụp màn hình)
Kể qua về gia đình, anh cho hay nhà có 3 anh chị em tất cả. Anh trai là cháu đích tôn, đã có cháu trai, cháu gái, theo ông bà là nếp tẻ đủ cả. Còn vợ chồng anh tới nay cũng có với nhau hai bé gái.
"Từ lúc còn là học sinh đến tận bây giờ, mình chưa bao giờ quan trọng việc sinh con gái hay con trai, bố mẹ mình thì cũng có để ý nhưng chỉ để ý anh mình thôi, chứ còn bản thân mình như nào cũng được, trời sinh voi sinh cỏ…
Vậy mà chỉ có mỗi bữa cơm gia đình, có cô dì chú bác, 3 mâm cơm, mà mọi người cứ xoay quanh cái câu chuyện ko đẻ được con trai. Nào là:
- 'Giờ không đẻ được con trai thì ai nối dõi tông đường, bố mẹ làm bao nhiêu rồi lớn nó đi lấy chồng cho chồng hết"'
- 'Nhà phải có 1 đứa con trai, chứ toàn con gái thì hơi buồn cười'
- 'Có đứa con trai sau này còn tiếp rượu cho bố nó chứ"
Anh cho hay, đây mới chỉ là những lời nói nhẹ nhàng, còn nhiều câu nói khác thậm chí còn "cứa lòng" hơn thế. Một câu, hai câu cũng cho qua vì mọi khi hai vợ chồng cũng đã quen rồi.
Thế nhưng lần này lại khác, bởi mọi người nói quá nhiều nên chẳng khác nào giọt nước tràn ly. Có lẽ một phần vì quá chén nên người vợ bật khóc, bế con vào trong giường ngồi.
"Lúc đó mình chỉ nói 1 câu: 'Mọi người vừa phải thôi ạ, vợ cháu là một người bình thường như bao người khác, chứ có phải máy đẻ đâu mà thích trai có trai, thích gái có gái. Chúng cháu chỉ muốn nuôi con sao cho con trưởng thành, ngoan ngoãn, nghe lời bố mẹ, sau này chúng nó cảm thấy hạnh phúc là được".
Nói tới đây, mọi người trong nhà đều im lặng, chắc cũng nhận ra mọi người nói vấn đề này nhiều quá. Rồi mình vào xem vợ, thấy đang vừa cho con bú vừa ngồi khóc.
"Thật sự khoảnh khắc ấy cũng muốn khóc theo, hai vợ chồng ngồi tâm sự với nhau một lát thì vợ hết khóc. Sau đó mọi người bình thường nhưng trước khi về, mình có nói chuyện với bố mẹ là lần sau còn như vậy, mình sẽ không đến nữa, đến để chơi, để vui vẻ họ hàng gặp mặt chứ ko phải chì chiết nhau như vậy…
Mình tâm sự cũng mong anh chị em hiểu, con cái là của trời cho, đừng vì mấy việc này mà làm tổn thương chị em. Con nào mà chẳng là con, bỏ cái suy nghĩ phải có nam, gia đình mới hạnh phúc, mới nối dõi tông đường đi. Vậy con gái không được nối dõi à hay sao?".
Sau khi đăng tải, chia sẻ của người chồng đã thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng. Nhiều người tỏ ra không đồng tình với việc họ hàng nhà chồng liên tục dồn ép vợ chồng anh chuyện đẻ con trai.
Đa số cho rằng, thời buổi này, sinh ra được đứa con khỏe mạnh, đáng yêu đã là quý chứ không mưu cầu gì hơn. Việc gia đình anh còn giữ tư tưởng trọng nam khinh nữ cổ hủ như vậy thì chỉ càng gây thêm bất hòa giữa các thành viên.
Bên cạnh đó, nhiều chị em cũng xuýt xoa ghen tị với người vợ trong câu chuyện, khi có chồng tâm lý và yêu thương vợ hết mực.
- "Chửa đẻ là chuyện riêng nhà người ta, người ta đẻ như nào thì liên quan gì nhà mình mà cứ xúm vào xúi người ta đẻ, người ta đẻ ngta nuôi, mình nuôi con người ta được đâu mà cứ xúi người ta đẻ như đúng rồi"
- "Sao nhiều người vẫn kiểu trọng nam khinh nữ vậy? Cái cảm giác mong con nó khó tả và dài đằng đẵng ấy, nên là đẻ được là tốt rồi, làm ơn bỏ cái suy nghĩ con trai nối dõi đi"
- "Phụ nữ cần lắm những người chồng dám lên tiếng bảo vệ vợ như này"
- "Có phúc thì con trai hay gái đều được hưởng nhé. Vô phúc thì con trai cũng chẳng được nhờ gì đâu. Thời đại nào rồi nghĩ thoáng lên chút đi"
- "Quan điểm của mình sau này chỉ thích đẻ con gái thôi vì nói thật thời đại bây giờ nhìn nhiều gia đình có con gái họ còn lo lắng cho bố mẹ đầy đủ mọi thứ hơn con trai đó ạ"
Theo Lem /Vietnamnet