|
Ảnh minh họa: Internet. |
Đã có một số trường hợp trẻ tử vong thương tâm khi bị bỏ quên trên xe ô tô. Vụ việc gần đây nhất xảy ra ngày 8/6, tại xã Tử Du, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc, khi 1 bé trai 19 tháng tuổi bị bố mẹ bỏ quên trên xe ô tô gần 2 tiếng giữa trời nắng hơn 40 độ C.
Theo thông tin gia đình cung cấp, khoảng 12 giờ trưa ngày 8/6, khi bé trai đang chơi trên ôtô thì bố mẹ khóa sập cửa lại (bằng khóa điều khiển) để quên con xe và đi làm việc khác.
Lúc đó, ôtô không nổ máy, để dưới ánh nắng ngoài trời khoảng hơn 40 độ C. Sau khoảng hơn 2 tiếng, gia đình không thấy cháu đâu mới đi tìm thì tá hỏa phát hiện cháu đang nằm vật trong ôtô, bị hôn mê, đi vệ sinh không tự chủ, sốt cao. Gia đình đã lập tức đưa cháu đến trung tâm y tế huyện cấp cứu.
Tại đây, các bác sĩ đánh giá tình trạng cháu nguy hiểm, sốt trên 41 độ, co giật… nên đã chuyển bệnh nhi lên Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc điều trị.
Theo các bác sĩ, khi ngồi trong một chiếc xe ô tô quá nóng, chỉ cần 20 phút, đứa trẻ có thể bị tổn thương não bộ và thận do nhiệt độ cơ thể tăng quá cao vì sốc nhiệt và ngạt thở.
Trẻ em bị tổn thương nhanh hơn do khả năng thích ứng với nhiệt độ kém hơn, mất nước nhanh hơn người lớn.
|
Theo các bác sĩ, khi ngồi trong một chiếc xe ô tô quá nóng, chỉ cần 20 phút, đứa trẻ có thể bị tổn thương não bộ và thận do nhiệt độ cơ thể tăng quá cao vì sốc nhiệt và ngạt thở. Ảnh minh họa: Internet |
Khi xe ô tô đóng cửa, tắt máy dưới trời nắng, nhiệt độ trong xe sẽ tăng lên rất nhanh, khoảng gấp rưỡi nhiệt độ bên ngoài trong vòng 1 tiếng, với mức tăng thêm 3-6 độ sau mỗi 10 phút.
Khi trẻ bị sốc nhiệt sẽ tác động đến toàn bộ cơ quan trong cơ thể như hạ huyết áp, nhịp tim nhanh, suy thận, suy gan, tổn thương não, hôn mê… Nếu nhiệt độ trong cơ thể trẻ đạt tới hơn 40 độ C, các cơ quan của trẻ sẽ ngừng hoạt động và khi nhiệt độ cơ thể đạt tới 41,6 độ C thì trẻ nguy cơ cao tử vong.
Nếu được điều trị sớm, bù dịch đầy đủ, điều trị tích cực các biến chứng, tỉ lệ sống đạt trên 90%. Tuy nhiên khi nhiệt độ cơ thể trẻ vượt trên 42 độ, rất khó cứu.
Ở một góc nhìn khác, Cục Quản lý An toàn Giao thông Quốc gia Hoa Kỳ cho biết, nhiệt độ bên trong một chiếc xe đang đỗ có thể nóng hơn 30°C so với bên ngoài xe. Điều đó có nghĩa là vào một ngày 30°C, nhiệt độ bên trong xe có thể đạt tới hơn 60°C.
Ngoài ra, cơ thể trẻ em nóng lên nhanh gấp 3 đến 5 lần so với người lớn. Khi bị bỏ lại trong một chiếc xe hơi nóng, các cơ quan trong cơ thể của một đứa trẻ bắt đầu ngừng hoạt động khi nhiệt độ đạt tới 40 độ C. Một đứa trẻ có thể tử vong khi nhiệt độ cơ thể đạt ngưỡng trên 41.6 độ C.
|
Các bác sĩ cảnh báo đối với xe ôtô dù loại nào và có khởi động hay không khởi động thì khi không có người lớn ở cùng, tuyệt đối không để trẻ ở trong xe một mình. Ảnh minh họa: Internet |
Khi ở trong ô tô đã tắt máy, trẻ hít vào, CO kết hợp với Hemoglobin trong hồng cầu làm biến đổi cấu trúc Hemoglobin, khiến hồng cầu không thể vận chuyển oxy tới các tế bào cơ thể.
Từ đó, tế bào thiếu hụt oxy, trẻ sẽ hôn mê rồi tử vong. Nếu sống thì di chứng về não là rất lớn bởi não không có oxy trong thời gian dài.So với người lớn, trẻ em có nguy cơ cao hơn bởi lẽ trẻ em có sức khỏe yếu có thể tử vong do sốc nhiệt kể cả khi xe đỗ trong bóng râm.
Khí CO2 không mùi, không vị, không gây đau đớn, do đó cơ thể người bị ngạt không được “cảnh báo” để thoát nạn. Khi đi xe ô tô bị ngạt khí sẽ thấy: Đau ngực, hồi hộp, môi và đầu ngón tay, chân bị tím, rối loạn nhịp tim, tụt huyết áp, mất định hướng, co giật, tiểu – đại tiện không tự chủ… dẫn tới hôn mê và tử vong.
Các bác sĩ cảnh báo đối với xe ôtô dù loại nào và có khởi động hay không khởi động thì khi không có người lớn ở cùng, tuyệt đối không để trẻ ở trong xe một mình.
Đặc biệt, trong môi trường nắng nóng như những ngày gần đây, cần hạn chế cho trẻ chơi ngoài trời, đi lại ngoài nắng nóng vì rất dễ bị say nắng, say nóng (sốc nhiệt).
Khi gặp trường hợp trẻ bị lơ mơ, hôn mê do ở trong xe ô tô lâu, cần đưa trẻ ngay ra nơi mát, thoáng gió. Sau đó, nếu uống được thì cho trẻ uống nước điện giải, cần hạ thân nhiệt bằng cách chườm mát bằng khăn ướt, nới rộng quần áo để thoáng khí. Nếu ở nhà có thuốc hạ sốt (paracetamol) thì cho trẻ uống để hạ sốt trước mắt, sau đó đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế để được xử trí, điều trị kịp thời.
Theo Quảng An/Tiền Phong