Tết Đoan Ngọ còn được gọi là Tết nửa năm, Tết diệt sâu bọ diễn ra vào ngày mùng 5 tháng 5 Âm lịch hàng năm.
Theo quan niệm cổ truyền, vào dịp này, người dân thường làm mâm cúng Tết Đoan Ngọ dâng lên tổ tiên để thể hiện lòng thành, cầu mong một vụ mùa bội thu, có nhiều sức khỏe và gặp may mắn.
Mâm cúng Tết Đoan Ngọ thường gồm vải, mận, rượu nếp, cơm rượu nếp,...và không thể thiếu món bánh tro (bánh gio).
|
Ảnh minh họa: Toquoc.vn. |
Theo quan niệm dân gian, lý do mà trong Tết Đoan Ngọ nhất định phải ăn bánh tro là vì thời tiết nóng bức. Đây cũng là lúc sâu bọ, côn trùng sinh sôi phát triển. Ăn những món ăn tính mát và dễ tiêu như bánh tro có thể tiêu trừ bệnh tật trong người.
“Bánh tro còn có công dụng tư âm và dưỡng âm. Đây vốn là tôn chỉ của trường phái dưỡng sinh trong Đông y, như câu nói “dương thường hữu dư, âm thường bất túc". Do đó, thói quen ăn bánh tro ngày Tết Đoan Ngọ không chỉ là một nét đẹp trong văn hóa truyền thống mà nó còn mang lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe”, VOH đưa tin.
Thông tin trên báo Tổ Quốc, lương y Bùi Đắc Sáng (Hội Đông Y Hà Nội) cho biết thêm, bánh tro có vị nhạt, tính mát ăn dễ tiêu. Món bánh này phù hợp đối với những người già yếu, trẻ em, người có chứng bệnh nóng sốt âm ỉ (âm hư). Ăn bánh tro giúp cân bằng với các loại thực phẩm nhiều đường mỡ gây hại cho sức khỏe.
Cũng vì bánh tro có tác dụng thanh nhiệt lợi tiểu, thải độc cho cơ thể mà loại bánh này có thể trung hòa bớt độc hại trong ăn uống để bảo vệ sức khỏe trong ngày Tết Đoan Ngọ và còn cả thời gian sau đó. Ngoài ra, nó còn góp phần hỗ trợ điều trị một số bệnh cần lợi tiểu như tăng huyết áp, thống phong (gút), sỏi thận...
>>> Mời độc giả xem thêm video: Món ăn ngon từ... úp nồi
P.V (Tổng hợp)