Khả năng hấp thụ rượu đề cập đến khả năng mà một người có thể uống một lượng lớn rượu, bia hay thức uống có cồn nhưng lại chậm cảm thấy những tác động của chúng đến cơ thể, giáo sư Peter Martin, chuyên gia tâm thần và khoa học hành vi tại Trung tâm Y khoa Đại học Vanderbilt (Mỹ) chia sẻ trên Huffington Post.
Khả năng hấp thụ rượu còn được nhiều người nói theo cách dễ hiểu là tửu lượng. Một số người có thể uống hết ly này đến ly kia nhưng không say. Trong khi đó, có người uống chỉ mới nửa ly đã cảm thấy đầu choáng váng.
Ảnh minh họa
Giới tính và thể trạng
Theo ông Martin, giới tính và trọng lượng cơ thể ảnh hưởng rõ ràng đến khả năng dung nạp rượu của một người. Đàn ông thường uống được nhiều hơn phụ nữ trước khi say. Tương tự, những người có vóc dáng to lớn hấp thụ được nhiều rượu bia hơn so với người vóc dáng nhỏ hơn.
Yếu tố sinh học
Một số người cho rằng tửu lượng cao hay thấp có liên quan đến các enzym tham gia vào quá trình chuyển hóa rượu. Trong khi đó, số khác tin rằng là do ảnh hưởng của các chất dẫn truyền thần kinh trong não.
Một quan điểm khác được cho là bộ não của những người tửu lượng cao thường sẽ không nhận những tín hiệu như “đừng uống nữa”.
Brad Uren, trợ lý giáo sư y học cấp cứu tại Đại học Michigan, Mỹ, cho biết quá trình chuyển hóa của rượu gồm nhiều bước.
“Phần lớn rượu khi vào trong cơ thể ban đầu được chuyển hóa bởi enzyme alcohol dehydrogenase thành một hợp chất gọi là acetaldehyde. Hợp chất này tiếp tục được chuyển hóa bởi enzyme khác là aldehyde dehydrogenase”, Brad Uren nói với Huffington Post.
Ở một số người, cơ thể họ có thể bị thiếu enzyme aldehyde dehydrogenase. Điều này có nghĩa là chất acetaldehyde sẽ không được chuyển hóa tốt, và sự tích tụ acetaldehyde cao trong máu sẽ dẫn đến biểu hiện đỏ da, hoặc có những triệu chứng liên quan đến “dư vị sau cơn say”.
Ngoài ra, tửu lượng có thể tăng lên khi uống bia rượu thường xuyên, khi cơ thể sẽ thích ứng với việc sử dụng bia rượu, dẫn đến quá trình chuyển hóa cồn nhanh hơn.
Không phải ai cũng say ngay
Trong một số trường hợp, có người uống rượu nhưng 1-2 ngày sau mới say hay còn gọi là "say muộn". Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến “say muộn”.
Thứ nhất là do cơ địa của cá nhân đó chuyển hoá rượu chậm hơn người bình thường (chuyển hoá kém) khiến cho họ không say ngay khi uống.
Nguyên nhân thứ hai là do nồng độ cồn trong máu cao, gan chưa chuyển hoá hết. Tới khi rượu được chuyển hoá thành độc tố ở mức cao mà gan không thể đào thải được sẽ gây ra tình trạng ngộ độc (hay còn gọi là “say rượu muộn”).
Những trường hợp say rượu muộn rất nguy hiểm vì người uống sẽ nghĩ mình có tửu lượng cao dẫn tới chủ quan uống nhiều hơn.
Cần lưu ý rằng, tửu lượng cao hơn có thể không phải là điều tốt. Uống khó say hơn có thể khiến cơ thể không cảm nhận được đầy đủ sự tác động của rượu bia đến các giác quan.
Dù người có tửu lượng cao hay thấp thì khi uống rượu, các giác quan trong cơ thể cũng sẽ đều bị ảnh hưởng. Họ không nên thực hiện những việc đòi hỏi sự tập trung, phản ứng nhanh như lái xe.
Hơn nữa, tửu lượng cao hay thấp thì rượu bia vẫn tàn phá cơ thể như nhau, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như xơ gan, não, bệnh thần kinh, tụy, viêm dạ dày và ung thư.
Theo Phương Anh/giadinhonline