|
Những người chạy bộ có thể làm chậm quá trình lão hóa ở tế bào. |
Kết quả này đã đưa ra những câu hỏi thú vị về việc làm thế nào để biết phương pháp tập luyện nào tác động tới chúng ta ở mức độ vi mô và liệu sự khác nhau này có ảnh hưởng tới việc chúng ta chọn cách vận động.
Có nhiều bằng chứng cho thấy rằng, hoạt động thể chất ảnh hưởng đến tuổi tác của chúng ta. Những người lớn tuổi tập thể dục thường xuyên sẽ khỏe mạnh hơn, cân đối hơn, cơ bắp săn chắc hơn và ít có khả năng mắc nhiều bệnh và khuyết tật hơn so với những người cùng tuổi.
Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng, tập thể dục làm thay đổi hoạt động của nhiều gen, cũng như hệ thống miễn dịch, cơ chế sửa chữa cơ bắp và nhiều hệ thống khác trong cơ thể.
Một số nhà nghiên cứu đã suy đoán rằng, các tác dụng chống lão hóa phổ biến nhất của việc tập thể dục có thể xảy ra ở đầu các nhiễm sắc thể của chúng ta, được gắn với các mẩu vật chất nhỏ gọi là telomere.
Telomere dường như bảo vệ ADN của chúng ta khỏi bị hư hại trong quá trình phân chia tế bào, nhưng thật không may, nó ngắn dần và mòn đi khi tế bào lão hóa. Tại một số điểm, chúng không còn bảo vệ ADN của chúng ta và tế bào trở nên yếu ớt và không hoạt động (hoặc chết).
Nhiều nhà khoa học tin rằng, chiều dài telomere là thước đo hữu ích của tuổi chức năng tế bào.
Một nghiên cứu mới được công bố hồi tháng 11 trên Tạp chí Tim mạch châu Âu cho thấy, nhiều nhà khoa học trực tiếp kiểm tra xem liệu tập thể dục có thay đổi telomere hay không. Họ cũng hy vọng tìm hiểu xem thể loại và cường độ của bài tập có quan trọng không.
Các nhà nghiên cứu bắt đầu quan sát 124 người đàn ông và phụ nữ trung niên khỏe mạnh. Những người này được thử máu để kiểm tra chỉ số máu và đo chiều dài telomere trong các tế bào bạch cầu.
Sau đó, một số tình nguyện viên được chỉ định ngẫu nhiên để tiếp tục cuộc sống bình thường dưới sự kiểm soát của các nhà nghiên cứu hoặc bắt đầu tập thể dục.
Những người khác bắt đầu một chương trình có giám sát về đi bộ nhanh hoặc chạy bộ trong 45 phút ba lần một tuần, hoặc một bài tập xen kẽ với cường độ cao ba lần một tuần, bao gồm bốn phút tập thể dục vất vả sau bốn phút nghỉ ngơi, với trình tự được lặp lại bốn lần.
Nhóm cuối cùng tập tạ , hoàn thành một chuỗi các bài tập đối kháng ba lần một tuần.
Sau 6 tháng, các tình nguyện viên được mời trở về phòng thí nghiệm để kiểm tra thể lực và lấy máu. Kết quả thật bất ngờ, những người đàn ông và đàn bà ở độ tuổi trung niên chạy bộ có telomere dài hơn so với ban đầu. Còn telomere của những người tập tạ thì vẫn như thế, thậm chí có người còn bị ngắn đi.
Tiến sĩ Christian Werner, nhà nghiên cứu tim mạch và nghiên cứu tại Đại học Saarland, Đức, người đứng đầu nghiên cứu mới cho biết, kết quả này cho thấy, những người chạy bộ có thể làm chậm quá trình lão hóa ở tế bào.
Còn những người tập tạ hoặc các bài tập đối kháng vất vả nhưng nhịp tim trung bình thấp hơn nhiều so với khi chạy, điều này dẫn đến lưu lượng máu chậm hơn và có lẽ ít phản ứng sinh lý từ chính các mạch máu. Những người tập các bài tập về đối kháng sẽ sản xuất ít chất oxit nitric, được cho là ảnh hưởng đến hoạt động của telomerase và góp phần kéo dài telomere.
Nghiên cứu mới này đã đưa ra một thông điệp rằng, tập thể dục dưới bất kỳ hình thức nào cũng có thể thay đổi bản chất của lão hóa, ngay cả đối với những người đã ở tuổi trung niên.
" Không có gì là quá muộn. Hãy giữ cho tế bào của bạn tươi trẻ", ông Werner cho biết.
Theo Hà Thu/ Tiền phong