Vì sao bệnh tay chân miệng bùng phát dữ dội tại TP.HCM?

Google News

Kể từ sau trận “đại dịch” bệnh tay chân miệng vào năm 2011, chưa khi nào các bệnh viện nhi ở TP.HCM lại phải quay cuồng đến mức tả tơi như những ngày qua để tiếp nhận, điều trị những bệnh nhi mắc tay chân miệng...


Vi sao benh tay chan mieng bung phat du doi tai TP.HCM?
 Trẻ mắc bệnh tay chân miệng đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) - Ảnh: PV
Sau trận “đại dịch” tay chân miệng vào năm 2011 tình hình bệnh tay chân miệng trên địa bàn TP.HCM lắng dịu xuống, mỗi tuần chỉ phát hiện chừng 100 ca trong suốt nhiều năm liền.
Tuy nhiên, từ tháng 9/2018 đến nay, nhất là trong 2 tuần qua, mỗi tuần phát hiện hơn 300 trường hợp, trong khi tại các tỉnh, thành lận cận, trẻ mắc tay chân miệng cũng tăng đột biến khiến khoa nhiễm ở các bệnh viện nhi của TP đang trở nên quá tải, các bác sĩ ở đây phải gồng mình liên tục tiếp nhận, cấp cứu cho những trường hợp mắc tay chân miệng rất nặng để giành lại sự sống cho các bệnh nhi.
Tại bệnh viện Nhi đồng 1, các bác sĩ Khoa nhiễm thần kinh gần như không có thời gian ngưng nghỉ, tiếp nhận các ca mắc tay chân miệng, lúc cao điểm một tuần khoa này đã tiếp nhận trên 200 trẻ mắc bệnh tay chân miệng. Tất nhiên nhưng trường hợp nhập viện đều nặng, trong đó có hàng chục trường hợp rất nặng khiến đội ngũ y bác sĩ ở đây gần như toát mồ hôi, nhiều bác sĩ lần đầu cảm giác được sự “chóng mặt” với căn bệnh này.
Theo thống kế của Trung tâm y tế Dự phòng TP.HCM, số ca mắc tay chân miệng trên địa bàn TP trong tuần vừa qua tăng 47% so với trung bình 4 tuần trước, tăng 130% so với tuần cùng kỳ 2017. Tổng số ca tay chân miệng nhập viện tính đến nay đã hơn 3.000 trường hợp.
Thực tế cho thấy, các trường hợp trẻ mắc tay chân miệng được phát hiện trong thời gian qua, không chỉ trong các trường học mà ở cộng đồng cũng chiếm một số lượng lớn. Điều đó cho thấy, vi rút gây bệnh tay chân miệng hiện đang lưu hành rất lớn trong cộng đồng.
Theo các chuyên gia trong nhiều năm qua phần lớn trẻ mắc tay chân miệng là do vi rút Enterovirus 71 (EV71) gây ra. Trong năm nay, các trẻ mắc tay chân miệng qua kết quả xét nghiệm cho thấy có đến hơn 50% các trường hợp mắc tay chân miệng do vi rút EV 71.
Phân tích của bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho thấy thời điểm xảy ra “đại dịch” tay chân miệng vào năm 2011 có cả vi rút EV71 và vi rút C4, nhưng lúc đó vi rút C4 chiếm ưu thế.
Từ năm 2012 chỉ ghi nhận có ít vi rút E71 và không thấy vi rút C4 nên những năm đó tình hình bệnh tay chân miệng không có gì biến động lớn.
Tuy nhiên tuýp nào nặng, tuýp nào nhẹ thì chưa chứng minh, cần phải có thời gian nghiên cứu nhưng có một thực tế tuýp nào lâu không xuất hiện mà quay lại thì em bé sinh sau sẽ “dính đòn”
“Như vậy sau nhiều năm không thấy vi rút C4 gây bệnh tay chân miệng xuất hiện, năm nay vi rút C4 quay lại. Chính việc quay lại của vi rút C4 này khiến những trẻ sinh sau đợt “đại dịch” tay chân miệng năm 2011 chưa “biết mặt” loại vi rút này và không có miễn dịch nên “dính đòn” khiến bệnh nhiều hơn, mà nhiều hơn thì sẽ thêm ca nặng theo số lượng”, bác sĩ Khanh chia sẻ.
Trong khi đó, theo nhận định của các chuyên gia, tình hình bệnh tay chân miệng còn đang diễn biến phức tạp từ nay đến cuối năm, nếu không có biện pháp phòng bệnh hiệu quả.
Theo Trung tâm y ết dự phòng TP.HCM có 80% số ca bệnh tay chân miệng ở thể nhẹ, có thể chăm sóc và điều trị tại nhà. Tuy nhiên cha mẹ và người chăm sóc cần theo dõi sát tình trạng của trẻ, nếu phát hiện các dấu hiệu trở nặng như: giật mình, đi đứng loạng choạng, yếu liệt... phải đưa trẻ đến các bệnh viện để được điều trị kịp thời.
Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính, chưa có vắc xin dự phòng. Việc phòng bệnh chủ yếu thông qua việc ý thức giữ gìn vệ sinh của trẻ và của người chăm sóc trẻ: như rửa tay thường xuyên bằng nước và xà phòng, vệ sinh hàng ngày và khử khuẩn hàng tuần vật dụng, đồ chơi của trẻ.

Theo Hồ Quang/MTG