|
Lũ trẻ rất thích về quê (ảnh minh họa) |
Gia đình tôi lập nghiệp ở thành phố hơn chục năm, vợ chồng tôi đều làm công nhân. Ngày mới cưới, chúng tôi ở trọ trong căn phòng vỏn vẹn 9m2 gần khu chế xuất. Bao nhiêu dự định, ước mơ, những đứa trẻ lần lượt ra đời. Tích cóp nhiều năm vợ chồng tôi cũng mua được căn hộ chung cư bình dân dành cho người lao động.
Nhà nhỏ, chung vách với hàng xóm nhiều khi bất tiện, nhưng được sống dưới mái nhà mình không tốn tiền thuê nhà trọ đã là may mắn lắm.
Hơn chục năm ấy tôi chỉ dám về quê khi có công to việc lớn, chưa một lần đưa vợ con về quê ăn Tết, vì vé máy bay, tàu xe đắt đỏ. Bao nhiêu năm mới về quê chẳng lẽ lại về tay không, chưa kể tiền sắm Tết, tiền lì xì cho cả “tập đoàn” cháu nhỏ. “Bao giờ khấm khá sẽ dắt các cháu về để biết quê cha đất tổ” - tôi nói với anh trai mình như thế cách đây 2 năm.
Anh trai tôi trầm tư rồi nói: “Nhưng người già không chờ được em đâu, bố thì đã không còn, chỉ còn mình mẹ, đâu phải cứ có nhiều tiền thì Tết mới vui, em cứ dẫn các con về, anh chị ra ga đón, nhà có gà có rau có thóc, không thiếu thốn đâu mà lo, còn thì oách với thiên hạ để làm gì”.
Được lời như cởi tấm lòng, gia đình tôi thu xếp về quê ăn Tết. Khỏi phải nói vợ con tôi háo hức đến thế nào. Mẹ tôi tíu tít gọi điện hỏi con dâu với các cháu ăn gì để mẹ sắm, rồi thì áo quần mẹ nhiều lắm, bánh kẹo giờ trẻ con nó cũng không thích đâu, đừng mua sắm gì tốn kém…
Anh chị tôi và một người anh con bác ra ga đón chúng tôi. Ngồi sau lưng anh trai tôi mới nhận ra anh già đi nhanh quá, bao nhiêu năm tôi xa nhà mọi công to việc lớn hiếu hỉ đều dồn lên vai anh. Vừa đi, anh vừa nói về những con đường mới mở, những khu công nghiệp mọc lên ngày một nhiều, trường lớp ở quê bây giờ xây mới khang trang. Cha mẹ tôi cả đời dành dụm mua được 2 mảnh đất, mảnh đất hương hỏa anh tôi đang ở, mảnh đất kia ở xóm trong anh vẫn quét dọn, sửa sang đợi tôi về.
"Hay là cả gia đình em về quê mà sống. Chẳng lẽ cứ đi mãi…". Tôi biết anh tôi sốt sắng nói ra điều đó, có lẽ anh đã dự tính từ lâu lắm rồi. Bà con hàng xóm đến thăm đông vui, có người còn dúi tiền vào tay con gái tôi nói: "Bà cho tiền mua bánh. Tiền cô Hà đi làm công nhân về cho bà mà bà chẳng tiêu đến".
Người xách đến nải chuối, chục trứng rồi dặn bỏ ra ăn xem đồ ở quê có ngon như đồ thành phố không. Các con tôi ngồi giữa những người già móm mém, tập chơi chắt, chơi chuyền, nhảy dây. Trẻ con dễ bắt chuyện làm quen, mới 2-3 ngày mà chúng quen khắp xóm. Các con thỏ thẻ: "Về quê thích quá bố ơi".
Chị dâu tôi đi chợ về bày ra bao nhiêu rau cá, nói cười rổn rảng: "Chợ hôm nay đông quá, rau cần tăng giá 10 nghìn 3 bó, rau muống 10 nghìn 4 bó, ngày thường 10 nghìn 6 bó...".
Vợ tôi mắt tròn mắt dẹt so sánh giá cả ở thành phố với chợ quê, cô ấy nói ra chợ cái gì cũng muốn mua vì rẻ quá, tươi ngon quá.
Tôi bắt đầu có những dự tính của mình, tôi bàn lại với vợ. Khi tôi còn đang tìm cách thuyết phục vợ thì cô ấy quả quyết: “Không phải tính nữa đâu anh ạ. Về quê dễ thở hơn nhiều. Mình cũng chẳng thể long đong mãi, em cứ nghĩ đến đầu năm học lo chạy trường, giờ tan tầm tắc đường đón con là em sợ, chật chội eo hẹp quá, đời mình cáu bẳn, méo mó đi.
Những năm gần đây, xu hướng công nhân “bỏ phố về quê” cũng nhiều, ở quê ngày đi làm công nhân, tối tranh thủ gieo xạ lúa, trồng màu được. Việc nhà nông theo thời vụ, hạt thóc, bó rau tay mình cấy hái cũng yên tâm...".
Đấy là năm đầu tiên các con tôi được quây quần gói bánh chưng, được đi chúc Tết, được nhiều bà con cô bác đến thăm lì xì đến thế. Chuyến về quê ăn Tết đó không ngờ đã thay đổi số phận của cả gia đình tôi.
Theo Báo Phụ nữ TP.HCM