Công bố phát hiện trên tạp chí Journal of Translational Medicine, các nhà khoa học từ Trường Y khoa Duke-NUS (Mỹ) cho biết họ phát triển một số vắc-xin Zika mới và tình cờ tìm ra tiềm năng đặc biệt của chúng đối với bệnh ung thư não trong quá trình thử nghiệm.
Virus Zika giảm độc lực lây nhiễm vào tế bào thần kinh bị ung thư được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm (màu hồng) - Ảnh: TRƯỜNG Y KHOA DUKE-NUS
Vắc-xin Zika được dùng trong thí nghiệm là dạng vắc-xin sống giảm độc lực, tức chứa đựng virus Zika đã được làm yếu đi, để khi tiêm vào cơ thể chúng không đủ gây bệnh nhưng đủ để kích hoạt hệ miễn dịch "tập trận", sinh ra kháng thể.
Họ đã nhắm vào các trường hợp u nguyên bào thần kinh đệm đa dạng, là loại ung thư não phổ biến nhất với 300.000 bệnh nhân mới được chẩn đoán hàng năm trên toàn cầu.
Tỉ lệ sống sót của các bệnh nhân này với các phương pháp điều trị hiện tại là rất thấp. Họ thường qua đời sau khoảng 15 tháng kể từ khi bị chẩn đoán mắc ung thư, chủ yếu do tỉ lệ tái phát khối u cao và các lựa chọn điều trị còn hạn chế.
Nhưng virus Zika giảm độc lực (ZIKV-LAV) hứa hẹn thay đổi cuộc chơi.
Virus Zika bình thường tấn công các tế bào não của các vật chủ thuộc đối tượng nguy cơ, nhưng virus giảm độc lực thì không đủ sức làm hại các tế bào khỏe mạnh nữa.
Nhưng chúng lại đủ sức lây nhiễm tự nhiên vào các tế bào đang nhân lên nhanh bất thường trong não. Đó là các tế bào ung thư.
Các chủng Zika giảm độc lực cũng tự sao chép trong các tế bào ung thư não, chiếm đoạt tài nguyên của các tế bào này để sinh sản và giết chết tế bào.
Khi màng tế bào bị phá hủy, chúng lại giải phóng các chất bên trong ra, bao gồm một đàn virus giảm độc lực, tiếp tục xâm chiếm các tế bào ung thư khác.
Tuy vậy, chúng lại không làm tổn thương các tế bào khỏe mạnh. Nguyên nhân là do virus này thích liên kết với một số protein chỉ tồn tại trong tế bào ung thư não, không có trong các tế bào lành.
Trong các thí nghiệm, virus giảm độc lực từ vắc-xin Zika đã tiêu diệt được 65-90% các tế bào của khối u nguyên bào thần kinh đệm. Nó có lây nhiễm vào khoảng 9-20% các tế bào khỏe mạnh, nhưng lại không gây hại gì cho các tế bào này.
Các nhà khoa học vẫn đang làm việc để tiến hành các bước nghiên cứu cao hơn, bao gồm trên động vật và trên người, với hy vọng ứng dụng các vắc-xin Zika trong giai đoạn thử nghiệm này cho cả bệnh Zika và bệnh ung thư não.
Theo Anh Thư/Người lao động