Cơ quan Quản lý Thực phẩm & Dược phẩm cùng Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ dự kiến sẽ cho phép những người bị tổn thương hệ miễn dịch tiêm mũi vắc xin Covid-19 thứ 3 trong tuần tới. Các thông tin thu thập trước đó cho thấy đối tượng trên có thể không đủ sự bảo vệ trước Covid-19 sau đợt tiêm chủng trước đây.
Ảnh minh họa: Australian Ageing Agenda
Đối với đa số người dân Mỹ, dữ liệu hiện có cho thấy cả ba loại vắc xin được cấp phép (Pfizer, Moderna, Johnson & Johnson) đều có khả năng bảo vệ cơ thể ít nhất 6 tháng sau khi tiêm chủng đầy đủ, thậm chí dài hơn.
Tiến sĩ Anthony Fauci, Cố vấn Y tế của Nhà Trắng, đánh giá: “Chúng tôi tin sớm muộn, bạn cũng sẽ cần tiêm mũi tăng cường để tăng độ bền của lớp bảo vệ”.
“Nhưng chúng tôi cho rằng những người không bị suy giảm miễn dịch chưa cần vắc xin tăng cường ngay tại thời điểm hiện tại. Chúng tôi đánh giá điều này trên cơ sở thông tin của từng ngày, từng tuần, từng tháng".
Các chuyên gia cho biết khả năng bảo vệ cơ thể có được từ vắc xin Covid-19 sẽ giảm nhẹ theo thời gian. Ngoài ra, biến thể Delta có nguy cơ sẽ giảm một phần hiệu quả vắc xin. Các giám đốc điều hành của cả Moderna và Pfizer đều cho biết cuối cùng sẽ cần đến liều tăng cường.
Tuy nhiên, giới chuyên môn nhận định, đến nay, vắc xin vẫn đang chứng minh được tác dụng. Dữ liệu chỉ ra vắc xin ngăn ngừa các trường hợp nhập viện và tử vong.
Moderna và Pfizer đều báo cáo dữ liệu tích cực từ các thử nghiệm giai đoạn 3 đang diễn ra của họ với việc theo dõi các tình nguyện viên ít nhất 6 tháng sau mũi tiêm đầu tiên.
Moderna cho biết vắc xin của họ vẫn còn hiệu quả hơn 93% đối với ca bệnh có triệu chứng sau 6 tháng, trong khi Pfizer báo cáo hiệu quả còn 84%.
Một nghiên cứu độc lập của Mayo Clinic cho thấy khả năng miễn dịch từ vắc xin Pfizer có thể suy giảm nhanh hơn so với Moderna.
Johnson & Johnson vẫn chưa báo cáo dữ liệu 6 tháng sau khi tiêm. Tuy nhiên, công ty đã công bố dữ liệu phòng thí nghiệm đầy hứa hẹn cho thấy phản ứng mạnh mẽ của hệ miễn dịch lên đến 8 tháng sau tiêm. Loại vắc xin này cũng ghi nhận tác dụng tốt với biến thể Delta trong thực tế ở Nam Phi.
Một số người Mỹ đã không chờ đợi quyết định chính thức để tiêm bổ sung. Theo CDC Mỹ, khoảng 1,1 triệu người đã tiêm mũi tăng cường.
Nhiều bác sĩ cảnh báo chống lại điều này. Việc sử dụng liều tăng cường vẫn đang được nghiên cứu, có thể gây ra những rủi ro chưa biết trước. Các nhà khoa học cần đánh giá tác dụng phụ, liều lượng và thời điểm thích hợp để tiêm.
Tiến sĩ Simone Wildes, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại South Shore Health, nói: “Hiện tại, chúng tôi không khuyến nghị tiêm nhắc lại. Tuy nhiên, điều đó có thể thay đổi".
Các bác sĩ và chuyên gia y tế công cộng khác cũng cho biết họ không vội vàng giới thiệu liều vắc xin tăng cường cho người dân. Không chỉ vì các loại vắc xin hiện tại được chứng minh có hiệu quả vượt trội, giới chuyên môn còn đang thu thập dữ liệu về tác động tiềm ẩn của mũi tiêm bổ sung. Các nhà sản xuất vắc xin cũng đang nghiên cứu xem mũi tăng cường có nên dùng liều lượng thấp hơn không.
Theo An Yên/ Vietnamnet