Nhiều người còn khẳng định rằng họ thà để hôn nhân tan vỡ còn hơn phải chịu đựng tới “hai bà mẹ chồng”.
Có lẽ, em gái chồng là một trong những mầm mống gây nên bất hòa giữa hai vợ chồng. Em chồng chẳng phải huyết thống, cũng chẳng phải do ta chọn, cho nên mối quan hệ với em chồng phải chăng chính là sự bắt buộc phải “chung sống” và chịu đựng nhau. Vì thế, để “trị” được “Giặc bên Ngô” thì cách tốt nhất không phải là việc hơn thua mà chính là cách “chinh phục”.
|
Em gái chồng là một trong những mầm mống gây nên bất hòa giữa hai vợ chồng. |
Chinh phục từ trước khi cưới
Không có ai “nguy hiểm” hơn em chồng, nhưng cũng không có ai giúp bạn ghi điểm với gia đình chồng giỏi hơn em gái chồng. Chính vì vậy ngay từ trước khi cưới hãy tranh thủ tình cảm của em chồng. Gặp gỡ, tiếp xúc, trò chuyện như hai người bạn gái, rủ nhau nấu ăn, mua sắm… sẽ khiến cho mối quan hệ giữa em chồng và chị dâu tương lai thân thiết hơn
Nhờ chồng làm cầu nối
Nhờ chồng làm ngoại giao để hai bên nhận được những thông tin gây thiện cảm về nhau. Đồng thời anh ta phải làm “nội ứng” thông báo cho người yêu biết chị hay em gái mình có những sở thích thế nào thì cô dâu mới biết cách mà “chiều”. Từ cách ăn mặc đến nói năng cư xử, cô dâu không nên quá khác biệt với em chồng.
Luôn khen em chồng
Khi cô dâu về nhà chồng chỉ nên khen mà không nên chê bất cứ điều gì nhất là về nhà cửa, nếp sinh hoạt của nhà chồng. Riêng em chồng cũng thế, chỉ nên khen chứ không nên chê. Đặc biệt, tuyệt đối không nói trước mặt em gái chồng những câu như so sánh khen gia đình mình, chê gia đình em chồng. Không kể xấu chồng trước mặt em gái chồng.
Tích cực làm mai mối cho em chồng
Nếu em chồng đã có người yêu thì phải đón tiếp nhiệt tình, tích cực vun vén, khen những điểm tốt của người yêu em chồng. Nếu chưa có bạn trai thì tích cực làm mai mối để vun vén hạnh phúc cho em chồng. Nhưng quan trọng nhất vẫn là dành cho em chồng tình cảm chân thật, coi như em gái mình để mà yêu thương, động viên, chỉ bảo.
Theo các nhà tâm lý, một gia đình thường dựa trên hai cơ sở: Mối quan hệ huyết thống và sự lựa chọn nhau. Tuy nhiên, quan hệ giữa cô dâu và chị em chồng lại nằm ngoài cả 2 cơ sở ấy. Không máu mủ ruột rà, không được lựa chọn nhau nhưng vẫn phải sống chung trong một mái nhà. Vì thế, việc họ không hợp nhau về tính cách, sở thích, quan điểm sống là điều dễ hiểu. Những cô dâu mới nên hiểu rõ vấn đề này mà xây dựng mối quan hệ dựa trên cơ sở vị tha và cảm thông.
Theo Hải Vân/ Gia đình Việt Nam