Cách đây nửa tháng, bác Vương (69 tuổi ở Trung Quốc) thường cảm thấy đau âm ỉ bụng phải. Sau khi ăn, cơn đau càng dữ dội hơn nhưng bác Vương nghĩ mình mắc bệnh dạ dày, tự mua thuốc về uống.
Mặc dù dùng thuốc song cơn đau bụng không thuyên giảm, ngày càng nghiêm trọng hơn khiến bác Vương không thể ngủ được. Thậm chí ngồi hoặc nằm thẳng cũng khó khăn, bác Vương phải nằm nghiêng mới đỡ đau. Thấy bác Vương đau đớn, người nhà sắp xếp thời gian đưa đi khám tại Khoa Tiêu Hóa, Bệnh viện Nhân dân số 3 Dương Châu.
Sau khi kiểm tra, bác sĩ phát hiện bệnh nhân có khối u gan “khủng”, đường kính lên tới 20cm, kích thước tương đương quả dưa hấu, cần phải phẫu thuật.
|
Hình ảnh khối u ung thư gan lấy từ cơ thể bệnh nhân. Ảnh: Sohu |
Thực tế, không ít bệnh nhân ung thư gan có biểu hiện giống như các bệnh tiêu hóa. Điều này bắt nguồn từ việc gan cũng nằm trong khoang bụng, không có dây thần kinh cảm giác nên bệnh nhân gần như không cảm thấy đau ở giai đoạn đầu.
Chỉ khi khối u phát triển mạnh, ảnh hưởng đến các mạch máu và dây thần kinh xung quanh thì người bệnh mới cảm nhận được nỗi đau. Thường lúc này ung thư đã chuyển sang giai đoạn giữa hoặc cuối, ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị.
Về trường hợp bệnh của bác Vương, do kích thước khối u rất lớn, chèn ép dữ dội dạ dày, tá tràng, đại tràng và mạc treo nên gần như không thể ăn uống bình thường, cần phẫu thuật càng sớm càng tốt.
Nhận định về ca mổ, bác sĩ Zhou Zhi cho biết đây là ca có độ khó cao. Khối u kích thước quá lớn, độ dính trong ổ bụng cao, chèn ép các cơ quan xung quanh, có nguồn cung cấp máu dồi dào và không gian mổ rất hẹp. Ê kíp vô cùng thận trọng, tập trung cao độ mới có thể loại bỏ thành công khối u 5kg ra khỏi bụng bệnh nhân.
Sau ca phẫu thuật, bác Vương dần hồi phục và có thể xuất viện. Bệnh nhân từng tái khám 2 lần, các chỉ số và dấu hiệu đều không có bất thường, thể trạng hồi phục tốt.
Thông qua trường hợp bệnh trên, bác sĩ nhắc nhở khối u gan thường không có dấu hiệu điển hình ở giai đoạn đầu. Khám sức khỏe là cách tốt nhất phát hiện các bất thường ở gan, tránh bỏ lỡ “thời điểm vàng” điều trị. Ung thư gan là bệnh nguy hiểm, ảnh hưởng lớn đến chất lượng sống của bệnh nhân. Tuy vậy, chẩn đoán mắc ung thư gan không phải “án tử”. Chẩn đoán sớm và tích cực điều trị, bệnh nhân hoàn toàn có cơ hội kéo dài sự sống, phục hồi.
>>> Mời độc giả xem thêm video: 70% bệnh nhân ung thư gan được phát hiện muộn
Định Tâm (Theo SH)