Mới đây, một người phụ nữ ở Chiết Giang, Trung Quốc, được phen hoảng hốt khi phát hiện ra rằng món cá kho còn thừa lại sau bữa ăn tối phát ra ánh sáng huỳnh quang vào lúc nửa đêm.
Về vấn đề này, một số chuyên gia nghiên cứu thủy sản chỉ ra rằng, cá có thể bị nhiễm "vi khuẩn phát sáng" do không được bảo quản cẩn thận sau khi nấu chín, dù chưa có báo cáo tác động gây hại nhưng vẫn không nên ăn.
Theo người phụ nữ, mẹ cô đã mua một ít cá biển ở bến tàu ở Phụng Hóa, thành phố Ninh Ba. Theo thói quen ăn uống của gia đình, bà làm món cá kho, khi ăn tối, cả nhà còn khen tấm tắc là cá tươi, ngọt thịt. Tuy nhiên, vì bữa tối nên mọi người đều không ăn nhiều, món cá kho còn thừa được đậy lại để bữa sáng ăn.
Nào ngờ, đến nửa đêm đi lấy nước uống, cô gái phát hiện món cá kho còn thừa trên bàn phát ra ánh sáng huỳnh quang màu xanh lá cây, điều này khiến cô vô cùng sợ hãi.
Dùng tay sờ vào món cá này, cô cũng bị huỳnh quanh bám chặt vào tay. "Ai có thể giải thích một cách khoa học được không? Tôi không thể ngủ được!", cô gái đăng tải trải nghiệm của mình lên trang cá nhân và kêu gọi mọi người cho thêm thông tin.
Về vấn đề này, một chuyên gia thủy sản cho biết, sự phát quang này không liên quan gì đến loại cá, vi khuẩn phát quang không thể tồn tại ở nhiệt độ cao. Do bảo quản không cẩn thận sau khi chế biến nên đã bị nhiễm vi khuẩn phát quang, tuy không có hại nhưng cũng không nên ăn tiếp nữa.
Theo một số chuyên gia khác, vi khuẩn có khả năng phát quang sinh học được gọi là vi khuẩn phát quang, phần lớn là vi khuẩn biển, vi khuẩn phát quang biển có thể sống cộng sinh trên mực và cá xương, hiện nay đã phát hiện được hơn 20 loài thuộc 5 chi.
Do không thể loại trừ hoàn toàn trường hợp vi khuẩn phát sáng gây hại cho cơ thể do đó nên tránh ăn các thực phẩm bị lây nhiễm vi khuẩn phát quang.
>>> Mời quý độc giả xem thêm video: Bất ngờ với cách bảo quản thức ăn không cần tủ lạnh của người xưa
Kiều Dụ (Theo ET)